(Thethaovanhoa.vn) - Trở thành một nhà văn có số lượng tác phẩm mỗi lần in nhiều kỷ lục với lượng người đọc chờ đón đông như Nguyễn Nhật Ánh là mơ ước của nhiều người cầm bút hiện nay. Nhưng muốn được như thế, Nguyễn Nhật Ánh đã phải nỗ lực rất lớn để vượt qua chính mình.
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói về người 'hai giới tính' trong xứ sở Langbiang
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và 'Ngày xưa có một chuyện tình': Nhân vật đã biết… yêu
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Không rõ trong túi có bao nhiêu tiền
1. Ngày 7/5 vừa qua, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tròn 62 tuổi. NXB Trẻ vừa ấn hành cuốn tiểu luận Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp như một món quà dành tặng ông.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cuốn sách này là ân tình giữa đơn vị làm sách và nhà văn, bởi ngoài bộ truyện Kính vạn hoa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh in ở NXB Kim Đồng thì tất cả các tác phẩm còn lại của ông đều in ở NXB Trẻ.
Sau năm 1975, rất nhiều người sinh ra ở miền Nam gặp trở ngại về lý lịch trong học hành và công việc nếu gia đình có liên quan đến chế độ cũ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng không ngoại lệ khi tốt nghiệp xong không thể có việc làm vì ý lịch.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, cho biết: “Sài Gòn 1975, trong một đêm khuya, trời mưa. Đường phố nhòe nhoẹt ánh đèn. Có một gã thanh niên “bạch diện thư sinh” đang gò lưng đạp trên chiếc xích lô. Bụng đói. Túi rỗng tiền. Gã nghĩ về ngày mai với tâm trạng hoang mang.
Đêm ấy, trở về phòng trọ gã ngủ một giấc đầy mộng dữ. Sáng hôm sau, người ta thấy gã dắt một chiếc xe đạp cũ mèm, gia tài cuối cùng của gã, đem bán cho một người quen, với tiếng thở dài não ruột. Đó là Nguyễn Nhật Ánh, hình ảnh của một nhà văn tương lai”.
Đạp xích lô và bán đi chiếc xe đạp để sống là hình ảnh có thể làm người đọc rơi nước mắt khi hình dung về chàng sinh viên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngày nào. Bi đát hơn, năm sau tốt nghiệp, anh không được phân nhiệm sở, vì ba anh là một viên chức của chế độ cũ đang đi học tập cải tạo.
2. Với một chàng thanh niên, tương lai như thế xem như đã khép cửa. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh không đầu hàng, anh đăng ký tham gia Thanh niên xung phong. Tại đây, anh đã gặp người vợ bây giờ và phải một lần nữa vượt qua rào cản lý lịch. Khi đó, chị Tiếng Thu vợ anh không được lực lượng Thanh niên xung phong chấp nhận vì chị đang là cán bộ của lực lượng còn anh thì lý lịch chưa “môn đăng hộ đối”.
Hai người đã lấy giấy đăng ký xe để sửa thành giấy đăng ký kết hôn. Sự liều lĩnh vượt rào này của vợ chồng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đưa họ vượt qua mấy mươi năm đến tận hôm nay. Nếu nói, đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có hình bong một người đàn bà; thì phía sau Nguyễn Nhật Ánh luôn có chị Tiếng Thu - người làm thủ trưởng của anh thời Thanh niên xung phong và tiếp tục “làm sếp” đến tận bây giờ.
Ngoài những đứa con tinh thần, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có với chị Tiếng Thu một người con gái duy nhất tên Quỳnh Anh. Chính cháu Quỳnh Anh đã tạo nguồn cảm hứng để nhà thơ Đỗ Trung Quân viết thành bài thơ Bài học đầu cho con. Rồi bài thơ này được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành ca khúc Quê hương: Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.
3. Nhà báo Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Trẻ, đặt vấn đề rất hay khi nói về Nguyễn Nhật Ánh: “Sự giàu có của một nhà văn”.
“Sự giàu có của Nguyễn Nhật Ánh không hẳn đo được từ kỷ lục số trang, bản in, danh hiệu, giải thưởng, nhuận bút… mà chính là từ những gì anh đã mang lại cho nhiều thế hệ bạn đọc, không chỉ người đọc trẻ mà cả người lớn, với lòng đam mê nghề nghiệp mạnh mẽ" – nhà báo này nói. "Với tinh thần lao động nghiêm túc, cần mẫn, bằng trái tim “không chỉ lọc máu mà còn lọc cả chất liệu đời sống” của một nhà văn ý thức sâu sắc trách nhiệm cầm bút trên từng trang sách”.
Có nghĩa sự giàu có của Nguyễn Nhật Ánh không thể đếm bằng tiền của, bằng quyền lực hay bằng danh vọng. Ví dụ, nhà báo Tường Vân (báo Sài Gòn Giải phóng), kể: “Khi tôi khoảng 16-17 tuổi, ba tôi đắt đến chỗ ông làm, ba nói chú Nguyễn Nhật Ánh làm ở đây. Tôi reo lên: Ba được làm việc chung với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh à?! Sau này, con tôi hỏi tôi ba có biết nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không? Tôi nói ba làm cùng chỗ với bác Ánh. Đến lượt con tôi reo lên: Ba được làm việc chung với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh à?!”
Nói thế để thấy, sự giàu có của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh biểu đạt thông qua bạn đọc nhiều thế hệ và vượt qua thời gian.
Cho đến nay, đã có các cuốn sách viết về Nguyễn Nhật Ánh, như: Nguyễn Nhật Ánh – Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ (NXB Kim Đồng 2012), Nguyễn Nhật Ánh và tôi (NXB Trẻ 2013), Nguyễn Nhật Ánh – Hiệp sĩ của tuổi thơ (NXB ĐH Quốc gia 2015). Các cuốn sách này được viết bởi các nhà nghiên cứu, bạn văn và bạn đọc của Nguyễn Nhật Ánh. |
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Tags