Nhà thơ Vũ Thiên Kiều, thường trực trang web Lục bát Việt Nam đã chia sẻ với TT&VH nhân dịp lễ hội lục bát 2014 sắp diễn ra tại Hà Nội.
Một cách truyền trì “thi mạch”
* Thưa nhà thơ, lễ hội lục bát năm nay có những điểm gì mới?
- Năm nay sẽ mở lễ hội lục bát bằng nghi thức kính dâng tiên tổ với màn gióng trống khai hội, dâng hương và rước thơ lục bát, đọc chúc văn cầu cho quốc thái dân an, phát lộc ấn phẩm thơ “lộc phát” của các cao tăng nhà Phật. Nhiều hoạt động diễn ra như mỗi người một cuốn sách ủng hộ cho biển đảo, giao lưu chợ quê, ký tên để ủng hộ cuộc vận động tôn vinh lục bát.
* Có người nói việc vận động tôn vinh lục bát thành quốc thi và UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là khá hồn nhiên, tự phát và mang tính phong trào?
- Người yêu thơ lục bát hẳn không nghĩ thế, họ kiên trì và tự hào với sáng kiến đó. Chúng ta mải loay hoay khi “nhập” vào mà có lúc quên đi gương mặt mình, quên việc mang những lễ vật văn hóa riêng để công diễn và giao kết bình đẳng với bạn bè thế giới.
Không chỉ truyền trì thi mạch, lễ hội lục bát đang dần trở thành một biểu tượng của hồn quê. Ca dao có câu “Chim sa vườn thị, thỏ lụy vườn trâm/ Nhớ thương tiếng nói nghìn năm vẫn còn”, dù đi đâu, về đâu nghe tiếng nói là xích lại, nghe lục bát là “nhận mặt” quê hương, ấy là lõi sáng của văn hóa.
* Tức là phải biết trân quý bản sắc thơ của dân tộc?
- Thơ là chất xúc tác diệu kỳ, người máy Geminoid F đã đọc thơ trước hàng trăm khán giả Hà Nội trong vở kịch Sayonara mà ý nghĩa sâu xa là phá vỡ sự vô cảm, gia tăng mức giao cảm giữa máy móc, con người và thế giới. Trân quý chưa đủ, cần phải dụng tâm và khéo léo “lưu thông” bản sắc thơ, bản sắc văn hóa dân tộc. Món quà lưu niệm tặng các vị đại biểu tại hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Á - Phi được tổ chức tại Thủ đô là những chiếc quạt giấy mà trên đó là những vần thơ lục bát, giản dị mà bừng sáng sự kiêu hãnh văn hóa.
“Dội nước đá” cũng không… chùn bước
* Có ý kiến cho rằng phát triển “thơ ca quần chúng” như hiện nay hơi quá đà, thậm chí gây “loạn chuẩn”?
- Một ý kiến rất thú nhưng thiếu “vị”, đó là vị tha. Thơ ca không dành cho số đông, cho nhân dân thì dành cho ai. Tôi biết có một “nghĩa trang thơ” ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh được đặt tên là Cực lạc thái bình, rộng gần 60ha, trong đó có hàng ngàn bia mộ được khắc những bài thơ bày tỏ sự tiếc thương đối với người đã khuất. Không ai giáo dục được tình yêu, vì vậy chuẩn của hệ quy chiếu này, “cân” của một vài ai đó chẳng qua chỉ là để trong tệp “tài liệu tham khảo” của những người yêu thơ.
* Dường như ý kiến đó ít nhiều có “va đụng” đến lễ hội lục bát?
- Lễ hội lục bát để người yêu thơ sum họp và chia sẻ, ít nhiều còn chưa thỏa ý, nhưng những hạn chế cũng là cái cớ để lễ hội kế tiếp còn làm. Mới được tổ chức, chưa thực sự sâu rễ bền gốc, nhưng có “dội nước đá” thách đố, những người yêu lục bát họ cũng không chùn bước. Hàng ngàn người đến chơi hội, không phải cứ đổ “xèng” ra là mua được tấm lòng.
* Nội dung nào trong lễ hội khiến nhà thơ “ưng cái bụng” và ấn tượng?
- Tiết mục Bác Hồ nói về biển đảo quê hương do nghệ sĩ Văn Tân, kỷ lục gia với hơn 1.000 lần đóng vai Bác Hồ thể hiện trong khối đại đoàn kết và ân cần dặn dò các văn nghệ sĩ, người yêu thơ duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
* Rất nhiều thông điệp đầy cảm xúc và linh thiêng trong lễ hội?
- Nhà văn Đỗ Chu trong tùy bút Và chợt thu đã chia sẻ: “Về già con người ta có quyền lẫn, quên những gì mình từng làm, chả nhớ mình là ai, cái thú nhất là được làm một anh thi sĩ nghiệp dư, một anh họa sĩ nghiệp dư, hay dở không bàn, xem sự nổi tiếng ở đời như bong bóng trên mặt sân vôi ngày mưa”. Bạn hãy xòe tay kết nối, bay lên để đến và chiếu rọi những giản dị, xúc động bên niềm vui văn hóa, tự nguyện và phi lợi nhuận trong ái thành lục bát dân tộc.
Giải thưởng lục bát bằng “vàng thật” |
Đinh Tam Lệ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags