Song, trong Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013, John Ramsden, nguyên Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, không thể tới nhận giải vì còn mải mê mang những hình ảnh Hà Nội đi triển lãm bên trời Tây. Còn Quang Phùng thì chậm rãi lên bục nhận Giải thưởng Lớn. Sau “cuộc hẹn” lỡ dở ấy, những tưởng họ không bao giờ gặp nhau. Nhưng tình yêu luôn chứa đựng những điều bất ngờ, nhất lại là tình yêu Hà Nội.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng (bìa phải) gặp John Ramsden trong ngày cuối triển lãm
Những người cô độc yêu thương
Không biết bao nhiêu lần tôi ghé qua ngôi nhà số 32, ngõ Hạ Hồi (Hà Nội) ấy. Ngôi nhà mang dáng dấp của biệt thự Pháp cổ với những tán cây cao và nhiều tiếng chim. Phòng của vợ chồng Quang Phùng nằm ở một góc bé xíu, bên cạnh biệt thự.
Quang Phùng kể: Nhà tôi trước ở Hàng Gai, song sau những năm tháng bể dâu, giờ vợ chồng tôi chọn ở đây. Bởi ít nhiều, khu nhà vẫn chứa đựng những nét thanh bình và mộng mơ của Hà Nội xưa. Quang Phùng yêu tất cả những gì liên quan tới Hà Nội xưa và sẵn sàng làm mọi thứ để níu giữ nó. Ông lão yêu cuồng si một Hà Nội rất đỗi bình dị, đời thường, đôi khi còn lấm lem. Còn John Ramsden (người mà Quang Phùng đã gọi là tri âm sau cuộc hạnh ngộ vừa qua) thì ngược lại. Ông yêu Hà Nội đầy lý trí khi tỉ mỉ ghi lại những hình ảnh đặc trưng về Hà Nội.
Ngay khi nhận sứ mệnh công tác tại Việt Nam, John đã chọn nhiếp ảnh là cách để ông khám phá xứ sở xa lạ. John cho hay: “Đầu thập niên 80, ảnh màu cũng đã khá phát triển ở phương Tây. Nhưng với những tay máy không chuyên, tỉ lệ chụp hỏng là rất cao. Suy đi, tính lại, tôi quyết định chọn ảnh đen trắng”.
Khi hoàn thiện bộ ảnh gồm 1.700 tấm trong 75 cuộn phim sau 3 năm công tác, John cũng cân nhắc rất kỹ khi chọn những hình để đưa Hà Nội ra thế giới. Trong lúc bày ảnh tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài trước giờ triển lãm vào tháng 11 vừa rồi, John tâm sự: “Tại triển lãm ở châu Âu, tôi thường chọn những hình ảnh về làng quê, chùa chiền, lễ hội để người xem thấy được sự quyến rũ của một thành phố phương Đông với trầm tích nghìn năm. Còn trở lại Hà Nội, tôi tập trung nhiều hơn vào đời sống của người Hà Thành thời bao cấp. Tôi tin, hấp lực từ quá khứ sẽ khiến người Hà Nội nhớ về những tháng ngày xưa cũ”.
John Ramsden và Quang Phùng yêu và cống hiến bằng hai tâm thế hoàn toàn khác nhau. Nhưng sự hi sinh cho tình yêu Hà Nội của hai người đều không có giới hạn. John dành trọn 3 năm công tác, lặng thầm chụp ảnh ở một xứ sở xa lạ, nơi chẳng mấy người nói được tiếng Anh. John coi nhiếp ảnh như một thứ ngôn ngữ giao tiếp. Ông chụp để khám phá. Chụp để trò chuyện với thành phố. Chụp để khỏa lấp tháng ngày cô đơn. Cô đơn trong tình yêu sâu thẳm. Sau đó, ông dành tiếp 30 năm của cuộc đời, đi khắp các nhà triển lãm để cả thế giới thấy nét duyên của Hà Nội.
Còn Quang Phùng lầm lũi nửa thế kỷ khắp những ngõ ngách Hà Nội. Cậu học sinh bỏ học theo Việt Minh, cầm máy mà tay run lên vì hạnh phúc khi đoàn quân giải phóng tiến về Hà Nội ngày nào, giờ vẫn tay chống gậy, chậm rãi đi và chụp giữa dòng xe nườm nượp mỗi ngày. Hơn 5 thập kỷ, Hà Nội thay đổi mọi mặt. Duy có tình yêu của người trai phố cổ dành cho Thủ đô là son sắt. Và chừng nào đôi chân chưa mỏi, chừng đó, ông còn độc hành với tình yêu si mê của mình.
Những hình ảnh John Ramsden chụp Hà Nội những năm 80 của thế kỷ 20. Ảnh Hanoi- Spirit of place.
“Hội tụ những tình yêu Hà Nội”
Hai thế giới xa xôi mà gần gụi ấy đã gặp nhau trong triển lãm của John Ramsden diễn ra hồi trung tuần tháng 10 năm 2013. Trong ngày khai mạc triển lãm John Ramsden và Hà Nội - Mảnh đất hóa tâm hồn, bà Trương Lê Kim Hoa, Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng BTC Giải thưởng “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội” tiết lộ: Năm 2014, nhân dịp 60 năm Giải phóng Thủ đô, báo Thể thao & Văn hóa sẽ nâng Giải thưởng lên một tầm cao mới với ý tưởng tổ chức chương trình mang tên “Hội tụ những tình yêu Hà Nội”. Và “những tình yêu Hà Nội” đã “hội tụ” tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài vào ngày John Ramsden mở triển lãm. Lần lượt những chủ nhân của giải thưởng “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội” như: ông Oliver Tessier (Giải Việc làm- Vì tình yêu Hà Nội 2012), ông Nguyễn Khắc Lợi (Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, đơn vị nhận giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội 2013)... và đặc biệt là sự hội ngộ giữa John Ramsden (Giải Tác phẩm – Vì Tình yêu Hà Nội 2013) và NSNA đường phố Quang Phùng (Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2013).
“Nghe nhiều, đọc nhiều về John, tôi thấy chúng tôi tương đồng nhiều mà chưa có cơ hội gặp. Nên khi biết tin John mở triển lãm ảnh Hà Nội, tôi đã định có mặt ngay ngày khai mạc. Nhưng do bệnh người già, suốt những ngày triển lãm diễn ra, chân tôi gần như không thể di chuyển. Đến ngày cuối của triển lãm, dù đi lại rất đau đớn song tôi cũng cố bằng mọi giá để đến với triển lãm của John”- NSNA Quang Phùng nói.
Những hình ảnh John Ramsden chụp Hà Nội những năm 80 của thế kỷ 20. Ảnh Hanoi- Spirit of place.
John Ramsden kể lại giây phút hội ngộ: Lúc đó, gần kết thúc triển lãm, mọi người đã rậm rịch chuẩn bị đóng cửa và gói ghém ảnh. Tôi đang trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình, thì một ông lão chống gậy bước tới. Lúc đầu tôi không nhận ra Quang Phùng, song thấy sự di chuyển khó nhọc của ông lão vào giờ chót của triển lãm, tôi cảm động vô cùng. Tôi đã xin phép ngừng trả lời phỏng vấn và ra đỡ ông cụ bước lên bậc thềm nhà triển lãm”.
Và khi biết ông là NSNA Quang Phùng, người cùng nhận giải “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội 2013” với mình, John Ramsden dành trọn những giờ phút cuối của triển lãm để trò chuyện với NSNA Quang Phùng. Họ nói về Hà Nội; về người bạn chung- danh họa Bùi Xuân Phái; về quan hệ Việt - Anh; về máy ảnh Leica (chiếc máy Quang Phùng dùng để chụp ảnh Hà Nội đương đại), về máy Kodak (loại máy mà John Ramsden dùng để chụp ảnh Hà Nội những năm 1980)...
Quang Phùng kể: “Đây là lần gặp mặt đầu tiên song chúng tôi thấy như tìm lại một người tri kỷ từ lâu. Chúng tôi cùng xem ảnh Hà Nội, trò chuyện tới tối mịt. Tôi chào về mấy lần mà cả hai cứ cuốn theo đủ thứ chuyện không về được”.
Vì lịch bay của John quá gấp nên ông không kịp qua nhà xem ảnh của Quang Phùng chụp Hà Nội suốt gần 50 năm. Nhưng John hứa ông sẽ trở lại và khi ấy, họ sẽ có nhiều thời gian hơn. Triển lãm “John Ramsden và Hà Nội” kết thúc, John cùng cộng sự bay về London để chuẩn bị cho những triển lãm khác về bộ ảnh Hà Nội những năm 80 của thế kỷ 20. Quang Phùng lại âm thầm chụp ảnh và chuẩn bị cho tủ sách ảnh “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội”.
Và họ sẽ đợi chờ ngày trở về để lại gặp nhau ở “Hà Nội- mảnh đất hóa tâm hồn”.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ