Nhạc sĩ Nguyễn Cường "Nổi trống Lạc Hồng"

Thứ Hai, 11/10/2010 13:00 GMT+7

Google News
(TT&VH) - 20 giờ đêm ngày 10/10, đã diễn ra đêm nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội - Thành phố Rồng bay, khép lại 10 ngày Đại lễ. Tại đây, hợp xướng Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng của nhạc sỹ Nguyễn Cường lần đầu tiên đã vang lên mãnh liệt trước hàng ngàn người trong Sân vận động Mỹ Đình cũng như trước hàng triệu người theo dõi qua truyền hình trực tiếp.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội


Nhạc sỹ Nguyễn Cường

1.Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng được thể hiện dưới hình thức hợp xướng acappella không nhạc đệm trên nền hát xoan Phú Thọ với khoảng 400 diễn viên tham gia biểu diễn, và kéo dài chỉ trong vòng 10 phút. Như vậy, có thể nói vui là từ sáng tác cho đến trình diễn chính thức, dường như thời gian là cái gì đó rất ngắn ngủi đối với nhạc sĩ Nguyễn Cường: Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng được hoàn thành với tốc độ nhanh “kỉ lục”, chỉ hơn 1 tháng, còn trình diễn thì chỉ trong vòng 10 phút.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết: “Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng là một bản hùng ca cùng với trống đồng thể hiện sự mạnh mẽ, ầm ào khí phách của ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, của đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, của một Điện Biên Phủ trên không hào hùng... “Diệu kỳ thay giữa tiếng trống đồng, các vua Hùng đã hòa cùng cháu con về đây... Cùng theo mẹ lên núi, cùng theo cha xuống biển, về đây về đây nòi giống Tiên, Rồng, hoa thơm từ rễ từ cành...”.

Lời hợp xướng ít, thời gian “xướng lên” hợp xướng ngắn, chỉ khoảng gấp đôi thời lượng 1 ca khúc thông thường nhưng đủ để nói, tất cả những gì tinh túy nhất của nòi giống Tiên, Rồng đều về đây mừng Đại lễ.

“Tôi đang “run”, đang rất hồi hộp và xúc động khi hợp xướng của mình được tấu lên chính thức lần đầu tiên - nhạc sĩ Nguyễn Cường bộc bạch - Tất cả tình yêu, những khát khao của tôi với cuộc đời này, với đất nước, với Thủ đô nơi tôi sinh ra và lớn lên được gửi đến mọi người”.  

2. Cần phải nhắc lại là để hợp xướng này ra mắt được công chúng, trong một sự kiện ngàn năm có một, công đầu tiên phải kể đến là đề xuất của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLSVN) về việc đúc 100 chiếc trống đồng để tham gia tiết mục “Nổi trống Lạc Hồng” chào mừng Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long. Nhưng nếu đúc trống ra chỉ để tặng rồi sau đó trưng bày trong bảo tàng như một linh khí thôi thì “giá trị” của trống mới chỉ đáp ứng được “thị hiếu thẩm mỹ” của công chúng. Nhằm phát huy được “công năng” trống đồng - thực sự là một nhạc khí - nên nhạc sĩ Nguyễn Cường đã “nghiên cứu” viết nên hợp xướng này để qua đó, thể hiện sự mãnh liệt, tinh thần “Sát Thát”, hào khí Đại Việt. Với hợp xướng này, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã được trao giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội - 2010 do báo TT&VH và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức. Còn nhớ, trong buổi trao giải này cho Nguyễn Cường, lần đầu tiên quan khách, phóng viên báo chí đã được thưởng thức âm hưởng hào hùng của hợp xướng qua bản demo chỉ thu với 20 người và phải dùng kỹ thuật thu chồng tiếng để tạo âm thanh lớn gấp 10 lần, vì thiếu kinh phí.  

3. Khi được hỏi, sau Đại lễ, ông có định ra đĩa hợp xướng này không, nhạc sĩ Nguyễn Cường cười vui vẻ: “Chưa nói trước được”. Chỉ biết sau đêm Đại lễ, ngày 17/10 hợp xướng này sẽ lại tiếp tục cất lên hào hùng trong buổi lễ trao tặng 100 chiếc trống đồng cho 63 tỉnh, thành phố và 37 tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu trong cả nước”.

Phạm Nguyễn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›