Nhạc heavy metal thành vũ khí chống bạo hành

Thứ Sáu, 14/03/2014 13:07 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh nỗi lo tấn công tình dục và bạo hành nhằm vào phụ nữ đang ngày càng gia tăng ở Ấn Độ, một trong những ban nhạc thrash  metal "nổi” nhất ở nước này là Sceptre, vừa phát hành album Age Of Calamity, nhằm phát đi thông điệp bảo vệ nữ giới.

Trước đây không ít ban nhạc đã dùng dòng nhạc heavy metal để nói  về những căn bệnh của xã hội.

Một dòng nhạc mang tính chiến đấu

Chẳng hạn, ban nhạc Black Sabbath đã “xỉ vả” Chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam; Sepultura chỉ trích gay gắt cách người ta đối xử với các bộ lạc thổ dân ở quê hương Brazil của họ; Napalm Death đề cập đến những thất bại của Chính phủ cùng nạn tham nhũng và mới đây Cloud Rat đã “kêu gào” về sự phân biệt giới tính.

Ban nhạc heavy metal Ấn Độ Sceptre

Ban nhạc heavy metal Ấn Độ Sceptre

Xét về mặt địa lý và văn hóa, Mumbai nằm cách xa vịnh California của Mỹ, nơi trào lưu thrash metal (một nhánh chính của nhạc rock heavy metal) đã lên đến mức đỉnh. Tuy nhiên, ban nhạc Ấn Độ Sceptre là minh chứng dòng nhạc này đang lan tỏa rộng rãi như thế nào.

Album Age Of Calamity bàn về hoàn cảnh khó khăn của người phụ nữ

trong xã hội Ấn Độ. Toàn bộ số tiền thu được từ lượng đĩa bán ra của album sẽ dành để hỗ trợ trực tiếp cho các trại trẻ của những bé gái mồ côi ở Mumbai.  

Ban nhạc đã chọn hợp tác với nữ nghệ sĩ Saloni Sinha để làm hình ảnh bìa album. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đầy ám ảnh, mô tả một người phụ nữ đang khóc và giơ 2 tay lên đầu, đứng trên một đống đầu lâu và xung quanh cô là những bộ hài cốt.

“Chúng tôi luôn dồn tâm trí vào sáng tác những nhạc phẩm viết về các vấn đề xã hội. Song đây là lần đầu tiên chúng tôi đề cập đến vấn đề về giới. Đất nước Ấn Độ đang phải đối diện với vấn nạn mới: bạo lực tình dục nhằm vào phụ nữ, đang hoành hành ngày càng dữ dội” - nghệ sĩ trống Aniket Waghmode của ban nhạc cho biết.

Hy vọng phụ nữ có tương lai sáng hơn

 Cuối năm 2012, một cô gái 23 tuổi đã thiệt mạng sau khi bị 6 gã đàn ông ở New Delhi hiếp dâm tập thể. Vụ việc khủng khiếp này và một số vụ hiếp dâm khác đã rung lên hồi chuông cảnh báo nhiều người ở Ấn Độ và hải ngoại.  

Trong khi hàng ngàn người ở New Delhi và khắp đất nước xuống đường biểu tình lên án những kẻ gây tội ác, Sceptre chọn thrash metal để thể hiện tiếng nói của mình.

Ca khúc chủ đề của album có giai điệu náo nhiệt, nhưng giọng ca của Samron Jude lại thể hiện tâm trạng tuyệt vọng của cả hai giới, về căn bệnh của xã hội: “Chúng tôi kêu gọi có hành động báo thù, chúng tôi cầu cho hy vọng... khóc vì thất vọng, vì chìm trong thất bại. Liệu có con đường nào để chúng ta bước tiếp hay chúng ta lại tiếp tục thất bại?".

Các ca khúc khác trong album, như Parasites (Of The State) và Judgment Day (End - A New Beginning) cũng chứa đựng tinh thần trên. Khán giả hẳn sẽ cảm thấy nhức nhối khi nghe cả album, song Waghmode cho biết: “Mục đích của ban nhạc là muốn được đóng góp phần mình cho đất nước và chúng tôi vẫn hy vọng phụ nữ Ấn Độ sẽ có tương lai sáng sủa hơn”.

Nỗi hổ thẹn quốc gia

Lấy cảm hứng từ một số ban nhạc Mỹ và các ban nhạc thrash metal kinh điển của Đức như Kreator, Sodom… Sceptre được thành lập cách đây 15 năm và hiện là một trong những ban nhạc metal có thâm niên nhất ở Ấn Độ.

Cả 4 thành viên của ban nhạc đều là những người đàn ông có gia đình. Waghmode nói rằng đã nhận thức rõ hơn về những mối hiểm nguy luôn rình rập phụ nữ Ấn Độ, sau khi con gái của anh chào đời. "Chính phủ chưa có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ phụ nữ” - Waghmode chia sẻ. Anh cũng đánh giá căn nguyên của tình trạng này xuất phát từ việc xã hội “thiếu các giá trị đạo đức cơ bản bên cạnh hoạt động giáo dục giới tính".

Đây cũng là nhận định của cây bút âm nhạc nổi tiếng Ấn Độ Ankit Sinha: "Một xã hội không thể tiến bộ cho tới khi các cá nhân hình thành nên xã hội đó đều được giáo dục về giới tính. Tình trạng trọng nam khinh nữ và bất bình đẳng về giới đã phổ biến ở Ấn Độ từ thời xa xưa. Thật xấu hổ khi một quốc gia được xem là nước lớn về kinh tế nhưng vẫn không biết làm thế nào để đối xử tốt và tôn trọng phụ nữ”.

Việt Lâm (theo The Atlantic)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›