(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/4, tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi ở thủ đô Paris, Cục Điện ảnh Việt Nam đã phối hợp với Công ty truyền thông Iriscommsex của Pháp tổ chức họp báo giới thiệu "Chương trình phim Việt Nam tại Pháp" (Liên hoan phim Việt Nam), với sự tham dự của đông đảo phóng viên, chuyên gia và bạn bè yêu điện ảnh của Pháp.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan đã giới thiệu khái quát với bạn bè Pháp về lịch sử điện ảnh Việt Nam kể từ những ngày đầu chập chững đến nay với ba giai đoạn phát triển: thời kỳ chiến tranh (1953- 1975), thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1975-1986) và thời kỳ đổi mới và hội nhập (1986 đến nay). Trong suốt quá trình phát triển, điện ảnh Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng nhất định và có những tiếp thu hình thức mới của phương Tây nhưng vẫn giữ được thần sắc dân tộc Việt Nam.
Liên hoan phim sẽ diễn ra vào tháng 7/2014 tại thành phố biển xinh đẹp Saint Malo do Công ty truyền thông Iriscommsex tổ chức với sự bảo trợ và phối hợp của Cục Điện ảnh Việt Nam cũng như nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Theo bà Ngô Phương Lan, Liên hoan phim Việt Nam Saint Malo tuyển chọn những bộ phim được thực hiện trong khoảng hai thập kỷ qua. Đây đều là những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu theo các chủ đề quan trọng trong lịch sử, trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và trong quan hệ Việt- Pháp và có thể coi là những tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt Nam được trao giải tại các Liên hoan phim quốc tế. Một phần quan trọng của sự kiện này là chùm phim của các của đạo diễn Pháp hoặc đạo diễn gốc Việt tại Pháp về đề tài Việt Nam. Đây là những tác phẩm đa dạng phong cách và nổi tiếng thế giới, được đánh giá cao của giới điện ảnh và công chúng thế giới.
Bên cạnh những bộ phim truyện, ban tổ chức cũng dự định giới thiệu một số bộ phim tài liệu tiêu biểu cho mỗi thời kỳ lịch sử Việt Nam. Những bộ phim này sẽ giúp khán giả hình dung lại những chặng đường lịch sử của Việt Nam thông qua cái nhìn của các nhà làm phim tài liệu. Đặc biệt, Liên hoan phim Việt Nam cũng giới thiệu một chùm phim hoạt hình của đạo diễn Ngô Mạnh Lân- nhà làm phim hoạt hình lão thành xuất sắc với những tác phẩm thành công tại các Liên hoan phim Việt Nam và quốc tế như "Chuyện Ông Gióng", "Mèo con", "Trê Cóc"…
Các tác phẩm được giới thiệu với công chúng Pháp tại liên hoan phim kỳ này được chia thành 3 chủ đề chính, gồm chiến tranh và lịch sử, tình yêu và gia đình và chủ đề Pháp - Việt. Chiến tranh là chủ đề chiếm lĩnh vị trí quan trọng của điện ảnh Việt Nam nhờ gắn chặt với các diễn biến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thể hiện cách nhìn khá đa chiều, có trực diện, có bi kịch thể hiện những vết thương chiến tranh còn hằn lại trong số phận con người Việt Nam. Về chủ đề tình yêu và gia đình, các tác phẩm được giới thiệu sẽ cho khán giả Pháp thấy những giá trị truyền thống phương Đông, thể hiện những khúc gấp khó khăn của thời hậu chiến, sự va đập của truyền thống và hiện đại, và ở góc độ khác là sự hòa chung vào cuộc sống đất nước của các dân tộc ít người nhưng vẫn giữ nét riêng trong sinh hoạt đời thường và trong tình yêu.
Chủ đề Pháp- Việt được giới thiệu qua các tác phẩm của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, người từng được tạp chí "Times" bình chọn là một trong 100 gương mặt điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới năm 1993, khi anh còn rất trẻ; đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Đặc biệt, người xem sẽ có dịp nghiễn ngẫm tác phẩm "Điện Biên Phủ" (1990) của đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer và "Sống cùng lịch sử" (2014) của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Đây là hai bộ phim đem đến hai cách nhìn khác nhau nhưng đều khách quan về một sự kiện lịch sử gắn với vận mệnh cả hai dân tộc Việt Nam và Pháp, với mối quan hệ Việt- Pháp.
Về nước trong một đợt công tác và có mặt tại buổi họp báo, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noël Poirier chia sẻ: "Điện ảnh Việt Nam là một nền điện ảnh trẻ những cũng có thể nói là nền điện ảnh có truyền thống, có nhiều nghệ sĩ có kinh nghiệm những cũng nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi và tài năng. Có thể coi điện ảnh Việt Nam là một cửa sổ giúp công chúng Pháp tiếp cận văn hóa Việt Nam. Là một đại sứ Pháp tại Việt Nam từ hai năm nay, tôi đã xem một số phim Việt Nam và cảm nhận rõ những sắc thái và hy vọng của một đất nước đang chuyển mình rất nhanh và sâu rộng. Điện ảnh Việt Nam cũng cho thấy một bản sắc, tính cách của dân tộc Việt Nam. Thông qua những tác phẩm được giới thiệu lần này, chúng ta có thấy những nét tinh tế trong nền văn hóa Việt Nam."
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng khẳng định liên hoan phim là dịp để công chúng Pháp khám phá một phần di sản điện ảnh tuy còn non trẻ so với lịch sử trăm năm của điện ảnh thế giới nhưng rất giàu bản sắc và đa dạng. Các tác phẩm được giới thiệu cũng sẽ giúp khán giả Pháp hiểu thêm về một Việt Nam biết gìn giữ bản sắc những cũng biết mở cửa ra thế giới để làm giàu thêm các giá trị văn hóa của mình.
Liên hoan phim Việt Nam tại Saint Malo là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng và rất được chờ đợi nằm trong khuôn khổ "Năm Việt Nam tại Pháp" - Kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước.
TTXVN
Tags