(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được các đạo diễn dựng thành phim truyền hình, phim điện ảnh. Trong đó, có phim đạo diễn tận dụng gần như triệt để các chi tiết văn học trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, nhưng có phim đạo diễn chỉ giữ lại tinh thần của truyện.
- Nguyễn Nhật Ánh và Phan Gia Nhật Linh 'mời' xem 'Cô gái đến từ hôm qua'
- Nguyễn Nhật Ánh: Nên đưa các em về với thiên nhiên
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói về người 'hai giới tính' trong xứ sở Langbiang
- 'Cô gái đến từ hôm qua' của Nguyễn Nhật Ánh sắp ra rạp
- Tinh thần truyện của Nguyễn Nhật Ánh là gì và khi đạo diễn không tuân theo “trăm phần trăm” nguyên tác của nhà văn thì mâu thuẫn có nảy sinh không? Nhân dịp bộ phim Cô gái đến từ hôm qua (TTXVN) đang thu hút khán giả đến rạp, Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Và đây có lẽ là lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “bình phẩm” về tác phẩm của mình đã được đạo diễn “chuyển hóa”.
* Phim "Cô gái đến từ hôm qua" đã công chiếu gần một tuần, là “cha đẻ” của truyện này, xin hỏi tâm trạng của anh khi xem “đứa con” của mình trong một hình thức khác như thế nào? Nói cụ thể hơn, anh có thích phim này không?
- Tôi thích phim này. Phan Gia Nhật Linh đã làm tốt hơn tôi tưởng nhiều. Trong quá trình làm phim, anh ấy bảo tôi đây là phim “lãng mạn - hài”. “Lãng mạn” thì tôi hình dung được, nhưng nghe chữ “hài” tôi hơi thấp thỏm. Nhưng đạo diễn đã xử lý rất thông minh. Anh không sa vào cái hài hình thể hay dung tục như tôi lo lắng. Xem phim này, không ít lần tôi phải phì cười vì những tình huống bất ngờ duyên dáng.
* Anh từng “giao phó” các tác phẩm của mình cho nhiều đạo diễn, với "Cô gái đến từ hôm qua", anh nghĩ đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có giữ được “tinh thần văn học” của nhà văn khi chuyển thành phim?
- Cảm xúc, gợi nhớ là âm hưởng chủ đạo trong các tác phẩm của tôi, vì hầu hết tác phẩm của tôi đều hướng về tuổi thơ. Tôi từng chia sẻ: “Tuổi thơ đối với tôi là một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu, ấy là khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga tuổi nhỏ. Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng gần lại”. Đó là lý do tôi viết sách.
Tôi đã nói với Phan Gia Nhật Linh, cũng như từng nói với Victor Vũ, rằng nếu phim của bạn chạm được vào cảm xúc của khán giả, kéo khán giả về gần với sân ga tuổi thơ qua từng thước phim của mình là các bạn đã thành công trong việc giữ được tinh thần của tác phẩm văn học.
* Anh chỉ yêu cầu các đạo diễn vậy thôi chứ không “can thiệp” gì sao?
- Tôi chỉ yêu cầu vậy thôi. Đó là cái đích chung, còn làm thế nào đến được cái đích đó, đó là chuyện của các bạn đạo diễn, tôi không can thiệp. Vì tôi biết văn chương và điện ảnh là hai loại hình nghệ thuật khác nhau, có những con đường khác nhau để đi đến trái tim của người thưởng ngoạn.
Và tôi nghĩ, Cô gái đến từ hôm qua của Phan Gia Nhật Linh đã làm được điều này. Xem phim của anh, tôi bắt gặp mình bâng khuâng nhớ về tuổi học trò của mình.
* Lâu nay nhà văn và đạo diễn vẫn có những mâu thuẫn khi đạo diễn làm phim không đúng ý nhà văn đã viết. Với anh, những mâu thuẫn này có không và nếu có thì giải quyết như thế nào cho tất cả đều tốt đẹp?
- Như tôi đã nói, tôi không quan tâm lắm những chi tiết. Và tôi xem phim cũng không xem với con mắt của nhà phê bình. Tôi bước vào rạp với tâm thế của người thưởng thức và điều quan trọng với tôi là phim sẽ đem lại cho tôi điều gì về cảm xúc.
Tôi không băn khoăn lắm phim có giống truyện đến từng chi tiết hay không, vì tôi không nghĩ phiên bản điện ảnh chỉ có mục đích đơn giản là minh họa cho truyện. Đối với tôi, phim có hay hay không mới là tiêu chí quan trọng. Nếu từ chất liệu văn học của mình, đạo diễn nhào nặn để cho ra đời một bộ phim hay là tôi cảm thấy hài lòng.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
"Đạo diễn cũng là một nghệ sĩ sáng tác, giống như nhà văn. Họ có tâm hồn mơ mộng, những hoài bão và khoảng trời sáng tạo của riêng mình, và tôi tôn trọng điều đó. (Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) |
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags