Sản xuất phim truyền hình: Số lượng tăng chóng mặt, chất lượng hên xui

Thứ Năm, 20/08/2015 12:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay Việt Nam có thể sản xuất được khoảng 6.000 tập phim mỗi năm, tăng thời lượng phát sóng rất đáng kể. Nếu lấy cột mốc từ các phim của TFS (các năm 1994 - 1996) thì phim truyền hình Việt Nam đã 20 tuổi đời. Nhìn lại, điều dễ nhận thấy nhất là sự tăng trưởng chóng mặt về số lượng, trong khi chất lượng thì… vẫn hên xui.

Trong 6.000 tập phim mỗi năm, chẳng có nổi 5-7% để lại ấn tượng bền lâu với khán giả, đa phần là phim lấp sóng, nhằm kiếm quảng cáo, và giúp các bà nội trợ “giết thời giờ”.

Trở lại thời... mì ăn liền

Những diễn viên có thương hiệu với phim truyền hình, mỗi tập phim có thể đút túi từ 8 đến 10 triệu đồng. Diễn viên có tiếng dù đóng vai phụ thù lao cũng đến 500.000 - 700.000 đồng/ phân đoạn.

Vậy mà, vì chạy show, nhiều diễn viên truyền hình hiện nay không khác những diễn viên thời phim “mì ăn liền”, khi họ không bao giờ thuộc lời thoại và không biết đến đường dây kịch bản. Vậy mà quay qua ngoảnh lại vẫn chừng đó khuôn mặt, nên nhàm càng nhàm hơn.

Diễn viên Mạc Can tâm tư: “Tui đi đóng phim từ xưa đến nay, chưa khi nào thấy các bạn diễn viên trẻ lại bệnh ngôi sao đến thế. Khi cả đoàn phim ngồi chờ một cảnh quay có mặt ngôi sao, các bạn ấy thường đến trễ với trăm ngàn lý do. Chủ nhiệm phim, đạo diễn cũng là người trẻ, chắc vì người trẻ nên dù hiểu họ chạy show cũng cả nể không dám nói”.


Phim “Khúc tương tư” phát sóng kênh HTV7

Một áp lực khác, để lấp sóng phim truyền hình theo tỷ lệ quy định trong Luật Điện ảnh, nhiều nhà đài không đủ khả năng sản xuất đã đặt hàng các hãng phim bên ngoài thực hiện. Nhiều công ty tư nhân có làm phim truyền hình mọc lên như nấm, mà chất lượng lại phập phù.

Đa phần phim truyền hình hiện nay thuộc thể loại tâm lý xã hội, với quy tắc ghi hình 80% cảnh nội, hạn chế tối đa cảnh ngoại, để đỡ di chuyển, ít tốn chi phí. Với mức đầu tư như vậy, nếu sản xuất khéo thì bộ phim 30 tập lãi khoảng 500 triệu, không thì kiếm chừng 200 triệu, còn dở thì lỗ chừng 200 triệu - đây là “công thức” phổ biến hiện nay.

Đa phần các nhà sản xuất muốn tồn tại thì phải có lãi, thỉnh thoảng mới có nhà sản xuất thất bại. Mục đích duy nhất của họ là phim được đài nghiệm thu và cho chiếu càng sớm càng tốt, các khâu khác - như chất lượng phim - ít quan tâm.

Chỉ đài và “cò” có lợi

Chi phí cố định của các ê-kíp làm phim truyền hình vẫn có tăng lên chút xíu, nên nếu được đầu tư tốt thì chọn hạng A, hạng B, nếu đầu tư thấp, hoặc muốn có lãi thì đành chọn hạng C, hạng D, có khi nghiệp dư không thể xếp hạng.

Rồi chiêu quen nhất là kéo dài bối cảnh sẵn có, cắt giảm trang phục (để diễn viên tự lo), cắt giảm đạo cụ, cắt giảm ngày quay…; có vài biệt lệ đã quay một ngày 3 tập. Bất chấp, miễn sao làm được phim “trả cho đài trót lọt” thì thôi.

Với các phim có chất lượng yếu kém thì hội đồng nghiệm thu sẽ được lót tay để cho qua. Rating (chỉ số người xem) thực tế thấp hay cao không quan trọng bằng việc có ít hay nhiều quảng cáo. Cả nước chỉ có 2-3 đơn vị được phép đo rating (do bị khống chế) nên việc thu xếp mua rating cũng không hề khó, trong khi các doanh nghiệp chỉ biết dựa vào đó mà “nộp” tiền quảng cáo.

Trong hệ thống móc xích làm phim truyền hình, nhà đài (đơn vị đầu tư, phát hành) là có lợi nhiều nhất. Đầu tiên đến từ việc quyết định giá cả đầu tư, họ cứ đưa ra một con số, có thể rất thiếu cập nhật, nhưng không quan tâm, các nhà sản xuất phải tự xử lý. Đó là chưa nói giá trên giấy tờ và ngoài thực tế vốn có chênh lệch nhất định.

Khi phim phát sóng, doanh thu quảng cáo sẽ được chia theo tỷ lệ thỏa thuận, nhưng luôn rất có lợi cho nhà đài, vì họ nắm “đằng chuôi”.

Một móc xích khác đó là các “cò”, họ là người bắt nhịp cầu giữa nhà đầu tư với các nhà sản xuất, các đạo diễn. Đây là mối quan hệ ba bên cùng có lợi, nên ai cũng làm lơ, cũng phải “tin” nhau.

Nhà đài không đủ nhân sự để đi tìm hiểu và đặt hàng, các nhà sản xuất và đạo diễn không đủ quan hệ để nhận cái gật đầu trực tiếp của đài, “cò” bay chính giữa là đương nhiên.

Các phương thức sản xuất phim truyền hình:

1. Nhà đài tự sản xuất
2. Nhà đài đặt hàng tư nhân
3. Tư nhân tự sản xuất để bán cho nhà đài
4. Do các “nhà cò” móc nối

Dương Vân Anh - Hoàng Nhân - Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›