(Thethaovanhoa.vn) - Sau một đêm tại Hà Nội (21/7), vở múa đương đại Nón đã có hai đêm đầy cảm hứng và xúc động (26, 27/7) tại IDECAF, TP.HCM. Nếu phải dùng vài chữ để diễn tả hiệu quả của vở múa này, chỉ có thể là “cảm hứng và tài tình”.
Vở do một ê-kíp gọn gàng dàn dựng, với biên đạo - múa Vũ Ngọc Khải, âm nhạc Ngô Hồng Quang, Văn Quý Ngọc Ái sản xuất. Vở ra mắt lần đầu năm 2015, thu hút khoảng 700 khán giả, lần này cũng có khả năng thu hút như vậy.
Dựa trên cấu trúc cũ, nhưng phiên bản năm nay nhiều tính ngẫu hứng hơn, mà cụ thể theo chia sẻ của ê-kíp thì 50-50, còn năm trước là 70-30, với 70% sắp đặt, 30% ngẫu hứng. Họ hứa hẹn các mùa tiếp theo sẽ là 30-70, mà trong đó 70% là ngẫu hứng.
Một khoảnh khắc của “Nón”
Màn múa độc diễn dai dẳng, điêu luyện của Vũ Ngọc Khải là một trải nghiệm thú vị với người xem. Nó kết hợp múa cổ điển với đương đại, thậm chí cả hắc vũ (butoh) của Nhật Bản. Âm nhạc của Ngô Hồng Quang cũng vậy, lấy không gian Tây Bắc làm cảm hứng để chuyển soạn nên một tổng hòa mới mẻ, quyến rũ. Anh dùng chiêng dây (một nhạc cụ rất hiếm gặp tại Việt Nam), đàn tính, đàn môi 3 lá, đàn môi 1 lá, đàn bầu và cả tiếng hát của mình để dõi theo các chuyển động của bài múa.
Vở múa là một ẩn dụ về tạo sinh, về sự vượt thoát các ràng buộc để tự do sống và yêu. Trên sân khấu chỉ có Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang, nhưng họ diễn đạt đến mức người xem có cảm tưởng như một đôi trai gái đang chờ đợi, đang khát khao, đang vượt thoát để được bên nhau.
Vở này với khán giả chuyên ngành múa sẽ thế nào thì chỉ họ mới cảm nhận được. Còn với các khán giả bình thường thật ngập tràn cảm hứng.
Một ví dụ để thấy, trên Facebook của mình, họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương - người vốn sống lặng lẽ - đã viết: “Chỉ với một ánh đèn vàng, một vài dụng cụ nhạc dân tộc được chơi bởi một nghệ sĩ rất trẻ và một diễn viên múa nhuần nhuyễn, nhưng họ như đang lên đồng để tạo nên một bữa tiệc no nê của thính giác, thị giác và ảo giác. Nó như đưa người thưởng thức hồn lìa khỏi xác, bay bổng một cách thật lạ lùng. Quả thật mình chưa bao giờ xem một buổi biểu diễn múa đương đại của Việt Nam mà đơn giản, hoàn hảo và rung động đến như thế! Nếu bạn không xem Nón thì cũng không sao, nhưng khi đã xem Nón rồi thì bạn sẽ ám ảnh vì yêu”. Có lẽ đây cũng là cảm hứng của nhiều khán giả bình thường khác, nhìn các chia sẻ của họ trên cộng đồng Facebook cũng đoán được phần nào.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags