'Ngày xửa ngày xưa' 26: 'Đặc sản' không chỉ của trẻ nhỏ

Thứ Sáu, 13/09/2013 08:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 13/9 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) vở Hoàng tử gấu và hạt đậu thần (KB: Quang Thảo, ĐD: Đình Toàn) thuộc chương trình Ngày xửa ngày xưa công diễn, dự kiến kéo dài đến 13/10, với 22 suất liên tục.

Đến nay, nếu muốn cắt nghĩa sự thành công của chương trình Ngày xửa ngày xưa thì khá đơn giản, vì mấy yếu tố rõ ràng: đầu tư đúng mức; kịch bản và diễn xuất đủ hấp dẫn; có nghệ sĩ ngôi sao; đã thành thương hiệu dài lâu.

Thế nhưng, ở những số đầu tiên, nhìn Kịch IDECAF bỏ số tiền lớn để giúp vui các em dịp Trung Thu, nhiều nơi ái ngại về đường dài, sợ bán vé không đủ thu hồi vốn. Chính sự ái ngại này đã là cơ hội để Kịch IDECAF mở lối và vượt lên trước, để đến nay, có thể nói khó có đơn vị nào làm được như vậy.

Lần này họ đầu tư hơn 300 triệu đồng và nhiều cơ sở vật chất khác, may hơn 100 bộ trang phục, dùng đến khoảng 30 diễn viên. Con số này sẽ chẳng là bao nếu so với nhiều dự án văn hóa, sân khấu, nghệ thuật… được nhà nước rót kinh phí, nhưng với một đơn vị tư nhân, cái gì cũng thuê, thì rất thách thức. 26 số đã làm, không phải lúc nào Kịch IDECAF cũng gặp thuận lợi, nhưng ước mơ và quyết tâm làm một chương trình đặc sắc cho trẻ nhỏ thì luôn canh cánh trong lòng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. 


Cảnh trong vở Hoàng tử gấu và hạt đậu thần.

Điều đáng bàn từ việc khán giả mua vé trước cả tháng trời để được xem Ngày xửa ngày xưa là việc chúng ta quá khan hiếm những chương trình dạng này. Một năm học căng thẳng với mùa Hè ngày càng ngắn ngủi, rõ ràng các em học sinh rất cần một chương trình giải trí phù hợp để cân bằng. Thế nhưng nhìn qua nhìn lại, khi mà công viên sở thú đã mất dần chức năng, các tụ điểm nổi tiếng thì được thiết kế chủ yếu cho tuổi mới lớn, cho người trưởng thành, trẻ em “mất dần đất chơi”.

Đã có nhiều nhận định cho rằng Ngày xửa ngày xưa là đặc sản của thiếu nhi TP.HCM mà không nơi nào tại Việt Nam có thể làm được. Với phía đầu tư, nghe nhận định này có thể làm họ mát lòng, nhưng nhìn ở diện rộng của nền sân khấu, đây lại là nỗi lo và buồn. Lo vì sự thiếu vắng những chương trình dạng này có thể làm cho quá trình “già hóa” tính cách trẻ nhỏ diễn ra nhanh hơn. Còn buồn vì chưa thấy những tín hiệu khả quan trong việc tạo ra những chương trình tương tự.

Vở Hoàng tử gấu và hạt đậu thần có sự tham gia của NSƯT Thành Lộc, NSƯT Mỹ Duyên, Bạch Long, Đình Toàn, Đại Nghĩa, Lê Khánh, Hương Giang, Hoàng Trinh, Đức Thịnh, Tuấn Khải, Thanh Vân, Mai Phượng, Hoàng Lan, Nam Trung, Thu Huyền, Kiều Nhi, bé Gia Bảo… và Nhà hát Múa rối Nụ cười.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›