(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (3/12) hai diễn viên Hong Kong là Ngô Trác Hy và Dương Di đã đến Việt Nam để tham gia sự kiện SCTV - Kết nối tầm nhìn, mà thực chất là để quảng bá nhiều hơn cho các phim mới của Hãng TVB. Nói đến phim TVB là nhắc lại cả mấy chục năm kỷ niệm với người xem Việt Nam, mà trong đó phim lồng tiếng đã là đặc sản có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Qua chuyến giao lưu tại Việt Nam của Ngô Trác Hy và Dương Di, rõ ràng, TVB đang muốn xốc lại phong độ để tìm thêm các đối tác mới, trong đó có SCTV. Năm 2013, hãng này có các phim đầu tư lớn như Thực vi nô (có Ngô Trác Hy đóng), Bao la vùng trời (phần 2, 43 tập, có Ngô Trác Hy đóng), Tình nghịch tam thế duyên, On call 36 (phần 2, 30 tập, có Dương Di đóng), Thần thương thư kích (30 tập), Pháp ngoại phong vân (30 tập)… Theo sau sự đánh động, giao lưu của các diễn viên sẽ là công cuộc ra mắt phim trên các kênh truyền hình.
Cuộc trở lại của TVB gợi nhớ nhiều kỷ niệm với người xem Việt Nam, mà trong đó phim lồng tiếng đã là đặc sản có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Ngô Trác Hy (giữa) giao lưu với báo giới TP.HCM chiều 3/12. Ảnh: Việt Cường.
Sau năm 1975, nếu ở miền Bắc và miền Trung thịnh hành với phim Liên Xô, Đông Âu (trong gần 20 năm) qua hình thức thuyết minh, thì tại miền Nam phổ biến hơn với phim Hong Kong (trong đó có Hãng TVB), cũng ở dạng thuyết minh. Nhưng ngay đầu thập niên 1980, thông qua Fafilm Việt Nam, phim bộ TVB được nhập vào khá nhiều gây ra khủng hoảng nhân sự thuyết minh tại chỗ, nên phải tìm ra phương kế phù hợp. Và lồng tiếng là một sáng kiến nhận được nhiều ủng hộ, nó còn giúp cho giọng nhân vật đa dạng hơn.
Chưa xác định được thời điểm hay phim đầu tiên áp dụng kỹ thuật lồng tiếng tại Việt Nam, nhưng trong ký ức nhiều người vẫn còn nhớ những phim bộ TVB như Anh hùng xạ điêu (1983), Thần điêu đại hiệp (1985), Ỷ Thiên Đồ Long ký (1986)… đã áp dụng kỹ thuật này. Thời đó, khi xem phim chúng ta khá quen thuộc với câu: “Sài Gòn Phim dịch và lồng tiếng, FaFilm Việt Nam phát hành, bộ phim...”. Có thể nói khán giả Việt thời kỳ này yêu thích phim bộ Hong Kong (mà chủ yếu là TVB) chỉ vì 3 lý do chính: dàn diễn viên hay; kỹ thuật và kỹ xảo mới lạ; cách lồng tiếng gần gũi, dễ xem.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, vị trí độc tôn của TVB đã bị thay thế rất nhiều, trong đó có sự nổi lên của phim Hàn Quốc, Trung Quốc… Thế nhưng mỗi năm họ cũng sản xuất khoảng 25 - 30 bộ phim, tập trung vào 4 đề tài chính: cảnh sát - hình sự; cổ trang; mưu mô thương trường; và tâm lý đời sống gia đình. Các phim này khi sang Việt Nam, chiếu trên truyền hình, đa số đều chọn giải pháp lồng tiếng. Không biết lồng tiếng có phải là độc quyền sáng chế của Việt Nam hay không, nhưng chắc chắn nó đã trở thành đặc sản của phim truyền hình tại Việt Nam.
Kỹ thuật dịch và lồng tiếng của Sài Gòn Phim một thời không chỉ dừng lại với phim TVB, mà sau đó còn lan tỏa và ảnh hưởng sang phim của nhiều nước trong khu vực, thậm chí phim của Nam Mỹ. Những phim như Nô tì Isaura, Người giàu cũng khóc… lấy nước mắt một thời, nó cũng có các phiên bản lồng tiếng Việt khá hay. Ngày nay với phim truyền hình, thậm chí với nhiều phim hoạt hình chiếu rạp cho trẻ em, lồng tiếng đã là một kỹ thuật có tính mặc nhiên.
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa