(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, một nửa phim Oscar năm nay đề cập trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề bạo lực, phản ánh thế giới nơi chúng ta đang sống là một thế giới bạo lực lan tràn.
- Scandal trao nhầm giải quá muộn để 'cứu view' Oscar 2017
- Casey Affleck xem chiến thắng tại Oscar là điều không tưởng
- Toàn bộ danh sách kết quả giải Oscar 2017
- Màn trao nhầm giải Phim hay nhất của 'Moonlight' cho 'La La Land' tại Oscar
Những đứa con sinh ra từ bạo lực
Giải Oscar Phim xuất sắc nhất đã được trao cho Moonlight. Phim kể câu chuyện cuộc đời của một người da màu vật lộn tìm bản ngã, tìm chỗ đứng trong xã hội đầy bất ổn ở Miami (Mỹ).
Ảnh hưởng phong cách làm phim của Vương Gia Vệ, Moonlight có lối kể được đánh giá là đầy chất thơ, nên nó khá lạ so với những bộ phim về thế giới của những người da màu tại Mỹ.
Lấy bối cảnh khu dân cư nghèo, nơi có rất nhiều người da màu buôn bán ma túy lẻ, nhưng Moonlight có rất ít cảnh bạo lực, thậm chí không có cảnh bắn súng. Cảnh bạo lực có thể nhìn bằng mắt thường duy nhất chính là cảnh bạn bè đánh đập cậu bé Chiron ở trong trường.
Nhưng bạo lực không thể nhận diện đơn giản như thế. Trong Moonlight, bạo lực còn là sự thờ ơ, bỏ rơi con của người mẹ, là tiếng gào thét chửi mắng con (đã được đạo diễn loại đi âm thanh, chỉ để lại hình ảnh), là những lời bạn bè miệt thị Chiron là "đồ bóng".
Chiron đã phản ứng với cuộc đời bằng cách im lặng. Chiron gần như câm lặng, mỗi lần nói ra cậu không nói quá ba từ. Chiron để mọi người tự định danh cậu. Lúc nhỏ người ta gọi cậu là Nhỏ (Little), lớn lên được mẹ gọi là Chiron, và khi trưởng thành cậu tự gọi mình là Đen (Black), cái tên mà người bạn thân nhất gọi cậu thời học phổ thông. Và biết đâu, chính cái cộng đồng đó đã quyết định luôn hộ Chiron giới tính khi họ gọi cậu là "bóng".
Cậu bé câm lặng trong phim "Moonlight"
Chiron đã dùng tất cả năng lượng sống của mình để gồng gánh những bạo lực mà con người và xã hội gây ra cho cậu. Cuộc sống vô minh đó dần áp đảo tâm trí của Chiron. Khi trưởng thành, một cách tự nhiên Chiron đã chọn trở thành tay buôn bán ma túy lẻ như bao nhiêu người khác.
Ở Oscar năm nay, ngoài Moonlight, hai bộ phim Hacksaw Ridge và Hell or High Water cũng thấm đẫm bạo lực. May mắn hơn Chiron là có đủ cha mẹ, nhưng hai cặp anh em trong bộ phim Hacksaw Ridge và Hell or High Water đều bị cha đánh đập từ tối mịt đến bình minh.
Hell or High Water là hành trình đi cướp ngân hàng của hai anh em Toby và Tanner. Họ có mục đích tốt đẹp, kiếm tiền để giành lại khu đất đã bị người mẹ quá cố thế chấp, để bù đắp cho vợ cũ và con cái của Toby, nhưng cách hành động của hai anh em thì bất lương.
Trong hành trình ấy ấy, khán giả mới hiểu ra điều gì đã hình thành nên Toby và Tanner. Cả hai đều là nạn nhân của một người cha bạo lực, đến mức sau này Tanner đã quyết định kết liễu đời cha đẻ của chính mình. Cũng chính Tanner và Toby, dù căm ghét cha mình vẫn trở thành bản sao bạo lực của người cha.
Người hùng không súng trong phim "Hacksaw Ridge"
Giống với hai anh em trong Hell or High Water, anh em nhà Desmond trong phim Hacksaw Ridge cũng được dung dưỡng trong một môi trường bạo lực. Người cha trải qua hai cuộc chiến tranh đã trở thành một người nát rượu, thường xuyên đánh đập vợ con và khuyến khích hai người con trai đánh nhau.
Trong cuộc đời mình, Desmond T. Doss đã trải qua hai trải nghiệm khó quên. Thuở bé cậu đã suýt đoạt mạng anh mình trong khi đánh nhau. Và khi lớn lên chứng kiến cảnh cha nổi điên cầm súng dọa mẹ, cậu đã suýt đoạt mạng cha mình. Những trải nghiệm kinh hoàng đó khiến cậu tìm đến Chúa và tìm thấy lời răn không ai có quyền đoạt mạng của người khác của Người.
Khi chiến tranh nổ ra, Desmond T. Doss xung phong ra trận với vai trò quân y, nhưng anh từ chối cầm súng. Anh đã trở thành người Mỹ đầu tiên nhận được huân chương danh dự mà không hề động đến súng.
Một thế giới tàn nhẫn xen lẫn yêu thương
Bạo lực trong các bộ phim được đề cử Oscar năm nay không còn nằm ở cấp độ gia đình mà vươn lên tầm quốc gia, thế giới.
Câu chuyện về phân biệt chủng tộc mà hai bộ phim Fences, Hidden Figures đề cập cũng chính là một phần trong chương sử đầy bạo lực, đau thương mà người da màu ở Mỹ đã phải gánh chịu. Đề tài này vẫn sẽ lặp đi lặp lại, có lẽ là nguồn đề tài không bao giờ cạn của những đạo diễn Mỹ.
Ở tầm quốc gia, có Hacksaw Ridge là đỉnh cao bạo lực. Đạo diễn Mel Gibson đã tái tạo một chiến trường ngổn ngang xác chết, lủng lẳng ruột gan; xây dựng trận đối đầu giữa quân Mỹ và quân Nhật với rất nhiều cảnh bắn súng, chém giết tàn bạo, máu chảy đầu rơi, cắt đứt thân người... Cuộc chiến tạn khốc tại hẻm núi Hacksaw có thể khiến khán giả lạnh sống lưng, run bần bật khi xem phim này.
Dù không trực tiếp đề cập đến bạo lực, nhưng phim Arrival đã cho thấy thế giới chúng ta đang sống rất ưa gây chiến. Trong phim, khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất, nỗ lực dạy con người một ngôn ngữ giúp con người vượt qua được những giới hạn của không gian, thời gian... Thì con người lại hiểu lầm rằng người ngoài hành tinh đang muốn xâm lược Trái Đất. Trong phim, Trung Quốc được cho là một quốc gia đầu tiên đơn phương rút khỏi liên minh, sẵn sàng khơi mào cuộc chiến.
9 bộ phim được đề cử Oscar năm nay, dù chỉ giới hạn trong nền điện ảnh Mỹ nhưng đã phản ánh thế giới nơi chúng ta đang sống. Một thế giới bạo lực lan tràn, bạo lực từ gia đình tới cộng đồng và đỉnh cao của bạo lực tầm cỡ thế giới chính là chiến tranh.
Cung cấp những cái nhìn về một thế giới bạo lực, nhưng điện ảnh cũng đồng thời tác động đến nhận thức, hướng thiện cho khán giả.Những bộ phim như Fences, Hidden Figures, Moonlight giúp khán giả hiểu và thông cảm hơn với những gì mà người da màu sống trên đất Mỹ đã và đang trải qua. Những nỗ lực để trở thành con người tốt hơn, tạo dựng một cuộc đời tốt hơn.
Hacksaw Ridge, là một đại diện cho dòng phim phản chiến, đẩy khán giả vào đỉnh cao bạo lực cũng là cách khiến họ cảm thấy ghê rợn chiến tranh, từ đó chối bỏ bạo lực. Hình ảnh chiến sĩ quân y Desmond T. Doss lầm lũi trong đêm cứu những người bị thương, miệng lẩm bẩm "Xin Chúa hãy giúp con cứu một người nữa", "Xin Chúa hãy giúp con cứu một người nữa" khiến khán giả xúc động đến lặng người. Một lần nữa, khán giả hiểu ra, thế giới không cần thêm chiến tranh, mà cần thêm những con người nói không với bạo lực như Doss.
Giữa những bộ phim đậm chất bạo lực của mùa Oscar năm nay, câu chuyện tình yêu thấm đẫm ước vọng tuổi trẻ La La Land như một làn gió mát lành, câu chuyện về sự ăn năn, hối cải trong Manchester by the Sea sưởi ấm trái tim con người. Tấm lòng của người mẹ trong bộ phim Lion có thể khiến nhiều người xúc động. Người mẹ nuôi của Lion thuở nhỏ thường xuyên bị cha đẻ đánh đập. Bà đã nghĩ rằng sau này mình không nên sinh con nữa. Trái đất này đã đầy ắp người rồi, tại sao mình phải sinh con nữa, hãy nhận nuôi những đứa trẻ vô thừa nhận để chia sẻ tình thương yêu cho chúng. Bà nghĩ như vậy và đã nhận nuôi Lion, một cậu bé Ấn Độ lạc nhà.
Oscar 2017 cho chúng ta thấy, thế giới này đầy rẫy bạo lực, nhưng sở dĩ nó vẫn tồn tại bởi còn có tình yêu thương.
Ngọc Diệp
Tags