Nên làm tượng tổ phụ Lạc Long Quân đồng bộ với tượng tổ mẫu Âu Cơ

Thứ Năm, 26/02/2009 09:17 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Nhân đọc báo KH&ĐS ngày 17/2/2009 giới thiệu ảnh tượng Lạc Long Quân của hai tác giả Lê Lang Lương và Phạm Bá Đua, được chọn làm mẫu sẽ đúc đồng đặt vào đền Lạc Long Quân ở khu vực Đền Hùng. Tôi xin góp mấy ý kiến:

1. Tượng thể hiện một cụ già quắc thước, mặt mũi đầy đặn đôn hậu, râu dài vừa phải, tóc sau gáy dài chấm vai, đầu đội mũ cắm lông chim cách điệu, thân và chân tay hình như cuốn vải sát da, ngực chùm tấm lá sen, vai trái vắt một băng vải, thả xuống qua đai lưng thành chiếc khố. Tượng ngồi trên chiếc ghế vuông gồ ghề, 4 góc nhô lên 4 đầu chim cách điệu.

Theo tôi đây là tượng nghệ thuật để “chơi”, chứ không phải là tượng thờ. Mà pho tượng này cũng chỉ là một sáng tác phỏng chừng, chứ đâu có phải là thực tế. Ngay cả giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ chuyên môn cũng chưa thể đưa ra tư liệu tổ tiên họ Hồng Bàng ăn ở ra sao may mặc thế nào. Giả dụ nếu có biết thì cũng không ai tạc tượng thờ theo kiểu tục trần như vậy.

Trong xã hội Việt Nam khoảng hơn 2000 năm trở lại đây có 3 hệ thống tín ngưỡng là: Tín ngưỡng tự nhiên thần, tín ngưỡng nhân thần, và tín ngưỡng theo tôn giáo.

Đức Lạc Long Quân là người thực được thờ nên thuộc hệ thống tín ngưỡng nhân thần. Các vị nhân thần được thờ ở các đình đền của nước ta thường bài trí dưới 3 hình thức: 1- Bài vị đặt trên long ngai, 2- Mũ áo choàng lên long ngai hia hài đặt dưới chân long ngai, 3- Tượng đặt ngồi trên long ngai.

Tượng thờ ở các đình đền theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của ta mang tính ước lệ rõ ràng, được thăng hoa cao hơn cuộc sống thực, thậm chí ra ngoài cuộc sống thực. Các vị nhân thần dù lúc sống ở trong hoàn cảnh như thế nào, thuộc bất cứ thời đại nào, nhưng đã đặt lên ban thờ đều phải áo mũ chỉnh tề phỏng theo kiểu của vua quan thời phong kiến: áo bào cân đai, mũ miện, hia, bốt, ngồi trên long ngai. Có đình làng thờ thần là ông ăn mày chết vào giờ thiêng, có đình làng thờ ông câu cá tuẫn tiết vì việc nước, ở hậu cung ban thờ có cái bị cái gậy hoặc cái giỏ cái cần câu. Nhưng thần vị ông vẫn ngồi trên long ngai, áo mũ hia bốt như một vị quan triều. Vì sao thế, vì ông đã là thần thánh ra khỏi tục trần, được kính thờ. Bởi vậy thần tượng của ông phải uy nghi long trọng, khiến người ta nhìn lên ông là cảm thấy linh thiêng sinh lòng sùng bái.

2. Tượng mẫu Âu Cơ (vợ Lạc Long Quân) thờ ở đền làng Hiền Lương tạc bằng gỗ quí sơn son thiếp vàng từ xưa để lại. Mẫu mặc áo đại trào, đầu đội mũ miện, chân đi hài cong, ngồi trên long ngai uy nghi hiền hậu. Pho tượng này đã ăn sâu vào tiềm thức đồng bào mọi miền đất nước về Hiền Lương chiêm bái. Mà hình như pho tượng đồng mẫu Âu Cơ trên đền Núi Vặn cũng phỏng theo tượng của Hiền Lương.

Nếu bây giờ đưa pho tượng Lạc Long Quân như trên (vai trái vắt một băng vải, thả xuống qua đai lưng thành chiếc khố) ngồi trên chiếc ghế thô 4 góc nhô lên 4 đầu con chim, để thờ, thì sẽ là mỗi người một phách. Ông thì gồ ghề mộc mạc hoang sơ thời nguyên thuỷ, bà thì lộng lẫy uy nghi thời văn hiến, liệu có được chăng?

3. Ở đây chúng tôi nêu lên 2 vấn đề để đồng bào và các cấp quản lý tham khảo:

- Thứ nhất là, tượng thờ khác với tượng nghệ thuật để “chơi” (trưng bày, triển lãm). Tượng thờ bắt buộc phải tôn nghiêm, đã được định hình hoá từ lâu về mũ, áo, hia hài, long ngai, bát bửu, theo tín ngưỡng nhân thần ở các các đình đền. (Các vị thời nay được thờ tạc tượng theo người thực, đó là tượng chân dung lại là chuyện khác. Song vẫn phải tuân theo nguyên tắc áo quần đầy đủ, chưa hề thấy bức tượng thờ nào cởi trần lộ hết chân tay cả).

- Thứ hai là, tượng tổ phụ Lạc Long Quân cần đồng bộ với tượng tổ mẫu Âu Cơ, không nên để tình trạng đối lập trang phục giầu - nghèo, hoang sơ - văn hiến như thế. Nếu không sẽ bị người ta so sánh.

Vậy chân thành góp ý.
 
Vũ Kim Liên (nhà nghiên cứu)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›