Phục chế tranh dân gian Đông Hồ

Chủ nhật, 24/11/2013 14:52 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Trong năm 2011, cơ quan Phát triển Pháp, qua ngài Alain Henry, tại Hà Nội đã tặng nghệ nhân Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế 30 mẫu bức tranh dân gian được lưu trữ tại Pháp. Những bức tranh này, hiện không còn ở Việt Nam, và cũng bị lãng quên từ lâu. Từ đó đến nay, ông Nguyễn Đăng Chế cùng gia đình mình cho khắc và in lại 30 mẫu tranh này. Nhân chuyến thăm Đông Hồ tháng 10 vừa qua, ông tặng tôi một bộ bản in đó.

Ngay từ thời Pháp thuộc, người Pháp rất chú ý đến nhiều mặt của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, như nằm trong một chương trình nghiên cứu và khai thác thuộc địa. Có thể nói những bức tranh dân gian được in tốt nhất cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã được đem sang Pháp. Đối với tranh dân gian Việt Nam, Giáo sư Maurice Durand đã sưu tầm và giới thiệu trong cuốn sách Những hình vẽ dân gian Việt Nam (Imagerie Populaire Vietnamiene) được Viện Viễn Đông Bác cổ xuất bản tại Paris năm 1960 và tái bản năm 2011. Cuốn sách mới này cũng được tặng cho ông Nguyễn Đăng Chế một bản. Trong bức thư gửi ông Chế, Cơ quan Phát triển Pháp viết: Cơ quan Phát triển Pháp (ADF) xin chúc mừng ông về sự nghiệp tranh dân gian Việt Nam của ông. Nhân đó chúng tôi công nhận tính chất thiết yếu của văn hóa tranh dân gian đối với sự tồn tại và phát triển của nước Việt Nam. Bắt nguồn từ sự tưởng nhớ tổ tiên, những hình ảnh này cho phép gợi cảm hứng cho các tác phẩm văn học lớn và hình ảnh truyền thống của Việt Nam, và truyền lại cho các thế hệ mới nguồn năng lượng và lòng hiếu thảo cùng sự năng động là những cơ sở của sự phát triển bền vững…

Canh điền sáng nghiệp (Cày ruộng lập nghiệp), mẫu hình tranh dân gian Đông Hồ do Cơ quan Phát triển Pháp tặng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế

Phần mẫu Cơ quan Phát triển Pháp tặng ông Nguyễn Đăng Chế bao gồm ba mươi bản ảnh lớn tương tự kích thước của tranh dân gian Đông Hồ, khuôn khổ tương tự như tờ giấy A4 và một bản lý lịch chú thích kèm theo rất cẩn thận. Căn cứ vào đó, ông Chế cho khắc lại các bản in màu và nét trên gỗ, ông cho biết số lượng bản in gỗ lên tới gần 200 bản (ví dụ bức tranh có 5 màu, thì khắc 5 bản gỗ và 1 bản in nét). Cách thức phục chế của nghệ nhân Đông Hồ hoàn toàn căn cứ vào kỹ thuật hiện nay ở Đông Hồ, in tranh trên giấy quét điệp bằng những màu tự nhiên tìm kiếm trong dân gian, ví như đen từ than lá tre, rơm, vàng từ hoa hòe, đỏ từ đá son…

Nông sự khai cơ (Việc nhà nông mở mang cơ nghiệp). Mẫu hình tranh dân gian Đông Hồ do Cơ quan Phát triển Pháp tặng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế

Chúng cũng tương tự như các tập tranh dân gian Đông Hồ được bán hiện nay. Tuy nhiên xem kỹ các mẫu hình, người Pháp gửi cho ông Chế, chúng tôi thấy một số tranh được in theo lối Đông Hồ truyền thống, một số tranh in nét tô màu bằng bút theo lối tranh dân gian Hàng Trống và trên giấy báo thông thường chứ không phải trên giấy điệp. Như vậy nguồn gốc của 30 bức tranh mới được tặng này cũng phong phú, nếu theo người Pháp, tất cả đều là tranh dân gian Đông Hồ, thì hóa ra kỹ thuật dòng tranh này cũng nhiều kiểu, hoặc giả, trong phần tranh tặng này có lẫn lộn giữa tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống.

Sơn du (chơi núi). Mẫu hình tranh dân gian Đông Hồ do Cơ quan Phát triển Pháp tặng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế

Trong 30 mẫu hình, phần nhiều là tranh vẽ các sự tích văn học dân gian, như Lưu Bình – Dương Lễ, Tùy Đường diễn nghĩa. Một số là tranh chúc tụng thường thấy ở Đông Hồ. Một số liên quan đến các nhân vật lịch sử, và cũng đặc biệt là lịch sử hiện đại, ví dụ Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Lê Nguyên Hồng, những ông Tây bà đầm thời Pháp thuộc. Vài bức mang tính tín ngưỡng. Lối vẽ hình thì hoàn toàn có vẻ do nghệ nhân Đông Hồ xưa vẽ ra. Chữ chú thích trên tranh phần nhiều là chữ Nôm, và chữ Hán, vài bức dùng chữ quốc ngữ. 

Ông Nguyễn Đăng Chế và nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng xem cuốn sách Hình ảnh dân gian Việt Nam của Maurice Durand

Cho đến nay chưa thống kê nào về dòng tranh dân gian Đông Hồ có bao nhiêu mẫu. Năm 1992, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có chương trình phục hồi nhiều bức tranh dân gian chỉ còn một vài mẫu hình và bản vẽ tay, số lượng tranh Đông Hồ lúc đó theo ông khoảng 200 mẫu. Việc được tặng 30 mẫu cổ từ Cơ quan Phát triển Pháp là vô cùng quý báu, bổ sung vào những hiểu biết về tranh dân gian Việt Nam, và qua đó có thể nghiên cứu những kỹ thuật xưa đã thay đổi như thế nào, cũng như quan niệm thẩm mỹ qua từng thời kỳ, dù dòng tranh dân gian Đông Hồ tương đối thống nhất và ít thay đổi trong khoảng 200 năm qua.
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›