(TT&VH) - Trong cuộc gặp mặt báo chí tại trụ sở Hội nhạc sĩ Việt Nam (51, Trần Hưng Đạo, Hà Nội), ngày hôm qua (22/10) nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cất lên bài hát Hà Nội Điện Biên Phủ. Ca khúc này ông đã hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam gần 40 năm trước giữa tiếng bom B52 rầm trời của không lực Hoa Kỳ. Ông cũng chia sẻ thêm nhiều điều về ca khúc cũng như 12 ngày đêm khói lửa hào hùng của quân và dân Thủ đô.
TT&VH ghi lại những điều ông chia sẻ trong cuộc trò chuyện thân mật này. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể:
"Hà Nội… vẫn vang bản tình ca"
Hồi ấy, giới diều hâu Mỹ tuyên bố đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. 4h sáng ngày 19/12/1972, chúng ném bom Mễ Trì nơi đặt trạm phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ. Hôm sau chúng ném bom tiếp khu Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày không lực Hoa Kỳ bắt đầu đánh phá, tất cả dân Hà Nội được động viên đi sơ tán. Vợ con tôi, đài phát thanh cũng như các đoàn nghệ thuật cũng đều đi sơ tán cả. Tôi tình nguyện ở lại trực cùng vài anh em.
Nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ tại cuộc gặp gỡ
Sau cuộc ném bom 19/12, chúng tôi chuyển lên 58 Quán Sứ. Ngày 22/12, chúng ném bom ác liệt, nhà của tôi ở Đại La hôm ấy trúng bom: cây đàn piano tung lên, tủ sách bị thiêu rụi. Lúc đó tôi thấy mình như mất hết.
Hôm 23/12, tôi đạp xe từ Quán Sứ về Đại La để nhìn lại ngôi nhà tan hoang và tìm chút đồ đạc còn sót lại. Trên đường đi, tôi chứng kiến ga Hàng Cỏ, phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai hoang tàn xơ xác vì bom đạn quân thù. Lòng tôi trào dâng một cảm giác rất lạ: vừa đau thương mất mát vừa quá đỗi tự hào. Vì lúc đó, khi nhà cửa đổ tan, các gia đình đi sơ tán nhưng Khâm Thiên không nhà nào khóa cửa và tuyệt đối không có nạn trộm cắp, hôi của… Thay vào đó, dân Hà Nội tất bật dọn dẹp lại nhà phố ngăn nắp. Còn Bệnh viện Bạch Mai, các y tá, bác sĩ, bệnh nhân và người thân vẫn bình tĩnh xử lý các ca bệnh theo trình tự...
Sau đó về, bài đầu tôi viết ở căn hầm 58 Quán Sứ là Hà Nội những đêm không ngủ. Đó là một bài tình ca, nhớ vợ con là chính, song tôi rất tự hào: "Hà Nội đêm nay vẫn vang bài tình ca, Hà Nội anh hùng thủ đô của chúng ta…”. Bởi đi xe đạp qua phố Bà Triệu, những lúc không có còi báo động, tiếng hát vẫn ngân vang. Một Hà Nội bình yên sâu lắng đến lạ kỳ giữa mưa bom, bão lửa.
Khi tôi viết đoạn điệp khúc: "Ơi các chị các em, đang rời xa Hà Nội, có thấy chăng ánh đỏ rực hào quang trên thành phố của chúng ta”. Bởi ở các địa phương sơ tán, nhìn về Hà Nội, đêm nào cũng bừng sáng những ánh lửa.
"Câu trả lời của Hà Nội chúng ta"
Tuy nhiên, "mơ mộng" chẳng được bao lâu, đêm 26/12, máy bay Mỹ lại trút bom dữ dội Hà Nội. Sáng 27 giao ban, đồng chí Trần Lâm nói: "Quân ủy kiên quyết chống chiến tranh phá hoại của địch. Ta sẽ dành cho địch một Điện Biên Phủ trên không!". Giữa thời khắc ấy, chữ Điện Biên Phủ nghe sao nghẹn ngào. Ngay đêm đó, tôi ngồi trong hầm, hí hoáy bài Hà Nội Điện Biên Phủ. Âm điệu không du dương mà rất quyết liệt. Tôi muốn truyền tải ý chí mạnh mẽ của người Hà Nội chống kẻ thù bạo tàn xâm lược.
Trào nước mắt khi nghe bài hát Mùa Hè năm 1972 Quảng Trị chịu bao nhiêu bom thì tháng 12/1972 Hà Nội chịu ngần ấy bom. Và từ mùa Hè Quảng Trị tới mùa Đông Hà Nội, chúng ta liên tiếp đánh bại sự hung hãn của Đế quốc Mỹ. Cũng bởi sự đồng cảm này, nên khi chúng tôi nghe bài hát của anh Tuyên vang trên Đài Tiếng nói Việt Nam ở Quảng Trị hôm ấy, anh em lính Quảng Trị cùng trào nước mắt. Và giờ nghe lại tôi vẫn thấy nghẹn ngào. (Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo Thụy Kha)
Nên là: "Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? /Đâu chỉ vì non nước riêng này/Phất ngọn cờ sao chính nghĩa…” và câu cuối cùng là "Một Điện Biên sáng chói, Hà Nội ơ !". Sáng hôm sau, anh Trần Lâm hỏi, đêm qua làm gì hí hoáy cả đêm thế? Tôi mới hát cho anh nghe, sau khi nghe hát xong, anh bảo: "Sự quyết liệt này đúng là của Hà Nội Điện Biên Phủ trên không đấy. Cậu đem sang báo Nhân dân ngay!". Hôm đó, báo Nhân dân cũng sơ tán hết. Tôi gặp anh Thép Mới, anh Hữu Thọ. Nghe tôi hát bài này xong, hai anh rất tâm đắc và nói: "Báo Đảng phải đăng ca khúc này lập tức!". Nhưng đăng sao bây giờ? Bài hát là tôi chép tay. Sau đó, các đồng chí có yêu cầu tôi tìm gấp ai có chữ đẹp một chút để chép lại rồi gửi ngay cho báo để báo đăng. Tôi về nhờ nhạc sĩ Phan Nhân (người trực cùng tôi hôm đó) chép lại ca khúc. Và ngay ngày hôm sau, ngày 29/12, báo đăng bài Hà Nội Điện Biên Phủ.
Nhưng ca khúc chỉ thực sự có giá trị khi ngân vang thành âm thanh. Chiều 29/12, tuy anh em đoàn văn nghệ đã sơ tán hết song bốn người: tôi, anh Trần Thụ, anh Mạnh Hà và Hoàng Mạnh vẫn quyết thu bài hát để kịp truyền tải ý chí kiên cường của Hà Nội. Thế là Hoàng Mạnh đệm piano, 3 anh em chúng tôi đồng ca bài Hà Nội Điện Biên Phủ. Tối hôm đó, trong chương trình Tiếng hát về miền Nam, bên cạnh những bài thơ, Hà Nội Điện Biên Phủ ngân vang (nghe bài hát tại đây).
Có một điều đặc biệt, bài hát ngân vang khắp hai miền vào đêm 29 thì ngày 30, Mỹ xuống thang ném bom. Về sau tôi gặp Trần Long Ẩn và Tôn Thất Lập, các anh nói: Nghe Hà Nội vừa chống B52 vừa cất vang tiếng hát, chúng tôi tin rằng dứt khoát Mỹ phải thua.
Khi sống trong những giờ phút như thế, ta mới thấy âm nhạc là sợi giây tình cảm kết nối con người tạo thành sức mạnh rất lớn. Trong thời bình ngày nay, âm nhạc có chức năng giải trí là đương nhiên. Song việc âm nhạc pha tạp và lai căng quá nhiều đang là điều mà tôi cũng như các đồng nghiệp rất trăn trở.