Nhạc kịch của học sinh Hà Nội lên sân khấu lớn

Thứ Bảy, 22/08/2015 12:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên một vở nhạc kịch hoàn toàn do các học sinh trung học Hà Nội dàn dựng được công diễn chính thức có bán vé trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Không dưng lại ở buổi diễn ra mắt (hôm 14/8) phiên bản “remake” của vở nhạc kịch này sẽ tiếp tục công diễn tối 21/8 để đáp ứng nhu cầu của khán giả trẻ.

Họa, tên vở diễn lấy cảm hứng từ bộ phim The Painting (Le Tableau) của Pháp với bối cảnh là cuộc sống trong những bức họa, những phận người, những “tai họa”.

Tuy nhiên kịch bản cùng các chi tiết đều do các học sinh xuất thân từ dự án G’lams 2015 đến từ Thôn nghệ thuật (với sự hợp tác của 4 CLB nghệ thuật mạnh nhất Trường THPT Hà Nội - Amsterdam: Âm nhạc, vũ đạo, nhiếp ảnh, thời trang) nghĩ ra.

Các bạn trẻ tự tổ chức mọi khâu sản xuất, công diễn, kể cả kiểm soát vé và trước ngày công diễn cả tháng, 600 ghế ngồi tại Nhà hát Tuổi trẻ đã được bán hết chỉ sau 3 tiếng đồng hồ!

Nhiều vai diễn ấn tượng...

Vở kịch mở đầu và kết thúc với người dẫn chuyện trong trang phục ma mị thoắt ẩn, thoát hiện trên sân khấu qua những câu hát ru... Với biệt tài của mình, người kể chuyện đưa khán giả đến một ngôi làng hỗn độn có ông họa sĩ già khao khát vẽ, khao khát sáng tạo, nhưng chẳng ai nhận ra. Túng thiếu, tuyệt vọng, ông quyết định thiêu đốt tất cả phác thảo của mình, chỉ để lại bức Ảo vọng.


Felicia khóc nức nở khi Anthonio chết...

Cô gái Felicia và chàng trai Athonio chạy trốn khỏi ngọn lửa đến sống trong bức tranh tuyệt mỹ Ảo vọng của ông họa sĩ. Tại nơi Ảo vọng, cuộc sống êm đềm, cả hai được công tử Williams cưu mang.

Felicia ngưỡng mộ Williams, nhưng công tử này sắp cưới tiểu thư Hailey. Không từ bỏ, Felicia lợi dụng tình cảm của Athonio hãm hại người vô tội, khiến chàng trai si tình Anthonio phải chết.

Họa đã để lại trong khán giả những cảm xúc, những ký ức không thể quên về một câu chuyện tình buồn... Còn bức tranh Ảo vọng được phát hiện đem đến bảo tàng danh tiếng. Nhưng rút cuộc, sống trong Ảo vọng có đem lại cho người ta hạnh phúc?    

Suốt 2 tiếng đồng hồ diễn ra vở nhạc kịch là những tràng pháo tay tán thưởng liên tục. Ngoài những tình huống kịch tính trên sân khấu, lời thoại triết lý, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca khúc và vũ đạo. Để vở nhạc kịch hấp dẫn hơn, Nguyễn Vân Anh, chỉ đạo âm nhạc G’lams 2015, còn tự nghiên cứu, chuyển lời những bản nhạc jazz phù hợp ra tiếng Việt.

Lần đầu tiên trong đời làm diễn viên, lại đóng vai ma, La Tú Anh (12 Anh 1, Trường Amsterdam) bày tỏ: “Vai diễn này có phần tính cách của em ở ngoài đời. Thỉnh thoảng em cũng hay triết lý với chất điên như thế”.

Vài người bạn của Tú Anh, sau khi xem kịch về chia sẻ rằng lần đầu tiên trong đời “sợ một người em quen như xem phim kinh dị” bởi những điệu cười “đủ kiểu con đà điểu” trên sân khấu...

Đào Nhật Linh (lớp 11 Văn, Amsterdam) đóng vai Felicia, thì chia sẻ cảm giác làm diễn viên: “Đóng kịch là được sống một cuộc đời khác, được đắm chìm trong những suy tư, tâm sự, yêu ghét của các nhân vật.

Sau khi diễn xong em cảm thấy mình khá tiếc nuối vì vở kịch khép lại. Tuy nhiên em cũng rất vui khi một số người nói rằng: “Sao mày ác thế?”, bởi em đã lột tả được phần nào tính cách nhân vật đến khán giả”.

Khán giả cũng quá ấn tượng với vai Hailey (Phan Hà Anh Thơ, nữ sinh lớp 9, Trường Ngô Sỹ Liên, từng thi The Voice Kids 2014) hay Anthonio (Trịnh Quang Minh, 12 toán 2). Nhiều fan lập ngay fan club, vẽ tranh tặng nhân vật, hay mong muốn “Anthonio không được chết!”.

Đổi nghỉ Hè lấy nhạc kịch!

Đỗ Đức Sơn - Trưởng ban truyền thông G’lams 2015 cho biết: “Hàng năm, cứ vào Hè, học sinh Trường Amsterdam chúng em lại tổ chức làm nhạc kịch. Năm 2014, vở nhạc kịch Emily (Cô dâu ma) đã công diễn thành công tại L’Espace (24, Tràng Tiền, Hà Nội). Để chuẩn bị cho vở nhạc kịch năm nay, chúng em đã lên kế hoạch tập luyện kéo dài suốt 3 tháng Hè sau khi tuyển diễn viên”.


La Tú Anh với vai người dẫn chuyện trên sân khấu

“Chúng em tuy chỉ là những học sinh cấp 3, nhưng cũng may mắn là có điều kiện được tiếp xúc với Internet, với văn hóa thế giới nhiều hơn. Nhạc kịch chính là thứ chúng em đam mê và theo đuổi để phát triển tài năng. Sự chuyên nghiệp, niềm đam mê và sự hoành tráng của một vở nhạc kịch Broadway đem lại cho các khán giả Mỹ chính là động lực để chúng em mang thể loại này tới khán giả Việt Nam” - Sơn nói.

“Chúng em nghĩ rằng xã hội bây giờ người ta quá quan trọng vào việc phân biệt đối xử về giàu nghèo, màu da... nên chính cuộc sống trong những bức tranh (phân biệt giai cấp bằng số màu sắc có trên người) là điều tuyệt vời nhất để gửi gắm thông điệp.

Và các bạn trẻ bây giờ cũng hay để tâm vào những thứ hào nhoáng, thứ ngoại hình xa vời mà không quan tâm đến những gì thật nhất, chân chất nhất, thực sự có ý nghĩa với mình nhất” - Sơn chia sẻ thêm.

Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu hình thành vở nhạc kịch, sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ chính là sự lựa chọn lý tưởng và duy nhất đối với G’lams 2015, bởi chỉ cần tưởng tượng ra kịch bản của mình được tái hiện tại đây, các bạn trẻ đã cảm thấy hạnh phúc và càng gắng sức.

Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ rất rộng, sâu, đẹp, đủ để cho những diễn viên và vũ công thỏa sức thả mình cùng nghệ thuật, đồng thời, khán giả sẽ không phải bỏ lỡ bất kỳ một chi tiết dù là nhỏ nhất.

Được Nhà hát Tuổi trẻ bảo lãnh về “giấy phép”!

Với vé VIP chỉ 80 ngàn đồng, vé thường 60 ngàn, dù bán hết cả 600 vé, Đỗ Đức Sơn thú thực rằng, số tiền thu được từ bán vé chẳng đủ để chi phí cho 3 tháng tập luyện. Nhưng nhờ nguồn tài trợ từ các công ty, các nhà hảo tâm... mà ban tài chính của G’lams đã đủ kinh phí, không cần sự giúp đỡ của bố mẹ hay nhà trường.

Hơn nữa, Ban giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ sau khi xem tổng duyệt vở nhạc kịch đã đảm bảo ngay khâu “giấy phép”, sẵn sàng hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, âm thanh, ánh sáng,... trong mấy ngày tập luyện, đồng thời giảm 50% số tiền thuê địa điểm 2 đêm công diễn.

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Nhà hát tôn trọng những ý tưởng mà các em học sinh mất nhiều công sức để sáng tạo ra. Các em đã rất nhiệt huyết, dấn thân, đam mê, nỗ lực tới 200% khả năng của chính mình để tạo ra một vở nhạc kịch đáng xem.

Dù công diễn, bán vé nhưng vẫn mang tính nội bộ với các em học sinh chứ không phải với tất cả khán giả. Gần đây người ta nói rằng sân khấu không có khán giả, nhưng với sự nhiệt huyết đam mê của các em học sinh, trong tương lai sân khấu sẽ tìm được chỗ đứng lâu hơn, bền hơn trong lòng khán giả trẻ”.

Theo ông Trương Nhuận, nhạc kịch từng được đạo diễn trẻ 9X Nguyễn Phi Phi Anh mang về Hà Nội với Góc phố danh vọng, “tuy nhiên, những thử nghiệm, tâm huyết, của học sinh Hà Nội qua vở nhạc kịch Họa đã làm tôi trân trọng, nể phục, bởi các em khá mạnh dạn dạn xông lên, tự làm chương trình cho mình, không chờ “người lớn” tìm show về cho xem”.

Họa sẽ có thêm buổi diễn thứ 2 bởi “có quá nhiều bạn muốn đi xem mà không được đi” - Đỗ Đức Sơn giải thích: “Chúng em dành cả mùa Hè khổ luyện mà chỉ biểu diễn 1 đêm cho 600 người xem thì hơi phí.

Hơn nữa, được khán giả ủng hộ, chúng em cũng muốn mở rộng hình ảnh của nhạc kịch, mở rộng hình ảnh của các học sinh Hà Nội năng động, sáng tạo, tự tin, đam mê nghệ thuật, nên buổi diễn thứ 2 là rất cần thiết”.

An Như
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›