(Thethaovanhoa.vn) - Với lượng phim chiếu rạp trong năm 2015, NSƯT Kim Xuân thuộc diện “vô đối thủ”, mà vai nào ra vai nấy, chứ không phải vai khách mời “đi ngang” màn ảnh. Còn với phim truyền hình, khoảng 5 năm trở lại đây, nữ nghệ sĩ gạo cội này cũng phủ sóng đều khắp, có nhiều lúc vào giờ vàng phim Việt, chị xuất hiện trên 3-4 kênh cùng lúc.
- NSƯT Kim Xuân “rắc rối” chuyện làm dâu
- NSƯT Kim Xuân hài lòng với những gì đang có
- NSƯT Kim Xuân: Đi học võ để đóng phim!
NSƯT Kim Xuân có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa.
* Dustin Nguyễn kể rằng năm 2008, khi tham gia phim Huyền thoại bất tử (ĐD: Lưu Huỳnh), anh đã có ước muốn sau này làm đạo diễn hoặc sản xuất sẽ mời chị đóng phim. Nay thì ước muốn đó đã thành hiện thực, với hai phim Trúng số và Bao giờ có yêu nhau. Mà không chỉ có Dustin Nguyễn bị “tiếng sét” như vậy. Chị đã tạo ra sức hút diễn xuất đó như thế nào?
- Nói có thể bạn không tin, chứ tôi chẳng có sẵn sức hút hoặc cố tình tạo ra sức ảnh hưởng gì đâu, mọi việc khá tự nhiên. Nhưng có điều chắc chắn, khi đọc một kịch bản, tôi phải thấy sức hút từ nội dung và vai diễn thì mới nhận lời, mà khi đã nhận thì cố gắng nhập vai hết sức, để làm sao tạo cảm hứng cho chính mình ở phim trường.
Tôi cho rằng đời diễn viên có rất ít cơ hội hợp vai như khuôn, vì chuyện “đo ni đóng giày” chỉ đến với mình một hai lần, còn đa phần thì phải nhập vai để hợp vai, để hóa thân. Về việc có những đạo diễn và bạn diễn thích làm việc với tôi, chắc có lẽ họ chia sẻ được suy nghĩ này trong công việc.
Dù đứng trên sân khấu hay phim trường đã nhiều năm, nhưng trước giờ công diễn kịch hoặc công chiếu phim, lúc nào tôi cũng hồi hộp, phấn chấn, toát mồ hôi y như lúc mới vào nghề. Cảm xúc ấy chưa bị lấn lướt bởi kinh nghiệm và tuổi tác. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ nghĩ công việc diễn xuất là “dạo chơi”, là “thử sức”…, mà phải là tâm huyết, nghiệp dĩ.
* Năm 2015 chị tham gia đến 6 phim chiếu rạp, chưa tính các công việc khác cho truyền hình, lồng tiếng, và gần đây chị còn đi tập kịch để diễn Tết nữa. Có ý kiến đồn đoán rằng các nhà sản xuất phải tự thỏa thuận lịch quay với nhau để được chị gật đầu. Thực hư chuyện này thế nào?
- Không có đâu bạn ơi. Tôi chỉ là diễn viên bình thường, nhưng có chút may mắn, nên lịch quay vô tình trùng hợp với lịch làm việc của bản thân thôi. Năm 2014, ngoài phim Lật mặt (ĐD: Lý Hải), tôi chỉ quay hai phim truyền hình Giọt lệ bên sông (ĐD: Hoàng Tuấn Cường, 34 tập) và Ải trần gian (ĐD: Bùi Ngọc Phương Nam, 32 tập), mấy phim khác mời đâu dám nhận. Mấy năm nay tạm rời xa kịch nói, vì bận quá, lên sân khấu mà không đủ sức lực thì tệ lắm, bởi làm gì cũng phải tập trung.
Năm 2015 tôi nhận lời với phim chiếu rạp là phải từ chối gần hết phim truyền hình đó thôi. Mình phải cân đối và chọn lựa, chứ tài sức có hạn, “cày” quá sẽ hóa rồ, chẳng vai nào ra vai nào thì mỗi năm có đóng 10 phim cũng không có ý nghĩa gì. Còn việc khán giả hay nhìn thấy tôi trên truyền hình là vì nhiều phim phát đi phát lại.
* Với thái độ làm việc và sự chọn lựa như vậy, chị nghĩ mình đã có được mấy vai diễn để đời?
- Tôi thấy mình chưa cần suy nghĩ về điều đó, mà chẳng hiểu lý do vì sao. Tôi chỉ có ước muốn kiếm tìm những vai diễn mà lúc diễn cảm thấy hấp dẫn, thú vị, như vậy là đủ rồi.
Nhìn ra bên ngoài, tôi thấy những ngôi sao gạo cội mà đôi khi 10 năm mới có một vai diễn hay, chứng tỏ nghề diễn khắc nghiệt lắm, chẳng thể mơ mộng viển vông. Tôi chuyên tâm và chọn lựa chỉ vì muốn làm tốt công việc ở hiện tại. Khi một diễn viên tập trung và làm tốt công việc của mình, niềm vui sẽ đến với người đó, rồi lan tỏa sang những người làm việc chung.
* Nếu để ý sẽ thấy 5-7 năm gần đây thì phim mới là “bào ngư, vi cá” của chị, hiện vẫn rất đắt sô, vậy tại sao chị vẫn quyết định quay trở lại với sân khấu kịch - một “bữa cơm” đạm bạc?
- Nếu nói về giấc mơ, tôi vẫn ước mơ cuối đời mình vẫn là diễn viên có vai diễn, sân khấu hoặc phim đều được. 19 tuổi tôi đã có vai chính trên sân khấu, một bất ngờ hơn cả giấc mơ, nên dù có quay cuồng với công việc mưu sinh bên ngoài, chỉ 1-2 năm là thấy nhớ sân khấu da diết.
Trên sân khấu, nếu diễn viên quăng được sợi dây cảm hứng mà khán giả bắt được, lúc ấy trò kéo co cân sức sẽ diễn ra, cảm giác giằng co đó không gì thay thế được. Nếu không làm được điều này thì sân khấu có là “thuốc trường sinh” cũng chẳng còn gì hấp dẫn.
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags