NSƯT Ngọc Hiệp: Kinh doanh điện ảnh là cuộc chơi của người chuyên nghiệp

Thứ Hai, 24/03/2014 08:00 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh câu chuyện được - thua, sống - chết của các bộ phim chiếu rạp, TT&VH có cuộc trò chuyện với NSƯT Ngọc Hiệp, Giám đốc hãng Phim Việt, nhà sản xuất có nhiều kinh nghiệm với những bộ phim của hãng Phim Việt và BHD.

NSƯT Ngọc Hiệp đã từng lăn lộn trong thị trường điện ảnh Việt Nam kể từ khi ngành này mới hồi sinh vào đầu những năm 2000 và đã có những thành công nhất định. Chị chia sẻ:

- Điện ảnh là mảnh đất được cho là cực kỳ màu mỡ nhưng cũng rất khó khai phá và rất nhiều thách thức lớn. Nhiều hãng phim tư nhân mới mẻ tham gia thị trường liên tục gặp khó khăn và đôi lúc phải dừng hoạt động do rất nhiều yếu tố về kinh nghiệm, kinh phí, hội nhập… Là nhà sản xuất, tôi lập ra một công thức của riêng mình: Kế hoạch cụ thể + Chung tay hành động + Hành động cụ thể = Sản phẩm được ra trình làng là tác phẩm của thương hiệu.

Tuy nhiên, muốn phim Việt thành công ở ngay chính sân nhà thì còn là một bài toán đối với các nhà sản xuất, nhà phát hành, đơn vị phân phối và cộng đồng người xem Việt. Có thể thấy, người Việt không thiếu ý tưởng độc đáo cũng như mới lạ, cái bị thiếu là một sự hợp tác đắc lực cũng như sự cạnh tranh về chất lượng của các nhà sản xuất, nhà phát hành để cung cấp công cụ cần thiết giúp ý tưởng bay cao, sản phẩm bay xa hơn. Nếu biết cách bắt tay nhau, người Việt sẽ sớm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường điện ảnh Việt và thế giới.

* Chị đánh giá cơ may thành công và khả năng thất bại trong việc sản xuất một bộ phim chiếu rạp ra sao?

- Sản xuất một bộ phim thì cơ may của việc thành công rất bấp bênh, thường điện ảnh Việt chỉ biết tạo cơ hội mập mờ, trông chờ vào doanh thu phòng vé và không đoán trước được kết quả. Khả năng thất bại luôn cao hơn xác suất thành công. Do đó các nhà sản xuất sẽ cố gắng giảm "sốc" từ thất bại bằng cách chung tay góp nhỏ phần hùn vốn để khả năng thất bại cũng giảm thiểu và khả năng tái tạo sản xuất cho dự án tiếp theo khả thi. Dĩ nhiên những dự án lớn gặp rất nhiều nguy cơ thất bại rình rập và thời cơ để tạo dựng dự án mới rất khó.

Đây là cuộc chơi của những người chuyên nghiệp, có khả năng phán đoán thiên tài, và có thể đánh giá mức độ thành công từ khi còn trên kịch bản giấy. Nếu như nghiệp dư thì sẽ trả giá rất tồi tệ cho việc phá sản dự án và không có cơ hội tái đầu tư. Nếu nhà sản xuất là những người đang học hỏi để trở nên chuyên nghiệp thì giá phải trả là rất nhiều bài học lớn. Thực tế là một số nhà đầu tư đã trắng tay khi làm dự án đầu tiên và không còn cơ hội tiếp theo. Nếu có cố cầm cự thêm vài dự án thì cũng chết theo nó cùng sự phá sản, nợ nần…

* Những chuyện bất thường, rủi ro trong sản xuất phim có thường xảy ra không? Xin chị cho một ví dụ cụ thể về một dự án điện ảnh bất kỳ mà BHD đã từng làm.

Hãng phim Việt và BHD là một trong số hiếm nhà sản xuất phim lớn ở Việt Nam. Hãng từng có những bộ phim thắng lớn về doanh thu như Những nụ hôn rực rỡ, Cô dâu đại chiến 1 và cũng có những phim thất bại tại phòng vé như Lửa Phật mới đây.
- Đầu tư vào điện ảnh quả là rủi ro rất cao. Nhà sản xuất sẽ không dám hô vang khẩu hiệu hay dùng từ đao to búa lớn cho dự án của mình cũng như không ai dám vỗ ngực nói rằng phim mình sản xuất sẽ có doanh thu hoặc doanh thu khủng. Chiêu trò cũng bằng thừa, chỉ có phòng vé là câu trả lời cuối cùng của thành công hay thất bại, nhưng lúc đó mấy ai thở phào nhẹ nhõm vì doanh thu khả quan. Một số phim đứng vào hàng doanh thu từ trước tới nay như Cô dâu đại chiến, Long ruồi, Tèo em... không còn là chuyện hiếm nhưng để toàn thắng cho tất cả phim ra rạp là chuyện xa vời. Kinh phí cao của Lửa Phật với dàn diễn viên khủng cũng chưa là giải pháp tốt cho doanh thu. Cho nên nói điện ảnh Việt là cuộc chơi nhiều may rủi.

* Chị lý giải ra sao về hiện tượng nhà nhà đều muốn làm phim hiện nay?

- Chuyện này là không thể vì vốn ở đâu ra mà nhà nhà có thể làm phim. Chúng ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay những nhà sản xuất và phát hành mạnh ở Việt Nam như Galaxy, BHD, Megastar (nay là CGV) nhưng họ chưa thật sự dám đầu tư kinh phí khủng vì thị trường điện ảnh nước ta quá hẹp và bị hạn chế ở mức đầu tư nhất định dành cho giải pháp an toàn. Có những nhà sản xuất sẽ đi bằng nhiều cách và tựu trung vẫn là sản xuất với mức kinh phí thấp nhất để tạo độ an toàn cao, nếu như có thất thu thì cũng cùng nhau vượt "sốc" mà gầy dựng lại dự án khác. Cần khuyến khích nhà sản xuất vì họ góp phần làm giàu món ăn tinh thần của người Việt bằng chính sự mạo hiểm của mình.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao và Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›