Nhà thơ Ngô Minh: Biển đảo quê hương vang tiếng gọi khẩn thiết

Thứ Tư, 18/09/2013 15:36 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây nhất, nhà thơ Ngô Minh xuất bản Ký tự biển với hơn 60 bài thơ. Là đứa con của một làng biển ở Quảng Bình, ông có cảm xúc biển thường trực, nên mấy mươi năm qua, số bài thơ viết về biển của ông nhiều thuộc hàng kỷ lục của Việt Nam.

“Từ thuở mẹ đẻ rơi tôi bên bờ chân sóng, trong tôi biển đảo Việt Nam là hoàn thiện, giống như làng tôi vậy. Tập thơ nào tôi cũng có nhiều bài về biển, có tập toàn về biển…” - nhà thơ Ngô Minh bắt đầu câu chuyện.

Biển đậm đặc…

* So với biển trong các tập thơ Chân sóng (1995); Đứa con của cát (1998); Phù sa biển (2001); Huyền thoại Cửa Tùng (2004); Lệ Thủy mút mùa (2005)… biển lần này có gì thay đổi về mặt tâm trạng và điểm nhìn?

- Chưa bao giờ tôi viết đậm đặc về biển như trong tập này. Đây là xúc cảm có thể gọi là đặc biệt, trước đó chưa có. Gặp bất cứ đề tài gì, hình tượng biển bao giờ cũng ám ảnh tôi, lúc nào tôi cũng nghĩ về biển.

Nhà thơ Ngô Minh. Ảnh: NSNA Nguyễn Văn Tý
* Ông có thể cho biết lý do tại sao?

- Trong vài năm lại đây biển đảo quê hương đang bị đe dọa, đảo xa không bình yên, ngư dân đánh cá nơi ngư trường thân quen bao đời cũng không còn bình yên nữa. Nhân dân cả nước đang hồi hộp lo âu trước biển từng ngày. Biển đảo quê hương đang vang lên tiếng gọi khẩn thiết.

* Về khía cạnh nghệ thuật, theo ông có gì đáng nói?

- Tập này gồm những thi ảnh mới, ngôn ngữ thơ mới về biển mà trước đó chưa có. Trong các tập thơ trước, tôi viết về biển từ con triều lên xao động trong bờ, trên đất liền… nhưng đó là tâm trạng buồn riêng tư, còn bây giờ thì: “Trường Sa ơi/ Trường Sa bây giờ không chỉ ra-đa và súng/ Trường Sa sinh sôi tiếng trẻ học bài…”(Nghe trẻ hát ở Trường Sa). Cho nên, tuy những bài thơ nói chuyện làng, xã, chuyện nội ngoại, nhưng nó mang một điểm nhìn mới, tâm thức mới trong chiều sâu của hình tượng thơ. Đó là góc nhìn gắn liền với vận mệnh của biển đảo nước nhà.

Bìa tập thơ Ký tự biển, NXB Thuận Hóa, tháng 6/2013

Nghệ thuật cũng là “lãnh hải”

* Vậy thì, biển với ông có còn đơn thuần là quê hương bản quán, một vùng địa lý, hay đã là một tự tình, một triết lý nào đó?

- Biển với tôi vừa là quê gương, theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng biển trong Ký tự biển lại là những tự tình mang tính triết lý, tính báo động. Biển là sự chia sẻ, là nơi đi và đến của tâm trạng, tâm tưởng. Đối với tôi cát và biển là nơi chất chứa những triết lý cuộc sống. Biển ắp đầy, nhưng lúc ta buồn thì biển hoang vắng đến tận cùng. Biển là thi ảnh thể hiện rất rõ sự bất an hay bình an của lòng người.

Biển là mộ, làng ơi con nhớ

tháng Bảy sóng nhảy qua bờ

tháng Bảy giỗ mạ, giỗ dì Quế và giỗ biển

con lại về cúng biển

hóa vàng thơ


(Trích bài Mộ biển trong tập thơ Ký tự biển)

* Trong bối cảnh biển Đông như hiện nay, ông nghĩ giới sáng tạo nên ứng xử với biển như thế nào - ít nhất là qua tác phẩm của mình?

- Tôi nghĩ giới sáng tạo (văn học nghệ thuật) thời nào cũng rất nhạy cảm với vận mạng của đất nước. Họ đều yêu biển và sẵn sàng “xung trận”, vung bút, vung cọ vì biển. Tuy nhiên, tùy theo chỗ đứng của mỗi người mà có cách tiếp cận biển khác nhau. Tôi tin nếu nhà nước tạo điều kiện để họ xâm nhập biển sâu hơn, dài hơi hơn, họ sẽ có những tác phẩm tốt về biển đảo quê hương.

Theo tôi, nếu nghệ thuật mà làm tốt công việc của mình, thì “lãnh hải” tự nhiên được mở rộng, được ghi nhớ, được truyền tụng… nên cũng được bảo vệ, ít nhất là trong tâm tưởng và tâm thức của cộng đồng, của dân tộc.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›