(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nói vậy về cuốn sách tranh châm biếm của hai tác giả Thụ Nho - Thái Mỹ Phương: Một ngày của bố có thể chỉ đúng một nửa. Bởi tâm tư người bố làm “xe ôm” cho con vượt tắc đường mỗi ngày ở đô thị, rõ ràng không chỉ xoay quanh chuyện giao thông.
Buổi ra mắt cuốn sách Một ngày của bố và triển lãm tranh cùng tên (gồm các bức tranh của họa sĩ Thái Mỹ Phương vẽ trong sách) vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Ngoài hai tác giả, chương trình còn có các khách mời: GS Văn Như Cương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, GS Ngô Bảo Châu cũng đưa 3 con gái đến dự.
1.Một ngày của bố, đúng như cái tên, kể về cuộc sống đời thường của một ông bố Hà Nội, hay rộng hơn là một ông bố sống ở đô thị. Điều kỳ lạ là “một ngày” chỉ thực sự bắt đầu vào cuối ngày, khi ông bố rời công sở và cuống cuồng đi đón cậu con trai đang đợi ở cổng trường.
Tác giả Thụ Nho (trái) và họa sĩ Thái Mỹ Phương trong buổi ra mắt sách tối 6/8 ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Câu chuyện được kể bằng lời thơ, hoặc vần vè, rất dí dỏm của tác giả Thụ Nho, kết hợp với phần tranh minh họa bắt mắt và rất đời thường của Thái Mỹ Phương.
Tâm tư của người bố được bộc lộ chỉ trong hành trình đưa con về đến nhà: phiền toái, bực dọc và lo toan vì tắc đường, đến nỗi phải hỏi “Nhà có không về nổi/ Thời này là thời gì?”. Nhưng chính sự châm biếm hóm hỉnh của cuốn sách đã khiến chuyện tắc đường nhẹ nhõm hơn, và tình cảm của người bố thì sâu sắc hơn.
Cũng giống như Sát thủ đầu mưng mủ (tác giả Thành Phong), một cuốn sách tranh trước đây cũng của Nhã Nam xuất bản, Một ngày của bố sử dụng nhiều “thành ngữ sành điệu” vần vè phổ biến hiện nay, chẳng hạn “Hà Nội không vội được đâu” hay bức tranh lấy cảm hứng từ câu “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Cuốn sách hơi tưng tửng này cũng có những lúc thật lắng đọng, chẳng hạn đoạn “Bóng con ở cổng trường/ Trông sao mà đơn độc/ Bố như bị cái gì/ Đột nhiên bay vào mắt…” với hình ảnh cậu bé đợi bố một mình khi các bạn đã về hết. Không chỉ các ông bố, mà các bà mẹ, các cô bé cậu bé, nói chung là mọi thành viên trong gia đình, đều có thể tìm niềm đồng cảm trong cuốn sách này.
2. Sách tranh là một dạng sách rất dễ “tiêu hóa” cả với trẻ em và người lớn, nhưng lâu nay sách tranh ở Việt Nam chủ yếu là sách dịch và có bối cảnh không gần gũi với Việt Nam.
Còn ở Một ngày của bố, bên cạnh cảnh sinh hoạt gia đình, hai tác giả đã cập nhật những chuyện thời sự như: văn hóa giao thông, môi trường công sở, chuyện giáo dục, cảnh thức thâu đêm và xô đổ cổng trường để nộp đơn nhập học cho con (gợi liên tưởng đến sự kiện trường Thực nghiệm), báo lá cải chuyên đăng tin sự cố lộ hàng…
“Trẻ con có đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, đôi tay để vẽ… Thế nên ngoài kiến thức học ở trường, tôi nghĩ chúng ta không nên bỏ phí các môn thủ công, mỹ thuật và âm nhạc trong trường học” - dí dỏm khi viết sách nhưng tác giả Thụ Nho lại nghiêm túc khi phát biểu.
Cuốn Một ngày của bố in trên giấy cứng có màu. Hai tác giả đều là những cái tên quen thuộc. Thụ Nho (tức Nguyễn Nhật Anh) chính là soạn giả cuốn tuyển tập thơ Bùi Giáng - Đười ươi chân kinh - với bút danh Thiên Hải Đoạn Trường Nhân. Còn nữ họa sĩ Thái Mỹ Phương từng vẽ minh họa cho “tiểu thuyết toán hiệp” Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình của GS Ngô Bảo Châu và blogger Nguyễn Phương Văn.
Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu những hình ảnh trích từ cuốn sách tranh Một ngày của bố:
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa