|
Sợi tóc giữa nude nghệ thuật và nude khiêu dâm
* Thông tư mới sẽ có những điểm mới nào so với quy chế, thưa ông?
- Thông tư mới sẽ giảm bớt thủ tục hành chính. Cụ thể, các tổ chức cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan ảnh sẽ không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ cần gửi văn bản thông báo. Nếu im lặng thì coi như là đồng ý. Thông tư mới cũng sẽ đưa ra những phương án để quản lý các hoạt động phát tán ảnh trên Internet. Đây là điều rất mới bởi quy chế cũ không đề cập đến. Ngoài ra, thông tư cũng sẽ quy định những vấn đề về bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh… Tóm lại, những gì mà thực tế nhiếp ảnh xảy ra như thế nào thì thông tư mới sẽ điều chỉnh.
Ông Vi Kiến Thành - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
* Dự kiến thông tư mới sẽ có những giải pháp nào để kiểm soát việc phát tán ảnh nhạy cảm trên mạng?
- Đó là cái rất phức tạp và rất khó, cần phải có sự bàn thảo phối hợp với an ninh mạng và quản lý mạng và Bộ Thông tin - truyền thông. Hiện nay cũng đã có những giải pháp được đưa vào thông tư, như gửi ảnh đi dự thi nước ngoài phải đồng gửi đến cho cơ quan quản lý văn hóa biết. Khi đó nếu anh được giải thưởng ở nước ngoài thì mới được cơ quan quản lý văn hóa Việt Nam tính thành tích. Nhưng cũng có người nói chúng tôi không cần tính điểm đó. Vậy mình có cách nào để giải quyết, đó cũng là điều đang làm đau đầu các nhà quản lý.
Trong nước thì mình có thể biết là nó đăng ở trang nào và có thể tiến hành xử phạt hậu kiểm được. Đối với nước ngoài sẽ rất khó khăn. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là sự bùng nổ của Internet thì quản lý nhiếp ảnh hiện nay rất khó khăn.
* Với những vấn đề dư luận quan tâm thời gian gần đây là chụp ảnh nude và phát tán ảnh nude thì thông tư sẽ điều chỉnh thế nào?
- Tôi nghĩ với ảnh nude cũng nên có sự nhìn nhận đúng đắn. Những gì khiêu dâm, gợi dục, trái với thuần phong mỹ tục thì nhắc thôi chứ trên mạng trôi nổi bao nhiêu thứ mình có ngăn được đâu. Cái cơ bản là mình định hướng dư luận, hướng người ta đến chân thiện mỹ. Cả thế giới đều thế. Luật không phải cây gậy thần, có những việc dư luận, đạo đức xã hội lên án thôi. Cái quan trọng là trình độ nhận thức của người dân phải nâng lên.
Về cơ bản cũng phải theo những điều cấm chung của các luật đã ban hành, vì thông tư chỉ là văn bản dưới luật. Vấn đề đặt ra là khi thông tư ban hành rồi thì trình độ của người quản lý cũng phải nâng cao, cần phải được phổ biến, hướng dẫn… để biết cách làm. Bởi vì trong nhiếp ảnh, giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh nude khiêu dâm, sự phân định của nó rất mong manh, thậm chí bé như một sợi tóc. Ngoài văn bản quản lý thì anh phải nâng được trình độ của người trực tiếp quản lý, cấp phép, kiểm duyệt.
Nghe dư luận để tìm đồng thuận
* Vậy thưa ông, phạm vi điều chỉnh sẽ chỉ là những nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc hội hay tất cả những người chụp ảnh?
- Đương nhiên là tất cả những người cầm máy. Tuy nhiên, khi anh công bố và phổ biến tác phẩm thì mới quản lý được chứ không thể quản lý quá trình sáng tác của họ được, quản lý như thế là quản lý phi thực tế. Việc chụp ảnh thế nào, chụp ai là quyền công dân của họ. Cơ quan nhà nước chỉ quản lý đầu ra thôi.
Ngoài ra, cũng sẽ làm chặt khâu hậu kiểm. Ở nước ngoài cũng vậy thôi, đừng tưởng họ thoải mái, không quản lý nhưng thật ra họ quản lý rất chặt. Cứ làm thoải mái nhưng khi có vấn đề thì ngay lập tức sẽ bị phạt rất nặng. Còn ở Việt Nam mức phạt thấp nên tính răn đe không cao. Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh không quy định mức phạt mà mức phạt này theo các quy định của luật về vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Nếu vi phạm thì mức phạt kịch trần là 100 triệu đồng, nhưng với nhiếp ảnh thì chưa có vụ việc vi phạm nào bị phạt bằng tiền cả.
* Đối tượng điều chỉnh của thông tư này là các nhiếp ảnh gia. Thông tư quy định như thế nào về câu chuyện chụp và phát tán ảnh giữa nhiếp ảnh gia và người mẫu?
- Như trong trường hợp chụp ảnh nude thì anh phải có hợp đồng chụp ảnh giữa nhiếp ảnh gia và người mẫu đó: tôi đồng ý cho anh chụp tôi và đồng ý cho anh công bố ảnh của tôi. Nếu không có văn bản đó thì khi công bố hay tổ chức triển lãm sẽ không cấp phép. Bởi vì rất nhiều trường hợp người ta chụp chỉ để cất đi chứ không phải công bố rộng rãi. Đặc biệt, với những bức ảnh lộ mặt, có thể biết đó là nhân vật nào nếu không có văn bản thỏa thuận đồng ý công bố ảnh có thể xảy ra những hệ lụy tiếp theo. Cho nên giữa hai bên phải có thỏa thuận bằng văn bản.
Tuy nhiên, những điều này vẫn đang ở dạng dự thảo. Tôi cũng e rằng khi đưa ra lấy ý kiến dư luận sẽ vấp phải những ý kiến không đồng thuận. Bởi vì khi chụp những đối tượng khác thì anh không phải làm hợp đồng thỏa thuận gì cả, nhưng khi chụp ảnh nude lại phải có hợp đồng. Như vậy, ngay bản thân thông tư đã thể hiện có sự phân biệt. Mà quan điểm chung là chúng ta không phân biệt. Đối với người cầm máy chụp ảnh nude họ cũng muốn tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Chẳng qua có thể do trình độ, ảnh của họ không đạt được mục đích đó mà lại ngả sang hướng dung tục.
Cho nên hiện nay rất khó để đưa ra một giải pháp khả thi nhất mà phải chờ đợi ý kiến đóng góp của nhiều người, nhiều cơ quan quản lý và chính những người cầm máy. Tất cả ý kiến đều đưa vào dự thảo nhưng chọn giải pháp nào thì phải “nghe” dư luận đã.
Ngay các triển lãm có ảnh nude, ngày hôm qua tôi đã phải yêu cầu hạ một bức tranh xuống tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cũng chỉ vì tranh nude. Thế nhưng bây giờ tôi đến nói thì người ta nghe, vì tôi vừa là quản lý vừa là dân chuyên môn nên người ta vui vẻ tháo xuống. Còn với người khác chưa chắc đã được bởi vì lý lẽ của người ta là chưa thấy văn bản nào quy định cấm treo ảnh nude, triển lãm tranh nude cả, dâm hay không không phải trong mắt người vẽ mà là trong mắt người xem. Những điều này rất khó.
* Vậy ông đánh giá như thế nào về những bộ ảnh nhạy cảm đang “dậy sóng” dư luận thời gian vừa qua như của Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy, người mẫu Ngọc Quyên, Hoa hậu Khánh Hòa Mai Hải Anh…
- Có sự khác nhau giữa bộ ảnh của Mai Phương Thúy, Ngọc Quyên và Mai Hải Anh. Ngay cả bộ ảnh của Mai Phương Thúy cũng có dư luận cho rằng không có vấn đề gì. Nói về nghề thì bộ ảnh của Mai Phương Thúy khá hơn hai bộ kia. Bộ ảnh của Ngọc Quyên và Mai Hải Anh thì rõ rồi, xét về mặt nghề và nghệ thuật nó vẫn ở trình độ ABC.
Bộ ảnh của Mai Phương Thúy được chụp bởi một người có nghề hơn, họ có ý thức chụp. Có thể bộ ảnh không chuyển tải được đến người xem như mong muốn của họ do cách họ xử lý tạo hình nhân vật, chọn chất liệu vải của áo dài. Rõ ràng áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam rất kín đáo và duyên dáng, phù hợp với tinh thần Á Đông của phụ nữ Việt Nam. Nhưng cô ấy lại chọn chiếc áo dài cực kỳ mỏng, người chụp lại tạo ánh sáng để khoe vẻ đẹp của cơ thể. Còn về sự lộ liễu của cơ thể thì nó thua xa áo tắm hai mảnh (bikini). Tôi không nghĩ bộ ảnh của Mai Phương Thúy khiêu dâm, chỉ là hơi gợi cảm.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng cho rằng nhiều người chụp ảnh nude và tạo xìcăngđan để nổi tiếng, đốt cháy giai đoạn để tìm kiếm tên tuổi là một xu hướng khá phổ biến của giới trẻ hiện nay. Đó là cái sâu xa dẫn đến những lùm xùm về việc cô này chụp ảnh nude, cô kia chụp ảnh gợi cảm hay khiêu dâm. Tất cả chỉ là chiêu bài, mánh khóe để nhanh chóng tìm đến sự nổi tiếng.
Bó tay với mạng Luật pháp hiện hành không quy định việc chụp ảnh nude, nếu họ chụp để làm tư liệu cá nhân thì không sao. Vấn đề chỉ đặt ra khi bức ảnh đó được phát tán và phải xem xét mức độ của nó như thế nào. Nếu để mở triển lãm thì quản lý rất dễ vì chúng ta có thể không cấp phép cho triển lãm. Nhưng việc tung lên báo mạng lại là một xu hướng mới và rất khó quản lý, bởi quản lý mạng thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin truyền thông. Thực tế hiện nay họ cũng đang “bó tay” với chuyện này. Với những hội viên thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh vẫn có thể can thiệp để xem xét tư cách hội viên nếu họ chụp và đưa ảnh nhạy cảm lên mạng. Tuy nhiên, những câu chuyện gần đây lại xuất phát từ những đối tượng khác, chủ yếu là người nhiếp ảnh tự do nên quản lý rất khó. Phát biểu của ông VI KIẾN THÀNH |