Nên tổ chức lễ hội đền Hùng theo truyền thống

Thứ Sáu, 19/04/2013 06:46 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Chừng mươi năm nay, Lễ hội Đền Hùng có một vài tiết mục chưa thực sự phù hợp với truyền thống.

1. Dùng 100 thanh niên đóng khố tượng trưng cho 100 người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đi cùng đoàn đại biểu lên Đền Thượng dâng hương.

Năm 2005, tôi đã phân tích với Sở VH-TT Phú Thọ bỏ được tiết mục này. Vì rằng 100 vị ấy là thế hệ Hùng Vương đầu tiên theo kinh văn, còn theo phổ hệ thì là đời thứ 3. Đời thứ nhất là Kinh Dương Vương, đời thứ hai là Lạc Long Quân, đời thứ ba là 100 vị con trai, vị con cả làm vua hiệu Hùng Quốc Vương, truyền đến Hùng Vương thứ 18. Đền Hùng thờ 18 đời Vua Hùng, mà Vua Hùng thứ 18 phải gọi các vị ấy là cụ tổ 16 đời. Tại sao lại lôi các cụ Tổ về dâng hương cháu chắt? Tưởng rằng bỏ được hẳn, nào ngờ năm ngoái (giỗ Tổ Nhâm Thìn 2012) lại thấy màn trò 100 con trai từ trong trứng nở ra. Người ta lấy tấm vải lớn phủ lên, để các chàng trai cựa quậy bùng nhùng làm hình tượng trứng nở. Rồi 100 thanh niên đóng khố hiện ra, hết sức lạ lùng.

2. Rước kiệu về tế ở ngôi đền làm ở đồi Sim thuộc xã Chu Hóa, cách Đền Hùng núi Nghĩa Lĩnh hơn cây số. Rồi sau đó mới dâng hương hoa lên Đền Thượng núi Nghĩa Lĩnh.

Phong tục Việt Nam ta có nhiều cách hành lễ của cộng đồng ở đình đền miếu mạo, trong đó tế là nghi thức cao cấp nhất. Lẽ ra nghi thức này phải làm ở Đền Thượng.

Đền đồi Sim được đặt tên là đền Lạc Long Quân, năm  2009 đúc một pho tượng đồng Lạc Long Quân đóng khố ngồi trên chiếc ghế, bốn góc nhô lên đầu bốn con chim. 



Lễ hội Đền Hùng 2013: Đặc sắc Lễ hội Văn hóa dân gian đường phố (Ảnh: TTXVN)

Trong tiềm thức của nhân dân ta, chỉ có các đền đài lăng tẩm trên núi Nghĩa Lĩnh, mới là dấu vết thiêng liêng của tổ tiên. Ở đây có mộ tổ, có điện thờ Trời của Vua Hùng (Kính Thiên lĩnh điện - Đền Thượng); có quán nghỉ ngơi bàn việc nước cơ mật với Lạc hầu Lạc tướng (Đền Trung). Bãi bằng Đền Hạ là nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở thành trăm con trai, có lưỡng thạch trụ của Thục Phán thề giữ nước và thờ tự Vua Hùng. Đền Giếng giữ một kỷ niệm rất đẹp, là nơi lấy nước rửa mặt chít khăn của hai công chúa Tiên Dung - Ngọc Hoa mỗi khi theo cha lên núi cúng bái.Các bức hoành phi Đền Thượng viết:

Triệu Cơ Vương tính (Vết tích vua trên nền đầu tiên)

Tử tôn bảo chi (Con cháu phải biết giữ gìn lấy)

Các vua chúa thời phong kiến, rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng toàn thể đồng bào từ cổ chí kim đều chỉ hướng về núi Nghĩa Lĩnh, chứ không phải là quả đồi nào khác trong khu vực.

Vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) lên lễ Đền Hùng, viết bài thơ Quốc tịch Văn Lang cổ, có những câu:

Cựu trưng cao phong bán
Sùng từ tuấn lĩnh biên
Phương dân ngưng trắc giáng
Hương hỏa đáo kim truyền


(Mộ cũ ở lưng đồi
Đền thờ trên sườn núi
Muôn dân đến phụng thờ
Khói hương còn mãi mãi)

Tại sân chùa Đền Hạ, ngày 18/9/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội Đại đoàn 308, Bác hỏi và trả lời luôn: “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là đền thờ Vua Hùng, tổ tiên của chúng ta”.

Bởi vậy suốt thời phong kiến cho đến sau Cách mạng 1945, tất cả mọi nghi thức giỗ Tổ đều làm ở Đền Thượng núi Nghĩa Lĩnh. Thời phong kiến nghi thức giỗ Tổ là tế tam sinh ở Đền Thượng và 40 làng rước kiệu về chầu ở chân núi. Phần hội là rất nhiều trò chơi thể thao dân tộc và tiết mục văn nghệ suốt ngày đêm. Sau hòa bình lập lại đến năm 2011 nghi thức giỗ Tổ là đoàn đại biểu dâng hương hoa lên Đền Thượng. Riêng năm 2005 tỉnh Phú Thọ giao cho xã Hy Cương tế Tổ ở Đền Thượng vào ngày 6/3, được đồng bào nhiệt liệt hoan nghênh, nhất là các cụ già tỏ ra vô cùng cảm động.

Không hiểu tại sao giỗ Tổ Nhâm Thìn (2012) lại thực hiện nghi thức cao nhất là rước kiệu về tế ở ngôi đền mới làm ở đồi Sim, một nơi không mảy may có vết tích lịch sử nào, trừ một pho tượng đồng đúc năm 2009 được cho là thể hiện chân dung Lạc Long Quân.

3. Đưa vào Lễ hội Đền Hùng cuộc bơi chải ở Bạch Hạc ngày 9 tháng 3 Nhâm Thìn hết sức hoành tráng. Nhưng thực ra nó là hèm cầu của một lễ hội khác.

Xưa kia ở làng Bạch Hạc một năm có hai kỳ cầu liên quan tới sông nước. Kỳ cầu thứ nhất là cầu thần Thổ Lệnh ngày 3 tháng Giêng Âm lịch, làng Bạch Hạc cho chiếc thuyền chở cỗ kiệu sang Tiên Cát đón thần Thạch Khanh sang dự tiệc, vì hai ông thần là anh em với nhau. Kỳ câu thứ hai là cầu Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy trại thủy quân lớn của nhà Trần đóng ở Bạch Hạc để phòng thủ các tuyến đường sông phía Bắc về hội tụ ở Việt Trì chảy xuống Thăng Long. Cứ đến mùa Hạ nước lũ, ngã ba Hạc lại mênh mông như biển, Trần Nhật Duật cho quân đua thuyền tập trận. Về sau nhân dân ở đây thờ Chiêu Văn Vương, lấy ngày 20 tháng 5 cầu tiệc, hèm tục là 4 giáp trong làng gồm Tiên Hạc, Đông Nam, Thần Khúc, Bộ Đầu thi bơi chải.

Rõ ràng đưa hèm cầu Trần Nhật Duật vào Lễ hội Đền Hùng là khiên cưỡng.

Tôi dẫn ra 3 ví dụ trên để thấy rằng cần xem xét kỹ hơn trong các hạng mục chương trình của lễ hội. Thiết nghĩ cứ làm theo truyền thống cả phần lễ và phần hội thì đã tôn nghiêm vui vẻ lắm rồi, vừa có ý nghĩa lịch sử vừa giữ gìn phong tục, bản sắc văn hóa dân tộc của đất cội nguồn.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2013

Giỗ Tổ và Lễ hội Đền Hùng 2013 diễn ra trong 7 ngày, từ 13 đến 19/4 (tức từ ngày 4 đến 10-3 năm Quý Tỵ). Đặc biệt khai hội năm nay có sự kiện đón bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài buổi lễ chính được tổ chức tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, còn có nhiều hoạt động văn hoá khác diễn ra trong suốt thời gian lễ hội : lễ hội đường phố, hội thi như gói bánh chưng, giã bánh giầy, “Hát xoan làng cổ”, hội thi bơi chải trên sông Lô… Năm nay ban tổ chức lễ hội cam kết không để ùn tắc giao thông trong khu vực lễ hội, việc trông giữ xe đảm bảo theo đúng quy định, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, xử lý các đối tượng vi phạm.

Vũ Kim Biên (nhà nghiên cứu, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về Đền Hùng và văn hóa Phú Thọ)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›