(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, việc Hãng phim Hải Sơn Lâm gặp sự cố về tiền cát-sê với diễn viên đã cho thấy thêm một sự thật: Phim truyền hình không còn là miếng bánh màu mỡ béo bở, không chỉ với các đơn vị sản xuất phim, mà với cả các nhà đài.
Theo các đạo diễn đang tham gia vào guồng máy sản xuất phim truyền hình ở TP.HCM thì hiện nay chỉ có khoảng 3-4 hãng phim còn hoạt động đều đặn. Còn tất cả đều là những công ty đa phương tiện, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, sản xuất phim truyền hình chỉ là một trong những hạng mục của họ.
Khó khăn chồng chất
Sau gần chục năm kể từ khi sản xuất phim truyền hình trở thành ngành sản xuất “nóng”, chi phí sản xuất (trên giấy) cho mỗi tập phim mà các đài truyền hình trả cho hãng phim vẫn giậm chân ở mức 180 triệu (hãn hữu lắm mới có phim được trả 200 triệu) dù chi phí sản xuất, nhất là cát-sê diễn viên đã tăng vù vù.
Tiền sản xuất phim những năm thị trường còn nóng có khi chỉ dao động từ 80 đến 100 triệu/tập, thậm chí có khi chỉ 60 triệu/tập.
Nhưng đến nay, chi phí sản xuất trung bình phim tâm lý xã hội đã có mức đầu tư là 120 triệu/tập; phim hình sự 140 triệu/tập; võ thuật 150 triệu/tập; phim hài 100 triệu/tập; thiếu nhi có phép thuật 135 triệu/tập… Vài trường hợp biệt lệ như Bí mật tam giác vàng thì mới được 400 - 500 triệu/tập (trên giấy tờ).
Ví dụ với thể loại tâm lý xã hội, để sản xuất tạm được phải cần 140 triệu/tập, nhưng có khi 100 triệu/tập các nhà sản xuất cũng nhận. Để rồi bằng mọi giá họ sẽ sản xuất với 90 triệu/tập để kiếm lãi chút đỉnh; nhưng có khi huề vốn cũng phải làm, để có thêm kinh nghiệm, nuôi nhân sự, may mắn thì có chút ồn ào, tiếng tăm.
Mặt khác, để đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ phát sóng, các đài truyền hình thường yêu cầu hãng phim nộp ít nhất 2/3 số tập của cả bộ phim để họ nghiệm thu rồi mới trả tiền.
Điều này khiến cho các công ty nhỏ rất lao đao về vốn và chỉ những công ty trường vốn, có sẵn nhân sự, thiết bị làm phim và guồng máy sản xuất đã vận hành trơn tru mới đủ sức trụ lại.
Những “ông lớn” còn vững vàng trong làng sản xuất phim truyền hình như Sóng Vàng, M&T Picture hay Blue Light… là những đơn vị như vậy, và họ đều là công ty đa phương tiện, làm việc trong nhiều lĩnh vực và phim truyền hình chỉ là một trong những hạng mục cần có. Mặt khác, không ít đơn vị đã chuyển mũi nhọn sang nhập phim truyền hình của Ấn Độ, Thái Lan, Philippines vì giá rẻ mà độ hút khách lại cũng rất khả quan.
Giờ đã hết vàng
Nếu như trước đây 20h là khung giờ vàng cho phim truyền hình thì nay giờ vàng đã chuyển lên 22h hoặc xuống 13h do tập quán sinh hoạt của khán giả xem truyền hình và do cả việc “tạo vàng” trên truyền hình đã tiến triển rất nhanh. Vì thế mà phim phát sóng giờ vàng hiện rating đã xuống rất thấp.
Khung 20h “xuống giá” tới mức các nhà đài sau khi thả cho trôi nổi một thời gian giờ lại “cuống quýt” xây dựng lại. Giao sóng cho một đơn vị nhưng chưa đủ thời gian gây dựng thì đã lại tịch thu để giao cho bên khác vì quá sốt ruột với tình trạng rating nguội lạnh.
Và tình hình vẫn mịt mù chưa thấy chút ánh sáng nào cuối đường hầm. Trong khi đó, giờ dành cho phim Việt của các đài vẫn không hề giảm đi mà còn tăng lên. HTV7 mới có thêm giờ phim gia đình từ 19-19h30 thứ Hai và thứ Ba hàng tuần; Đài Bình Dương thêm giờ phim chiều từ 17h30 - 18h15, VTV Cần Thơ có khung 20h40…
Ngược lại, phim phát sóng lúc 13h trưa rating lại tăng dần ở mức bền vững. Mới nhất, bộ phim Khúc tương tư của M&T Pictures phát trong khung giờ này trên HTV7 đã đạt rating ở mức xấp xỉ 5.0 - cao nhất từ đầu năm đến giờ của HTV. Cũng ở HTV, chính đơn vị sản xuất phim “sân sau” của đài này là TFS cũng đang ngắc ngoải vì tình trạng doanh thu sụt giảm.
Hiện TFS toàn chiếu lại những bộ phim đã sản xuất từ mấy năm trước mà không phát phim mới vì lo rating thấp, quảng cáo ít sẽ không được nhà đài thanh toán hết tiền sản xuất, bởi đó là quy định.
Các nhãn hàng, các nhà quảng cáo đã không còn mặn mà với phim truyền hình nữa, họ chĩa hết mũi nhọn vào truyền hình thực tế - thứ đang thu hút rating nhất trong lĩnh vực truyền hình hiện nay.
(Còn tiếp)
Dương Vân Anh - Hoàng Nhân - Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags