PGS.TS Nguyễn Lân Cường: Còn lâu mới “giải mã” hết các tượng “nhục thân”

Thứ Tư, 02/12/2009 15:07 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Sau 5 năm thực hiện, ngày 3/12, cuốn sách dày 200 trang với hơn 200 tấm ảnh màu của PGS.TS Nguyễn Lân Cường với tiêu đề Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư sẽ chính thức ra mắt. Cuốn sách được viết dưới dạng “ghi chép” với nhiều tư liệu đậm chất dân gian; tuy nhiên tất cả hoàn toàn là sự thật về 4 pho tượng nhục thân (có cốt xương) của các vị thiền sư từng được chính tác giả cuốn sách chủ trì, tu bổ trong hai thập kỷ qua.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với TS Cường nhân dịp ra mắt cuốn sách này.

* Thưa ông, tại sao lại gọi là nhục thân? Lấy tiêu đề cuốn sách như vậy, có phải ông muốn “giải mã” các nhục thân dưới góc độ khoa học ướp xác hay không?

- Nhục là thịt, thân là cơ thể. Nhục thân là con người bằng da, bằng thịt. Trong đạo Phật người ta dùng thuật ngữ “nhục thân” hay cũng có thể gọi là “toàn thân xá lợi”. Có lẽ còn lâu mới “giải mã” được trọn vẹn. Tôi có may mắn là người lãnh đạo trực tiếp các dự án này nên mới bước đầu vén được tấm màn bí mật của các tượng nhục thân. Để hiểu trọn vẹn vấn đề chắc còn phải nghiên cứu nhiều hơn nữa và tôi hy vọng con cháu chúng ta sẽ tiếp tục công việc này.


Ông Nguyễn Lân Cường (ngoài cùng bên trái)
 và nhóm tu bổ tượng nhục thân


* Và bước đầu tấm màn bí mật ấy đã được vén lên như thế nào?

- Pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu (Hà Nội) đã chứng minh được đó là một phương thức táng độc đáo mà chúng tôi đặt tên là Thiền táng hay Tượng táng chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Với thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) thì phát hiện ra hai tấm đồng đặt trước ngực và sau lưng cùng những dải băng bằng đồng cuốn trên đầu và vai. Đây là cách làm bảo vệ nhục thân độc nhất vô nhị chưa từng gặp trên thế giới. Còn thiền sư Chuyết Chuyết thì lại phát hiện được những đoạn dây đồng để liên kết những đoạn xương và các mảnh bồi...
 
* So với các xác ướp trong mộ hợp chất mà ông đã từng nghiên cứu, công bố và nhục thân các vị thiền sư có điểm gì khác biệt?

- Khác quá đi chứ. Loại mộ hợp chất hay mộ trong quan ngoài quách thường là của các vị quan lại vua chúa, nhà giàu và cũng có thể của những người tu hành theo đạo phật. Người đương thời đã dùng thủ pháp yếm khí (không cho không khí lọt vào trong quan tài) và các loại dầu thơm để bảo vệ thi hài. Còn các nhục thân của chúng ta cho đến nay chỉ mới gặp ở các vị thiền sư. Họ phải là những người có cả một quá trình tu hành đắc đạo. Lớp bảo vệ bên ngoài cơ thể là sơn ta kết hợp với giấy dó, vải màn, mùn cưa và bên ngoài nữa là thếp bạc, vàng, quang dầu.


Tu bổ tượng thiền sư Vũ Khắc Minh

* Nghe nói rằng trên thế giới, một số nơi người ta cũng tìm thấy nhục thân của các nhà tu hành. Xin ông cho biết những dòng tu nào có để lại nhục thân. So với thế giới, nhục thân của các vị thiền sư ở Việt Nam có gì đặc biệt?

- Trên thế giới tới nay chỉ ở ta và Trung Quốc có kiểu táng thức này. Trung Quốc thì họ gọi là “Giáp trữ tất” (sơn ta bó lụa). Theo sách Nam Hoa Tự cập kì truyền thuyết thì “...vào thế kỷ thứ 8, sau CN, kỹ thuật Giáp trữ tất đã được thực hiện khi Lục Tổ Huệ Năng (năm 638- 713) viên tịch. Hiện nay chân thân còn nguyên vẹn để tại Nam Hoa Tự (tỉnh Quảng Đông)...”. Cho tới nay tượng nhục thân mới chỉ thấy ở dòng thiền. Ở Ai Cập khi thực hiện ướp xác người ta phải lấy não, phủ tạng (trừ trái tim) ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, tượng nhục thân của chúng ta không có chuyện này vì hộp sọ không bị đục vỡ. Ở nhục thân Như Trí lại còn tìm thấy được nội tạng dưới thể cô đọng lại. Chính vì vậy tôi cho rằng trong bụng thiền sư Vũ Khắc Minh chắc cũng còn nội tạng, nhưng chúng ta chưa có cách để chứng minh.

* Có thông tin là thiền sư Từ  Đạo Hạnh cũng để lại nhục thân ở chùa Thầy có đúng không? Theo ông có thể hy vọng tìm thấy thêm được các nhục thân mới không?

- Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Năm 1116. Mùa Hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất... (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng lấy lại đắp tượng để thờ như cũ, hiện nay vẫn còn)”. Theo tôi, rất nhiều khả năng đây là một nhục thân cũng được làm theo kiểu thiền táng.

Trước khi phục nguyên nhục thân thiền sư Như Trí, tôi khá thất vọng, vì để ý tìm khắp các chùa ở miền Bắc, không hề có thêm một pho tượng táng nào như kiểu thiền sư Vũ Khắc Minh. Nhưng khi biết tin thiền sư Như Trí tọa trong tháp cổ thì tôi mừng quá, vì chùa nào mà chẳng có tháp, và chắc chắn sẽ còn những tượng nhục thân khác nữa. Lẽ đương nhiên nếu có hỏng thì anh em chúng tôi mới được phép tu bổ.

* Sau khi hoàn thành tu bổ, ông có thường xuyên thăm lại nhục thân của các vị thiền sư? Tình trạng bảo quản nhục thân các Ngài hiện giờ ra sao?

- Tôi vẫn hay được mời để dẫn các đoàn đi tham quan các nhục thân trên, nhất là chùa Đậu. Lần nào về chùa tôi cũng theo dõi các nhục thân đã được tu bổ. Cho đến nay tất cả vẫn hoàn hảo. Riêng nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích, tôi và đại đức Thích Đức Thiện đang có ý định dựng lại khám gỗ đúng như nguyên bản, và đưa Ngài vào ngự trong đó như đã có từ trước năm 1947.

* Xin cảm ơn ông!

Đông Kinh (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›