(Thethaovanhoa.vn) - “Sự thực đúng sai thế nào? Có hay không chuyện khuất tất trong xét giải? Tôi nghĩ cần có cuộc đối thoại giữa các bên để làm sáng tỏ mọi vấn đề, công khai minh bạch mọi thông tin trước hàng ngàn hội viên lẫn công luận đang quan tâm” - nhà thơ Phan Hoàng, tác giả tập thơ Chất vấn thói quen, bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012.
Như TT&VH đã thông tin, sau khi Hội Nhà văn Việt Nam công bố danh sách 9 tác phẩm đoạt giải thưởng và bằng khen của Hội năm 2012, nhà văn Y Ban đã có thư ngỏ từ chối bằng khen của Hội. Sự việc đang trở thành tâm điểm của dư luận. Nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ với TT&VH.
Đau đớn cho làng văn
* Trước khi biết tin tập thơ Chất vấn thói quen của mình lọt vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, thì anh cũng đã nhận được giải thưởng từ Hội Nhà văn TP.HCM cho tập thơ này rồi, anh có hi vọng tác phẩm của mình sẽ đoạt cú đúp giải thưởng?
- Không hy vọng thì chẳng ai dự giải làm gì. Tôi còn kỳ vọng tập thơ Chất vấn thói quen, đứa con tinh thần sau 10 năm “mang nặng đẻ đau” của mình đoạt giải thưởng chứ không chỉ là tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Đừng nghĩ rằng tôi cao ngạo mà đó là tôi trung thực với ước mơ của chính mình.
Nhà thơ Phan Hoàng |
* Anh có thất vọng vì cuối cùng tập thơ của anh chỉ nhận bằng khen?
- Có đôi chút thất vọng. Không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn thơ cũng nhắn tin tỏ ra thất vọng. Đơn giản là họ yêu mến tập thơ của tôi, họ tìm thấy sự đồng cảm trong đó. Nhưng tôi không xem việc nhận bằng khen là một thất bại. Bởi vì vượt qua gần 200 tác phẩm dự giải khác để có mặt trong top ten (tốp 10) cuối cùng đã là một thành công, ít ra là dưới “đôi mắt xanh” của các đồng nghiệp của hội đồng sơ khảo và chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
* Trước sự từ chối nhận bằng khen của nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, anh có suy nghĩ như thế nào?
- Bình thường thôi. Nhà văn đoạt giải có cái quyền đó. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng có người không nhận, trong đó có đương kim Chủ tịch Hội là nhà thơ Hữu Thỉnh.
Tuy nhiên, phải nói rằng khi đọc lá thư từ chối giải của nhà văn Y Ban, tôi thấy nó đau đớn cho làng văn thế nào ấy. Vì sao nhà văn Y Ban viết lá thư lời lẽ chua cay, nghiệt ngã như vậy? Vì chị chỉ được bằng khen mà không phải giải thưởng? Vì nỗi đau âm ỉ lâu nay trong lòng chị đối với nền văn học? Hay vì một lý do nào khác? Quá nhiều câu hỏi đã đặt ra “chất vấn” lòng tôi mà không thể tự trả lời...
Tôi chưa từng một lần ngồi trò chuyện với nhà văn Y Ban, mà chỉ chào xã giao chị những lần gặp tình cờ. Tôi được đọc một số tác phẩm của chị, trong đó có Trò chơi huỷ diệt cảm xúc do NXB Trẻ ấn hành, mà theo cách nhìn cá nhân tôi cho rằng nó xứng đáng nhận giải. Tôi chia sẻ những bức xúc của chị qua lá thư, nhưng thú thực tôi hơi ngỡ ngàng khi đọc những lời lẽ của chị. Ngỡ ngàng trước cái cách chị chỉ trích hội đồng chung khảo và Chủ tịch Hội, cũng đều là những đồng nghiệp với nhau. Ngỡ ngàng khi chị đưa ra nhiều thông tin hậu trường làng văn mà ngay cả người trong giới không phải ai cũng biết, trong đó có tôi.
Trước đây tôi từng nghe tin đồn có một nhà thơ thuộc dạng “cây đa cây đề” đoạt giải khi phiếu bầu chưa quá bán ở hội đồng chuyên môn, bởi tập thơ này nằm trong “quy hoạch” dự giải Đông Nam Á. Nhưng đó chỉ là tin đồn. Còn bây giờ nhà văn Y Ban viết ra giấy trắng mực đen. Vậy sự thực đúng sai thế nào? Rồi chuyện khuất tất xét giải? … Tôi nghĩ cần có cuộc đối thoại giữa các bên để làm sáng tỏ mọi vấn đề, công khai minh bạch mọi thông tin trước hàng ngàn hội viên lẫn công luận đang quan tâm.
Giải thưởng không quyết định giá trị tác phẩm
* Về giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, anh có đánh giá gì?
- Dù có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, tôi vẫn cho rằng đây là giải thưởng hằng năm quan trọng nhất đối với đời sống sáng tạo văn học cả nước. Hãy nhìn vào gần 200 tác phẩm gửi về dự giải năm 2012 đủ thấy sức hút của giải thưởng có bề dày truyền thống này. Lịch sử giải thưởng cũng cho thấy có những tác phẩm được trao giải đã sống lâu bền trong lòng bạn đọc, gần đây là tập truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh liên tục tái bản, được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận.
* Còn các giải thưởng khác, như của Hội Nhà văn Hà Nội, Hội nhà văn TP.HCM anh có ý kiến ra sao?
- Mỗi giải thưởng có những khu biệt, tiêu chí riêng. Hai giải thưởng trên rất có ý nghĩa đối với hoạt động văn học của hai địa phương là hai thành phố trung tâm lớn nhất nước và có sức ảnh hưởng đến nhiều nơi khác. Tuy nhiên, dù giải thưởng nào đi chăng nữa nó cũng chỉ kích thích, động viên người sáng tác chứ không quyết định giá trị tác phẩm.
* Theo anh, nên làm những gì để giải thưởng văn học thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng và giải thưởng văn học Việt nói chung sau này hoàn thiện hơn, uy tín hơn?
- Tôi chưa bao giờ tham gia tổ chức hoặc làm giám khảo chấm giải thưởng văn học nào nên không có kinh nghiệm. Thời gian gần đây chúng ta nói nhiều đến văn hoá từ chức, văn hoá kinh doanh, văn hoá giao thông, văn hoá ẩm thực, văn hoá tình dục… thì cũng đến lúc cần lên tiếng mạnh mẽ về văn hoá giải thưởng. Chúng ta có quá nhiều giải thưởng nhưng lại không nhiều những tác phẩm thực sự xuất sắc. Chúng ta cũng có nhiều người ngồi ngoài sẵn sàng “ném đá” vào giải thưởng, mà không có nhiều người uy tín, tài năng, nhân cách đáng trọng để ngồi vào ghế giám khảo để công tâm, bản lĩnh, minh bạch xét trao giải cho những tác phẩm thực sự có giá trị.
Việt Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa