Nhạc sĩ Nguyễn Cường: 'Giọng ca Y Moan là sự bí hiểm của tạo hóa'

Thứ Tư, 11/11/2015 11:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của giọng ca đại ngàn Y Moan, ngày 14/11, tại Nhà hát Hòa Bình (TP. HCM) sẽ diễn ra đêm nhạc Y Moan - Huyền thoại cao nguyên.

Nhân dịp này Thể thao & Văn hóa trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Cường, người đã phát hiện và đưa Y Moan lên đỉnh cao. Với ông, sự ra đi của Y Moan vẫn để lại một khoảng trống lớn.

Không ai có thể thay thế khoảng trống Y Moan để lại

* Đã tròn 5 năm kể từ khi ca sĩ Y Moan qua đời. Trong 5 năm qua, ông có thấy thị trường trống vắng một giọng ca Tây Nguyên có ảnh hưởng?

- Sự cống hiến của Y Moan đã được ghi nhận bằng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân. Nhưng không phải vì thế mà khi Y Moan mất đi thì âm nhạc Tây Nguyên nói chung hay dân tộc Ê Đê nói riêng sẽ tìm được một nghệ sĩ khác thay thế. Tôi thấy ở đó người ta vẫn cảm thấy một điều gì đó rất trống vắng. Bởi một điều rất đơn giản, chưa ai có thể thay thế được giọng ca Y Moan.


Cố NSND Y Moan

* Như vậy khoảng trống mà Y Moan để lại là vẫn rất lớn?

- Đúng vậy, quá lớn. Bởi vì đó là một giọng ca không phải là trời phú mà là cả một nền văn hóa Tây Nguyên nó hun đúc nên, giống như một ngọn lửa phun trào. Giọng ca ấy không phải do rèn luyện mà là hoàn toàn giọng ca Y Moan được cả nền văn hóa ấy chọn lựa. Đó chính là giọng ca của tâm hồn Tây Nguyên.

* Sẽ còn rất lâu mới tìm được một người như Y Moan?

- Đương nhiên. Hôm đám tang Y Moan 5 năm trước tôi đã phát biểu “100 năm trước chưa có, 100 năm sau chắc gì đã có lại giọng ca như thế”. Đó là mất mát rất lớn, là một huyền thoại Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên có 3 huyền thoại: cồng chiêng, anh hùng Núp, người còn lại là Y Moan. Nếu âm nhạc Tây Nguyên đi được vào lòng công chúng thì Y Moan chính là người mở đường. Điều ấy giờ không thể lặp lại được nữa.

* Nhưng người mở đường ấy sẽ không thể tìm thấy lối nếu như không có ông?

- Y Moan là một tinh hoa của văn hóa Tây Nguyên, Siu Black cũng vậy. Bản thân tôi là đứa con của văn minh đô thị và sự gặp gỡ nhau là một quá trình tất yếu của cái gọi là thống nhất các nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, một sự thống nhất trong đa dạng. Đó là con đường tất yếu, thế nào cũng phải xảy ra. Không là tôi thì một người khác cũng sẽ làm công việc ấy.  

Với bản thân tôi, thì đây là một cơ duyên. Vì trong hơn 50 dân tộc thiểu số có những truyền thống văn hóa, có bề dày nền dân ca ghê gớm nhưng đâu có dân tộc nào như Ê Đê có được Y Moan? Tôi cho rằng đó là sự bí hiểm của tạo hóa.


Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Giống như Trịnh Công Sơn phải có Khánh Ly

* Vậy cơ duyên giữa ông và Y Moan bắt đầu từ thời điểm nào?

- Năm 1981 tôi vào Tây Nguyên lần đầu tiên và đến ngày thứ 4 thì tôi gặp Y Moan. Nhưng phải đến năm 1984 thì lúc đó Y Moan và tôi mới có sự cộng tác chặt chẽ và thăng hoa đặc biệt. Đó là chính là khi Y Moan lần đầu tiên hát bài Ơi, M’Drak của tôi.

Trước đó tôi đã viết nhiều bài về Tây Nguyên nhưng chưa ai “nhập” vào âm nhạc của tôi được chỉ đến khi Y Moan hát bài này thì tôi hiểu rằng mình đã tìm được tri kỷ. Sau đó, Y Moan đã “nhập” vào hát các ca khúc trước đó và sau này của tôi. Tôi hạnh phúc vì điều đó.

Bài Ơi, M’Drak sáng tác đơn giản nhưng khó hát ra thần thái. Khi tôi đưa bài này cho Y Moan thì tôi vẫn chưa tin và còn nói rằng “nửa tháng sau mà không hát được thì trả lại nhé”. Đúng một tuần sau, Y Moan trở lại và hát, lúc đó tôi lặng đi và nghĩ rằng đây là bài của Y Moan chứ không phải của tôi nữa.

Không ai có thể chạm tới thần thái bài ấy được, ngoài Y Moan. Và từ đấy những sáng tác khác của tôi như Em muốn sống bên anh trọn đời, Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk, H’ren lên rẫy, Ly café Ban Mê… một mình Y Moan chiếm giữ.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Y Moan xứng đáng giải Thành tựu trọn đời

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Y Moan xứng đáng giải Thành tựu trọn đời

Vừa trở về từ Myanmar, nhạc sĩ Nguyễn Cương trả lời TT&VH xung quanh Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, về Y Moan - ca sĩ định mệnh của đời ông.


* Nguyễn Cường đưa Y Moan bay cao, vậy còn chiều ngược lại?

- Tôi nghĩ đây là một sự tung hứng, giữa ca sĩ và nhạc sĩ. Chúng ta không thể nói có người này thì mới có người kia mà cả hai cùng tan vào. Giống như Trịnh Công Sơn phải có Khánh Ly vậy. Tôi luôn tin có những trường hợp như vậy, giữa ca sĩ và nhạc sĩ gắn bó với nhau đến mức không biết ai đã làm gì cho ai. Tôi may mắn có cả hai người, Y Moan và Siu Black, họ như 2 cái cánh của tôi vậy.

* Ông và Y Moan gắn bó đến mức từng cắt máu ăn thề anh em?

- Không phải là anh em mà là thầy trò. Năm 1981 khi đến Tây Nguyên thì tôi viết bài Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk, khi viết xong thì cho Y Moan nghe. Nghe xong thì Y Moan lấy ra một chén rượu và một con dao cắt máu vào tay và nhỏ xuống rượu uống thề.

Y Moan nói “Thầy là người đầu tiên phát triển và đưa được chất dân ca Ê Đê vào một vẻ đẹp như vậy. Tôi muốn là học trò của thầy và ly rượu này sẽ chứng giám”. Nhưng chúng tôi còn hơn cả thầy trò, hơn 30 năm trôi qua, chúng tôi là tri kỷ, cả trong cuộc sống lẫn âm nhạc.

* Cảm ơn nhạc sĩ.


Giải Âm nhạc Cống hiến lần 5 - 2010 cố NSND Y Moan đã nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời cho những cống hiến của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Con trai cố NSND Y Moan là người lên sân khấu nhận thay cha.


Đêm nhạc Sol Vàng, chủ đề Y Moan - Huyền thoại cao nguyên sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 14/11 tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), truyền hình trực tiếp trên VTV9. Trong đêm nhạc này già làng K'blin và nhạc sĩ Nguyễn Cường sẽ hồi tưởng, chia sẻ đến khán giả những câu chuyện, ký ức của mình về người con đại ngàn.

Ca sĩ trong chương trình này sẽ gồm 2 người con trai của Y Moan: Y Vol và Y Garia cùng những giọng hát Tây nguyên như: Siu Black, Y Zak Arun, Rođamic, Y Soan, H’Zina Bya, Đình Nguyên, Mai Trang, Hà My… và đội chiêng Ê Đê.

Nguyên Minh (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›