Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng...
Nhạc rock du nhập vào Việt Nam đã từ rất lâu. Thậm chí, dòng nhạc được xem là còn “non trẻ” này đã cập bến Sài Gòn từ những ngày nước nhà vẫn còn hai miền phân lập. Nó theo chân những người lính Mỹ đến với Việt Nam như một nhu cầu giải trí của người “Tây”, sống nhờ những tấm băng cát-sét, những chiếc đĩa than được mở tại một số câu lạc bộ dành cho quân đội Mỹ. Ngẫm ra, rock đã đến Việt Nam ngay kể từ thời kỳ mà nó phát triển rực rỡ nhất - những năm thuộc nửa cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.
Thế nhưng, dân ta bấy giờ vẫn coi đây là thứ văn hóa ngoại lai, thứ vũ khí đồng hóa của quân giặc nên rock ban đầu phải chịu nhiều sự tẩy chay và định kiến tiêu cực. Vậy là, ngay từ những ngày đầu thai nghén, nhạc rock đã bị gán cho một cái nhìn không mấy thiện cảm tại Việt Nam. Tuy nhiên, nghệ thuật là không giới hạn. Nhiều nhạc công đã nhận ra những nét tinh hoa của rock và bắt đầu chấp nhận, cũng như tìm hiểu sâu hơn về nó. Họ nhận ra rằng, nếu đập tan được những định kiến kia, cũng như việc vượt qua rào cản của ngôn ngữ, rock còn ẩn chứa nhiều điều thú vị. Đặc biệt, rock thời bấy giờ là một công cụ đấu tranh phản đối các cuộc chiến xảy ra triền miên khắp nơi trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một điểm nóng không thể bỏ qua của nhiều nghệ sỹ. Tuy vậy, tư tưởng này vẫn chưa phổ biến, và rock vẫn bị đa phần nhân dân đánh đồng, coi như thứ tàn dư của cuộc “xâm lăng văn hóa” từ phương Tây.
Mặc dù xuất hiện sớm như vậy, nhưng cũng khó có thể coi Việt Nam thực sự tồn tại nhạc rock. Các ban nhạc lúc ấy hầu hết đều diễn lại những ca khúc nổi tiếng của nước ngoài, và gần như chỉ diễn cho những khán giả là người ngoại quốc. Hòa bình được thiết lập, ngỡ như dòng nhạc này sẽ dần được chào đón rộng rãi hơn. Nhưng cuối cùng, cũng như thời kỳ khai sinh của nó tại phương Tây, rock bị coi là thứ nhạc nổi loạn, trác táng với hình ảnh những rocker “bụi bặm”, ăn chơi sa đọa. Một lần nữa, rock lại không thoát khỏi cái nhìn định kiến của nhiều người. Điều này cũng không có gì bất ngờ, bởi ngay trong thế giới riêng của rock cũng tồn tại vô vàn những điều tráy khoáy và nếu không thực sự thấu hiểu, người ta có thể nghĩ đây là dòng nhạc dành cho những tín đồ của quỷ Satan.
Trải qua những khó khăn như vậy, các ban nhạc, những tín đồ của rock vẫn âm thầm hoạt động. Những phong trào rock trong cộng đồng sinh viên, cùng với sự mở cửa rộng rãi hơn của thị trường nhạc trong nước, những album chính thức đầu tiên ra đời vào khoảng giữa thập niên 90 đánh dấu thời kỳ được xem là cột mốc khai sinh của rock Việt.
Những định kiến nặng nề vẫn còn đó, nhưng chúng không đủ để cản bước sự đi lên mạnh mẽ của các ban nhạc rock nước nhà trong những năm đầu thiên niên kỷ mới. Mạng internet phát triển, những tác phẩm nước ngoài bắt đầu dễ dàng hơn trong việc tìm đến mảnh đất hình chữ S. Hàng loạt ban nhạc mới xuất hiện, cùng với đó là những album, tác phẩm được hợp pháp đến tay công chúng. Rock dần thâm nhập sâu hơn vào đời sống tinh thần người Việt. Các cộng đồng rock ở nhiều khu vực bắt đầu ra đời, tạo sân chơi cho những người yêu nhạc.
Nhạc rock cũng bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều trên những chương trình giải trí - thông tin đại chúng, qua những bộ phim, chương trình âm nhạc… và những ban nhạc rock Việt bắt đầu có cơ hội được biểu diễn trên các kênh truyền hình. Các ban nhạc trong nước cũng ngày một đa dạng, với nhiều phong cách, thể loại. Tính tới thời điểm này, đã có khoảng gần 40 album rock Việt chính thức được phát hành qua những hãng đĩa của Việt Nam.
Ngày “đó” có phải ngày hôm nay?
Nhìn vào thực tế, Rock hiện tại cũng đã “chiêu mộ” được rất nhiều tín đồ yêu thích. Tuy còn chiếm vị trí khiêm tốn trong nền âm nhạc Việt, nhưng rock hấp dẫn chính bởi cái chất “đá” cứng đầu của mình, không chịu đi theo xu hướng thương mại hóa, theo nhu cầu của thị trường. Có nhiều ban nhạc từng khẳng định chơi nhạc không cần khán giả. Họ chỉ biểu diễn, cống hiến cho người thực sự hiểu và yêu thích những đứa con tinh thần mà họ sáng tạo ra. Bởi vậy, rock Việt luôn tồn tại một dòng chảy ngầm. Nhiều rocker, rockfan vẫn còn rụt rè trong việc khẳng định mình với xã hội. Họ đam mê nhưng lại không muốn hoặc không có đủ điều kiện để bộc lộ cá tính của mình trước công chúng và chỉ chia sẻ nó với một bộ phận những người cùng sở thích.
Tuy nhiên, tư tưởng này cũng đã và đang dần thay đổi. Cộng đồng người nghe nhạc rock cũng phát triển ngày một mạnh và bền vững. Hoàng Hiệp, giọng ca chính của ban nhạc Ngũ Cung, từng chia sẻ: “Ở Việt Nam, có một ‘cộng đồng’ đoàn kết mang tên Rock Việt đang lớn mạnh và phát triển. Các ban nhạc rock chúng tôi đã cố gắng qua nhiều thế hệ, qua nhiều chặng đường, và cũng đã thu hút được nhiều người nghe hơn, và đặc biệt, chúng tôi cũng đã dần thay đổi được cách nghĩ, cách nhìn của những người lớn tuổi về rock".
Càng ngày càng có thêm nhiều sân chơi cho các ban nhạc Việt. Rock Việt không chỉ còn là những phong trào nhỏ lẻ. Các ban nhạc rock đã có cơ hội được đứng trên những sân khấu lớn như RockStorm, Rock Concert… Những bước đi từ tốn nhưng bền bỉ của cả một cộng đồng rock Việt đang từng bước được xã hội ghi nhận. Bằng những nỗ lực của mình, các ban nhạc rock Việt cho thấy họ không chỉ chơi nhạc, làm nghệ thuật mà còn hướng những tác phẩm, công sức của mình hướng đến lợi ích chung của xã hội.
Ngày 22 tháng 4 năm 2014, RockStorm 2013 - Cháy Cho Khát Vọng chính thức nhận giải thưởng Âm Nhạc Cống Hiến 2014. Cuối cùng, một chương trình nhạc rock cũng đã dành được vị trí xứng đáng của mình trong con mắt của giới chuyên môn và làng âm nhạc đại chúng. Đây thực sự là một giải thưởng giàu ý nghĩa, không chỉ đối với ekip thực hiện chương trình mà còn đối với cả cộng đồng những người yêu rock tại nước nhà. Bao lâu nay, rock vẫn bị gắn với cái mác tiêu cực, những đêm nhạc rock là những đêm nhạc hỗn loạn, bạo động cùng rượu bia và pháo sáng. RockStorm đã chứng mình điều hoàn toàn trái ngược với những đêm diễn mang mục đích từ thiện; hàng vạn khán giả trẻ văn minh, hiện đại và cả những ban nhạc luôn đầu tư kỹ lượng cho phần biểu diễn của mình cùng các sáng tác giàu tính nhân bản, hướng tới cộng đồng, dân tộc.
Nói đến sự thành công này của RockStorm không thể không kể đến sự nhìn nhận đúng đắn của giới báo chí dành cho RockStorm, những người đã cầm cân nảy mực để quyết định xem giải thưởng Cống hiến 2014 nên trao cho nhân tố nào. Những cái tên cùng được đề cử trong hạng mục Chuỗi chương trình của năm đều là những cái tên lớn và quen thuộc trên truyền hình như Giọng Hát Việt, Bài Hát Việt, Đồ Rê Mí, LUALA Concert, nhưng cuối cùng, RockStorm 2013 – một chương trình nhạc rock lần đầu tiên chiến thắng tại giải thưởng Âm nhạc cống hiến.
Bởi vậy mà đại diện của MobiFone - đơn vị tổ chức chương trình đã không giấu được xúc động khi lên nhận giải và gửi lời cám ơn chân thành đến giới chuyên môn – những nhà báo đã tin tưởng và ủng hộ bình chọn cho RockStorm, để RockStorm tiếp tục sứ mệnh chinh phục những tín đồ yêu nhạc nói chung và nhạc rock nói riêng.
Có người nhận xét “rock là phải cách mạng”, có lẽ điều này đúng. Nhưng cuộc cách mạng của nhạc rock không phải là cuộc chiến trên bàn chính trị của những kẻ chống phá chính quyền, lật đổ chế độ. Mà đó là cuộc cách mạng của những người nghệ sỹ đấu tranh hướng tới cái đẹp; hướng tới mục tiêu làm và thưởng thức nghệ thuật có ý thức tại nước nhà.
Ngày “đó”, ngày ở trên đỉnh vinh quang như lời bài hát của ban nhạc Bức Tường, đã thực sự đến với rock? Chưa ai biết trước được. Nhưng một cộng đồng rock đang mạnh mẽ chuyển mình, bước từng bước dài đi lên về phía trước là điều ai cũng có thể nhìn thấy rõ. Có lẽ, trong tương lai không xa, nhạc rock sẽ thực sự tìm được vị trí xứng đáng của mình tại thi trường nhạc Việt, vị trí mà đáng nhẽ ra nó đã phải có được từ trước đây rất lâu rồi.
P.V