Nhà văn Trang Thế Hy, tên thật Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29/10/1924 tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, từng bị chính quyền Sài Gòn bắt giam năm 1962. Sau 1975, ông hoạt động văn nghệ tại TP.HCM đến khi về hưu thì về quê ở cho đến hôm nay. Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học, như: Giải A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2002; Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994...
Nhà văn Trang Thế Hy
Văn nghiệp Trang Thế Hy khá mỏng về lượng tác phẩm, như ông tự bạch trong lời tựa Vết thương thứ 13 in vào năm 2011: “Tuổi đời và tuổi nghề khá cao nhưng số lượng tác phẩm lại quá mỏng: chưa đầy hai mươi bài thơ, khoảng trên dưới nửa trăm truyện ngắn, chừng bốn hay năm tiểu thuyết, truyện vừa in nhiều kỳ trên nhật báo, tuần báo, tạp chí”.
Tuy viết không nhiều, nhưng các tác phẩm của Trang Thế Hy đều để lại dấu ấn trong lòng người đọc; cũng như cách sống trong cuộc đời ông đã để lại dấu ấn trong lòng bạn văn. Khi khăn gói về về quê sống cuộc đời ẩn dật bỏ lại phồn hoa phố hội sau lưng, ông nổi tiếng với câu nói “đi chỗ khác chơi” và thực sự ông đã không hề luyến tiếc nơi mình từng bỏ đi. Tính tình dứt khoát là vậy, nhưng với văn chương ông luôn hướng đến cái đẹp. Nhà văn Nguyên Ngọc gọi Trang Thế Hy là “người hiền của văn chương Nam bộ”.
Bốn cuốn sách tái bản lần này của Trang Thế Hy, gồm ba tập truyện ngắn Tiếng hát và tiếng khóc, Nợ nước mắt, Mưa ấm và tập thơ Đắng và ngọt. Riêng tập thơ Đắng và ngọt, vào năm 2009, một số bạn thơ đã giúp ông tập hợp các bài thơ của mình in song ngữ Việt – Anh. Đắng và ngọt được đổi tên thành Cuộc đời khi in trên tuần báo Vui Sống vào tháng 9/1959 do nhà văn Bình Nguyên Lộc chủ biên, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc Quán bên đường.
Đắng và ngọt tái bản lần này do hai nhà thơ Nguyễn Bá Chung và Martha Collins hiện đang sống ở Mỹ chuyển ngữ sang tiếng Anh. Nguyễn Bá Chung sống khoảng 50 năm ở Mỹ, giảng dạy đại học, ông từng dịch truyện của Lê Lựu, thơ thiền đời Lý Trần sang tiếng Anh; còn Martha Collins từng dịch thơ của Nguyễn Quang Thiều, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Tự Lập. Nhà văn Trang Thế Hy đã ký tặng Đắng và ngọt bản song ngữ Việt – Anh nhờ nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, đại diện NXB Trẻ gửi tặng hai dịch giả của mình.
Ngoài sáng tác, Trang Thế Hy rất thích dịch thơ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Trong Đắng và ngọt lần này, một số bài thơ Tagore được Trang Thế Hy dịch từ bản tiếng Pháp cũng được in trong phần phụ lục thể hiện sự tài hoa của “ông già”.
Được biết, hôm 29/10 tại nhà riêng, Hội VHNT Bến Tre - nơi nhà văn Trang Thế Hy làm Chủ tịch danh dự - sẽ làm lễ mừng thượng thọ ông.
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Tags