(Thethaovanhoa.vn) - 19 trong tổng số 30 bài hát Giáng Sinh kinh điển nhất từ giữa đến cuối thế kỷ 20 vừa qua được sáng tác vào những thập niên 1940 và 1950: The Chipmunk Song, Sleigh Ride, Jingle Bell Rock… Vì sao thế giới hoài cổ vậy?
Thông tin khá bất ngờ này được đưa ra sau thống kê của Cộng đồng nhạc sĩ và nha phát hành âm nhạc (ASCAP) của Mỹ, về các bài hát Giáng Sinh tiếng Anh nổi tiếng trong từng thập niên từ 1930 đến 1990, đăng trên blog của Washington Post.
Thời kỳ vàng của âm nhạc Giáng Sinh, đó là thập niên 40 và 50. Bóng của những nhạc phẩm đó về sau trải dài lên các thập niên khác. Hơn nữa, dịp cuối năm luôn là thời điểm đậm đặc hoài cổ, không ngạc nhiên khi âm nhạc cũng dắt người ta về với quá khứ.
Thập niên vàng của âm nhạc Giáng Sinh
Thập niên 50 bắt đầu với một loạt ca khúc Giáng Sinh trong năm 1950 như: Marshmallow World, Frosty the Snow Man, (Everybody’s Waitin’ For) The Man with the Bag, Silver Bells, Christmas in Killarney. Rồi It’s Beginning to Look a Lot Like Christmas (1951), Santa Baby (1953), (There's No Place Like) Home for the Holidays (1954), và Mary's Boy Child (1956)...
I Saw Mommy Kissing Santa Claus (Con thấy mẹ hôn ông già Noel) là một hit nổi bật vào năm 1952. Jingle Bell Rock ra đời năm 1957 khiến giới trẻ thời ấy nhún nhảy. Nhạc rock & roll Giáng Sinh được tiếp nối bởi Rockin’ Around The Christmas Tree (1958).
Bài hát Giáng Sinh thành công nhất mọi thời, cũng xuất hiện cuối thập niên 50, đó là The Chipmunk Song (Christmas Don't Be Late) năm 1958. Bài hát đứng đầu các bảng xếp hạng và còn giành giải Grammy. Không phải ai cũng yêu thích The Chipmunk Song. Bài hát bị đánh giá khá thấp về chuyên môn, nhưng giai điệu vun nhộn, dễ nhớ ấy vẫn thắng lớn.
Sức sống lâu bền vì gắn với thời kỳ lịch sử đặc biệt
“Nhạc Giáng Sinh, như chúng ta vẫn thường nghĩ, thực chất là một hoạt động hoài cổ dành cho những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số hậu chiến” – bài báo trên Washington Post viết. “Bùng nổ dân số hậu chiến” là hiện tượng dân số tăng cao sau Thế chiến 2, vào khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1964.
Nhưng tất nhiên câu trên không liên quan đến chuyện chính trị, mà chỉ nhắm vào mốc thời gian – từ thập niên 40 đến hết thập niên 50 cũng là thời điểm ra đời của hai phần ba trong số 30 bài hát Giáng Sinh được yêu thích nhất mọi thời. Thời điểm đó chính là thời thơ ấu của những người sinh ra ở thời hậu chiến.
Còn từ thập niên 2000 trở đi, chưa có bài hát nào lọt được vào danh sách “những bài hát Giáng Sinh được nghe nhiều nhất mọi thời đại” nói trên. Gần chạm đến danh sách này là All I Want for Christmas is You (1994) của Mariah Carey. Trong thập niên 80, có duy nhất một bài hát lọt vào danh sách, đó là Last Christmas của ban nhạc Wham.
Mặc dù vậy, trong danh sách 30 cũng có những bài hát không hẳn là hay, nhưng vẫn rất được yêu thích. Tệ nhất phải kể đến Wonderful Christmastime (1979) của huyền thoại Paul McCartney. Sự nghiệp âm nhạc của McCartney rất rực rỡ nhưng đây không phải là một trong những ca khúc làm nên điều đó.
Tóm lại, âm nhạc của Giáng Sinh toàn cầu vẫn mắc “kẹt” ở khoảng giữa thế kỷ 20. Họa sĩ truyện tranh Randall Munroe đã nhìn ra điều này, khi ASCAP công bố danh sách 20 bài hát Giáng Sinh hay nhất thập niên 2000 vào năm 2009. Munroe chỉ ra rằng: “Mỗi năm, văn hóa Mỹ lại bắt tay vào siêu dự án tái tạo âm nhạc Giáng Sinh của thời hậu chiến”. Ít có bài hát mới nào đủ chiếm lĩnh trái tim công chúng nên mỗi dịp Giáng Sinh lại là dịp để làm mới những bài hát cũ cho hợp thời.
Báo chí Mỹ đã tốn khá nhiều công sức để lý do tại sao các bài hát Giáng Sinh mới lại khó trở thành kinh điển đến vậy. Một lý do là thời thơ ấu của thế hệ hậu chiến, như đã nói ở trên, là một giai đoạn rất đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ: rất nhiều công việc chờ người làm, nền kinh tế bùng nổ, tầm ảnh hưởng của nước Mỹ với thế giới đạt đến đỉnh cao.
Bởi vậy, những bài hát đại diện cho tâm tư, tình cảm người Mỹ ở thời điểm lịch sử đó không chỉ là các thành tựu âm nhạc mà còn là một phần của lịch sử Mỹ.
Hạ Huyền
Tags