Kinh đô điện ảnh Hollywood chẳng khác gì Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nghĩa là các tài năng đủ mọi quốc tịch, đủ mọi màu da đều có thể tồn tại ở đây - mặc dù cánh cửa dành cho họ là cực kỳ nhỏ hẹp. Trong lịch sử không hiếm những đạo diễn ngoại quốc được Hollywood chấp nhận và thậm chí còn đạt đến tầm cỡ đạo diễn hạng A. Nhưng hiện giờ có thể khẳng định, không một “người ngoại quốc” nào đạt được ảnh hưởng lớn tại Hollywood như đạo diễn Lý An (Ang Lee).
Sự trớ trêu của thân phận
Ai cũng biết Lý An là người Đài Loan vì ông sinh ra và lớn lên ở đó. Nhưng trong 20 năm làm phim và trở thành một đạo diễn nổi tiếng, ông và gia đình đã trở thành công dân Mỹ. Tuy nhiên ông lại rất hoang mang về thân phận của mình: “Tôi chưa bao giờ được xem là công dân của một nước nào! Cha mẹ tôi rời Trung Quốc sang Đài Loan vì loạn lạc. Ở đây chúng tôi bị xem là người ngoài. Sang đến Mỹ, đương nhiên bị xem là người ngoài. Trở về Trung Quốc, người ta lại coi chúng tôi là… người ngoài đến từ nước Mỹ!”.
Do gia đình khá giả, nên ông được sang Mỹ học chuyên ngành nghệ thuật năm 1979, và sau 3 năm ông đã có bằng master (1982). Nhưng lận đận mãi đến 10 năm sau, Lý An mới có cơ hội làm bộ phim đầu tay, Thôi thủ (Pushing Hands) năm 1992. Phim này đặc biệt thành công ở Đài Loan và được đề cử 8 giải Kim Mã năm đó. Năm 1993, Lý An làm bộ phim thứ hai Hỷ yến (The Wedding Banquet) và đoạt giải Gấu Vàng LHP Berlin lần thứ 43. Cũng trong năm đó, Hỷ yến đã được đề cử giải Quả cầu Vàng và Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Bộ phim này đã biến Lý An trở thành một ngôi sao mới trên bầu trời điện ảnh quốc tế.
Hai bộ phim đầu đều lấy câu chuyện về các Hoa kiều ở Mỹ, tuy nói tiếng Hoa nhưng hoàn toàn được quay ở Mỹ. Năm 1994, nhà sản xuất Từ Lập Công thuyết phục Lý An trở về Đài Loan để làm bộ phim thứ ba Ẩm thực nam nữ (Eat Drink Man Woman). Phim này được xem như kết thúc trọn vẹn bộ ba phim có chủ đề “Cha kính yêu” của Lý An (thật tình cờ cả 3 phim đầu tiên của ông đều có nhân vật trung tâm là người cha). Ẩm thực nam nữ là bộ phim thành công cả về thương mại lẫn nghệ thuật và là một trong những bộ phim được yêu thích nhất của Lý An. Bộ phim đã giúp ông lần thứ hai liên tiếp được đề cử giải Quả cầu Vàng và Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất, đồng thời là cánh cửa mở rộng đưa Lý An đến Hollywood.
Thăng hoa, thăng trầm rồi lại thăng hoa
Cả 3 phim tiếng Hoa đầu tiên trong sự nghiệp của Lý An đều thành công về doanh thu. Nhưng trên hết, điện ảnh phương Tây đã khám phá trong phim của Lý An sự tinh tế trong từng khuôn hình và cách khai thác tâm lý nhân vật rất xuất sắc của ông. Nhà sản xuất Lindsay Doran đã gây sửng sốt cho tất cả mọi người khi mời Lý An đạo diễn bộ phim tình cảm Sense And Sensibility (Lý trí và cảm xúc) dựa theo tiểu thuyết kinh điển cùng tên ở thế kỷ 19 của nữ văn sĩ người Anh, Jane Austen.
Quyết định này lúc đó được xem là điên rồ bởi một đạo diễn châu Á làm sao có thể hiểu hết được văn hóa cổ điển của người châu Âu, rồi còn vấn đề cách biệt ngôn ngữ nữa! Ấy vậy mà Lý An đã vượt qua 15 đạo diễn khác để được giao phim này, và ông đã không phụ lòng nhà sản xuất. Bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của Lý An đã mang lại doanh thu 135 triệu USD (trong khi chỉ có 16 triệu USD tiền sản xuất), làm câm lặng mọi lời chỉ trích. Đó là chưa kể bộ phim còn được đề cử 7 giải Oscar năm đó!
Vấp ngã duy nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của ông ập đến ngay sau thành công của Sense And Sensibility, khi cả 2 bộ phim tiếng Anh tiếp theo lỗ nặng: The Ice Storm (Bão băng giá) sản xuất năm 1997, kinh phí 18 triệu USD chỉ thu về có 8 triệu USD, và thua nặng nhất là Ride With The Devil (Cưỡi ngựa với quỷ dữ) năm 1999. Bộ phim về đề tài nội chiến Nam - Bắc Mỹ có kinh phí lớn hơn bất cứ phim nào của ông trước đây là 38 triệu USD, vậy mà chỉ thu về có hơn 600 ngàn USD!
Lý An lại trở về số không trong mắt thị trường điện ảnh quốc tế. May sao nhà sản xuất thân thiết Từ Lập Công lại dang tay đón ông trở về Đài Loan để thực hiện bộ phim võ hiệp, mà sau này đã làm thay đổi sự nghiệp của Lý An, cũng như vị thế của phim võ hiệp Trung Hoa trong thế giới điện ảnh:Ngọa hổ tàng long!
So với mặt bằng phim võ hiệp Trung Hoa lúc ấy thì 17 triệu USD đầu tư cho Ngọa hổ tàng long là một con số rất lớn. Thể loại này không lạ gì với cộng đồng Hoa ngữ, nên bộ phim được đón nhận rất khiêm tốn. Nhưng ngược lại, thế giới đã đón nhận phim này như một kỳ quan điện ảnh. Họ cũng không lạ gì thể loại võ hiệp Trung Hoa, nhưng dưới bàn tay của Lý An, võ thuật trong phim mềm mại uyển chuyển và đẹp mắt như một vở ballet. Bộ phim đã thu được 213,5 triệu USD - trong đó riêng thị trường Mỹ là 128 triệu USD, trở thành bộ phim nói tiếng nước ngoài ăn khách nhất tại Mỹ trong lịch sử! Năm 2000, Ngọa hổ tàng long được đề cử 10 giải Oscar và đoạt 4 giải, trong đó có giải Phim tiếng nước ngoài hay nhất, đưa Lý An trở lại quỹ đạo như một trong những đạo diễn sáng giá nhất của điện ảnh đương đại.
Hãng Marvel Comics danh tiếng ngay lập tức mời Lý An đạo diễn bộ phim bom tấn giả tưởng dựa theo nhân vật truyện tranh nổi tiếng, Hulk (Người khổng lồ xanh) với kinh phí đầu tư “khủng”, 137 triệu USD! Năm 2003, bộ phim thu được 245,4 triệu USD, không lãi lớn như kỳ vọng của nhà sản xuất.
Năm 2005, Lý An lại một lần nữa gây choáng Hollywood, khi bộ phim kinh phí cực kỳ thấp (so với tiêu chuẩn Hollywood) 14 triệu USD, Brokeback Mountain (Núi yên ngựa) đã làm mưa làm gió tại các LHP quốc tế và các giải thưởng uy tín của các hiệp hội điện ảnh trên thế giới mà đỉnh cao là 8 đề cử Oscar dẫn đến doanh thu của bộ phim lên đến 178 triệu USD!
Năm 2007, Lý An trở về Trung Quốc để thực hiện một bộ phim gây nhiều “sóng gió” nhất trong sự nghiệp của ông vì những cảnh hoa tình làm người xem phải nín thở - Sắc, Giới (Lust, Caution). Dù bị cấm và phải chịu sự kiểm duyệt rất khắt khe (đặc biệt ở Mỹ bị dán nhãn nặng nhất, NC-17 - cấm khán giả dưới 17 tuổi), nhưng Sắc, Giới vẫn thu được 67 triệu USD (kinh phí sản xuất là 15 triệu USD).
Khi trở lại Mỹ để làm bộ phim thứ 11 trong sự nghiệp, Taking Woodstock (2009) - hồi ức kỷ niệm 40 năm liên hoan âm nhạc có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, Woodstock năm 1969, Lý An vấp ngã lần thứ 3 về doanh thu khi bộ phim đầu tư tới 30 triệu USD mà chỉ thu về được khoảng 10 triệu USD!
Sau thất bại với Taking Woodstock, Lý An bắt tay vào dự án “bom tấn” thứ hai trong sự nghiệp (phim kia là Hulk năm 2003), Life Of Pi (Cuộc đời của Pi) - dựa theo tiểu thuyết cùng tên, bị đánh giá là một cuốn sách không thể làm phim được. Được đầu tư tới 120 triệu USD, Lý An đã bỏ ra 3 năm để tạo ra một trong những tác phẩm điện ảnh đẹp nhất trong 20 năm trở lại đây. Và quan trọng hơn doanh thu hiện tại của bộ phim trên toàn cầu đã là 451 triệu USD. Với 10 đề cử Oscar 2012, việc Life Of Pi cán mức nửa tỷ USD chỉ còn là thời gian.
Phong cách đa dạng của “ông trùm” giải thưởng
Ngoài đời, Lý An là người khiêm tốn, điềm tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ và lịch sự, trái ngược với hình ảnh một đạo diễn đa phong cách nhất thế giới. Ông chưa từng ngán ngại bất cứ chủ đề nào trong 20 năm qua, từ tâm lý tình cảm (Ẩm thực nam nữ, Sense And Sensibility, The Ice Storm), sử thi (Ride With The Devil), đến võ hiệp (Ngọa Hổ Tàng Long), nhân vật truyện tranh (Hulk), đồng tính (Brokeback Mountain), hài - ca nhạc (The Wedding Banquet, Taking Woodstock), giả tưởng (Life Of Pi), cho đến... phim cấp 3 (Sắc, Giới). Tất cả đều được Lý An thực hiện rất hoàn hảo và đạt hiệu quả cao về nghệ thuật.
Không một đạo diễn nào trong thế giới điện ảnh từ xưa đến nay đạt được nhiều thành tựu như Lý An: Tổng cộng 13 bộ phim ông làm trong 20 năm qua đã được 38 đề cử Oscar (tính luôn cả Life Of Pi), 8 lần đoạt giải (chưa tính Life Of Pi sắp tới). 23 lần đề cử Quả cầu Vàng, 8 lần đoạt giải.
Bản thân đạo diễn Lý An là: 2 giải Quả cầu Vàng, 2 giải Gấu Vàng (LHP Berlin), 2 giải Sư tử Vàng (LHP Venice), 2 giải BAFTA (Anh), vô số giải thưởng của các hiệp hội điện ảnh quốc tế... Và vinh dự hơn hết là giải Oscar đạo diễn năm 2005 với phim Brokeback Mountain. Cũng trong năm này, Lý An được tạp chí Time bầu chọn vào danh sách 100 nhân vật kiểu mẫu của thế giới năm 2005!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần