Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ nằm trên một sàn độc lập - toàn bộ tầng 3 (2.500m2) của tòa nhà 10 tầng thuộc khuôn viên 4.500m2 của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tại khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội. Về lâu dài, Hội sẽ xây dựng tòa nhà bảo tàng riêng ngay trong khuôn viên 4.500m2 này.
Vừa qua Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Những hiện vật ban đầu thu được do gia đình các nhà báo hiến tặng. Đó là những đồ vật gắn bó với thế hệ nhà báo cách mạng như: vỏ đạn đại bác chiến trường, bếp dầu hỏa mang theo các chuyến đi công tác, máy ảnh... Công tác sưu tầm hiện vật sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2014 và 2015.
Mục tiêu đặt ra của Bảo tàng Báo chí Việt Nam là tái hiện được sự hình thành và phát triển nền báo chí Việt Nam, tôn vinh những tờ báo, các thế hệ nhà báo có đóng góp lớn. Đây sẽ là một trung tâm thông tin có chất lượng cao về khoa học báo chí, di sản báo chí, phục vụ các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, cộng đồng có nhu cầu tìm hiểu về báo chí.
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: "Bảo tàng sẽ hướng tới phương pháp trưng bày hiện đại, tổ chức các hoạt động thông tin và marketing theo hướng mới nhằm thu hút được khách tham quan trong và ngoài nước".
Hiện Hội Nhà báo Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật, chuẩn bị bộ máy nhân sự cho Bảo tàng và chuẩn bị cho việc thi công và trưng bày bảo tàng.
Trong giai đoạn 1, bảo tàng sẽ sưu tầm ấn phẩm báo chí từ trước 1945 đến nay; các công cụ in ấn và làm báo, phương tiện hành nghề của nhà báo; kỷ vật của các nhà báo, kỷ vật của các nhà báo liệt sĩ, của các lãnh đạo cơ quan báo chí, Hội Nhà báo; các văn kiện, tài liệu, văn bản quan trọng của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; các tư liệu bằng hình ảnh; các công trình nghiên cứu về lịch sử báo chí, tài liệu giảng dạy, đào tạo báo chí; các phần thưởng của Đảng và Nhà nước dành cho báo chí. |
Thể thao & Văn hóa