Quách Kính Minh - nhà văn giàu nhất Trung Quốc

Thứ Tư, 23/11/2011 13:39 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Cái tên Quách Kính Minh (28 tuổi) lại làm xôn xao văn đàn Trung Quốc, nhưng không phải với tiểu thuyết mới mà với danh hiệu nhà văn kiếm được nhiều tiền nhất. Anh đứng đầu danh sách các nhà văn Trung Quốc giàu nhất năm 2011 khi thu được 24,5 triệu NDT (3,85 triệu USD) tiền bản quyền.

1. Danh sách này được công bố hôm 21/11, trong đó gồm 30 nhà văn Trung Quốc và 15 nhà văn nước ngoài thu được nhiều tiền bản quyền nhất ở thị trường Đại lục.

Đứng vị trí thứ 2 và 3 trong danh sách các nhà văn Trung Quốc là Nanpai Sanshu (bút danh), người đã vang danh nhờ viết tiểu thuyết online và Trịnh Uyên Khiết, tác giả truyện King Of Fairy Tales.

Trong danh sách các tác giả nước ngoài kiếm được nhiều tiền bản quyền nhất ở thị trường sách Đại lục, thì nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez đứng đầu, thu được 11 triệu NDT. Nữ văn sĩ Anh J.K. Rowling và nhà văn Áo Thomas Brezina chiếm vị trí thứ 2 và 3.

Ngô Hoài Nghiêu, người đã lập danh sách “Các nhà văn Trung Quốc giàu nhất” từ 6 năm qua, nói với tờ China Daily rằng danh sách đó như một thước đo và là tấm gương phản chiếu văn hóa đọc ở Trung Quốc. “Tôi nhận thấy thị trường xuất bản đã bị chìm so với 2 năm trước vì thiếu tác phẩm best-seller. Nhưng độc giả trẻ, từ 6 đến 18 tuổi, vẫn chiếm phần lớn số độc giả và người mua sách Trung Quốc”.

2. Ngô Hoài Nhiêu bắt đầu tiến hành thăm dò thị trường ở các thành phố lớn từ tháng 7 cùng sự hỗ trợ của 6 thành viên trong nhóm của mình.

Tuy nhiên, nỗ lực của Ngô Hoài Nghiêu không phải lúc nào cũng được tán thành. Bản danh sách của 5 năm trước đã gây nên cuộc tranh cãi lớn. Nhiều người nghi ngờ về mức độ tin cậy của danh sách này và cho rằng lấy thu nhập làm thước đo giá trị của nhà văn là không thích hợp.

Dương Hồng Anh, nhà văn truyện thiếu nhi nổi tiếng, người từng đứng đầu danh sách năm 2010 và năm nay đứng thứ 4, lại bày tỏ hy vọng rằng, người ta không lấy chuyện tiền bạc để phán xét các tác phẩm của chị.

Song Ngô Hoài Nghiêu khẳng định rõ: “Danh sách này hoàn toàn không thể hiện trình độ viết của một tác giả, mà nó thể hiện những đặc tính nhất định của các nhà văn được công chúng yêu mến và ghi nhận”.

3. Ngô Hoài Nghiêu hy vọng danh sách này thu hút sự quan tâm của các nhà văn Trung Quốc. Anh cho biết, ngoại trừ những cây bút có tên trong danh sách, còn lại phần lớn nhà văn đều bị giằng xé giữa việc kiếm sống và thực hiện hoài bão.

Li Yao, thuộc nhà xuất bản Thinkingdom, nơi nắm bản quyền cuốn Trăm năm cô đơn của nhà văn Marquez, cho rằng danh sách của Ngô Hoài Nghiêu phản ánh các xu hướng đọc. Nhà văn Marquez đứng đầu danh sách năm nay nhờ xuất bản một tác phẩm dịch ở thị trường Trung Quốc và điều này cho thấy ngày càng có nhiều người trở lại đọc tiểu thuyết kinh điển.

“Danh sách của Ngô Hoài Nghiêu có thể không tuyệt đối chính xác về mặt con số. Nhưng 15 nhà văn nước ngoài kiếm được tiền bản quyền cao nhất ở thị trường Trung Quốc cũng là 15 nhà văn được độc giả Trung Quốc yêu thích nhất. Qua đây, có thể thấy được rằng, đọc các tác phẩm kinh điển đã trở thành một xu thế trong năm 2011” - Li Yao nói.

Trong khi nhiều nhà văn thấy lúng túng và thường miễn cưỡng bàn luận về việc có tên trong danh sách “Các nhà văn Trung Quốc giàu nhất”, thì Quách Kính Minh và Trịnh Uyên Khiết, cây bút luôn nằm trong Top 5, lại tỏ ra “hãnh diện” khi chiếm vị trí đầu. Quách Kính Minh viết trên trang blog của mình: “Trong các ngành kinh doanh khác, thu nhập 20 triệu NDT có thể không lọt vào Top 10. Nhưng trong giới văn chương thì đây lại là thu nhập cao nhất”.

Việt Lâm (lược dịch)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›