Những bức ảnh ở phía sau chiến tuyến
Robert Capa sinh năm 1913, tên thật là Endre Friedmann, còn Horna, sinh năm 1912 tên thật là Kati Deutsch. Cả hai đều trưởng thành ở Budapest, Hungary. Theo bà Norah, con gái của Horna, thì hai người gặp nhau từ khi còn ở tuổi vị thành niên và họ nhanh chóng trở thành một cặp đôi không thể tách rời. Mặc dù các mối quan hệ của Capa với nhiều phụ nữ, trong đó có nữ diễn viên Hollywood Ingrid Bergman và nhiếp ảnh gia Gerda Taro, đã làm tăng thêm tính huyền thoại của ông, song Kati mới thực sự là người chiếm trọn được trái tim nhà nhiếp ảnh này.
Hai người chỉ xa nhau khi ở tuổi 18, Horna tới sống ở Berlin (Đức). Nhưng ít năm sau họ đã nối lại quan hệ ở Paris, nơi Capa đã có một studio riêng. Từ đây, ông đã có nhiều chuyến đi tới Tây Ban Nha để ghi lại bằng hình ảnh cuộc nội chiến ở đất nước này. Horna cũng theo ông. Nhưng khi Capa nhận nhiệm vụ ở tạp chí đầy thanh thế Life, thì Horna lại thích làm việc ở những tờ báo ít tiếng tăm hơn như Umbral. Trong khi Horna chú trọng tới ảnh hưởng của chiến tranh đối với phụ nữ, trẻ em, thì Capa lại ở chiến tuyến, chụp những bức ảnh khiến ông trở thành một trong những nhiếp ảnh gia danh tiếng đầu tiên. Hình ảnh nổi tiếng nhất của ông - Falling Soldier - chụp một người đàn ông ở Tây Ban Nha năm 1936 vào đúng lúc ông bị trúng đạn. Nhưng sau này người ta nghi ngờ về tính xác thực của bức ảnh khi cho rằng đây là một cảnh được dàn dựng. Bức ảnh này hiện vẫn là một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất.
Phần lớn các bức ảnh chiến tranh của Horna là những hình ảnh đằng sau chiến tuyến. Cho đến khi mẹ mình qua đời vào năm 2000, Norah – người con duy nhất của bà Horna – không nghĩ rằng kho tư liệu ảnh chụp từ Tây Ban Nha của mẹ mình lớn như vậy. “Kho ảnh đó luôn được cất kỹ. Mẹ tôi rất hiếm khi nói đến những trải nghiệm của bà ở Tây Ban Nha”, Norah cho biết.
Theo Norah, thì mẹ mình đã dành cho Capa những thứ hoàn toàn khác so với những người bạn gái khác của ông. Bà Horna nắm rõ được ông xuất thân từ đâu, bà hiểu được sự thiếu tự tin của ông do nguồn gốc xuất thân của mình. Trước khi rời châu Âu tới Mexico khi Thế chiến 2 bùng nổ, bà Horna đã gặp người đàn ông mà sau đó đã trở thành chồng của mình - nhà điêu khắc Jose Horna.
Theo Norah thì cha mình hợp với mẹ hơn là Capa. Thậm chí khi đang trên đường tới Mexico để bắt đầu cuộc sống mới, Capa đã cầu xin Horna ở lại, nhưng bà đã từ chối. Năm sau đó, Capa tới Mexico và ông nói với Horna rằng ông chán ngấy với những đòi hỏi trong công việc đầy khó khăn và nguy hiểm của mình trên chiến tuyến. Tất cả những gì mà ông thực sự muốn là sống ổn định bên bà và có một tá con. “Nhưng mẹ tôi chỉ cười, vì bà không còn tự do nữa. Lúc đó bà đã gắn kết với cha tôi”, Norah kể.
Nhưng 14 năm sau, khi nghe tin Capa đã qua đời do giẫm phải mìn ở Thái Bình, Việt Nam, bà Horna đã chết lặng đi.