(TT&VH) - Khi đến với các phim có chủ đề về phiêu lưu, giang hồ, võ thuật… người xem thường quan tâm rất nhiều đến “chất” hành động và tính logic, bởi đó là xương sống của câu chuyện. Lệnh xóa sổ (KB: Bùi Chí Vinh, ĐD: Hoàng Cao Cường) sau vài lần thay đổi đạo diễn, diễn viên và cả nhà phát hành, cũng vừa có buổi ra mắt báo chí, cảm giác chung của suất chiếu này là gây thất vọng, ngoại trừ “điểm sáng” là vai diễn của diễn viên đang bị khởi tố trong đời thực - siêu mẫu Vĩnh Thụy.
Theo lịch sử điện ảnh, phim hành động thường có mấy cấu trúc phổ biến. Thứ nhất, “tội ác” sẽ bị “trả thù” (xin hiểu theo nghĩa rộng của hai cặp từ này), cao trào hành động sẽ rơi vào cuối phim, khi vai chính “trả thù” thành công - còn gọi là phim 1 hành động, chia làm 2 hồi. Thứ hai, sự trả thù đi tìm diệt tội ác, các hành động trong phim được chia đều ra, khoảng 7-15 phút sẽ có một hành động (kiểu này thường thấy ở phim Hollywood) - còn gọi là phim nhiều hành động, chia làm 3 hồi. Thứ ba, là các dạng phim hành động còn lại, phần lớn bị xếp vào sự lạc rơ, không ra chất, một ít thuộc phim hành động thể nghiệm. Nếu nhìn theo các quy phạm này, Lệnh xóa sổ thuộc kiểu hành động không ra chất, vì nó hoàn hoàn đơn điệu, lệch chủ đề và không có cao trào.
Hành động lạc rơ
Phim kể về một điệp viên nằm vùng tên là Hải (do Hoàng Phúc đóng), đang dõi theo đường dây tội phạm của đại ca Trần (Nguyễn Chánh Tín) với nhiều thuộc hạ như Hoàng (Trần Kim Hoàng), Nhật (Tuấn Hưng), Thụy (Vĩnh Thụy), Quách (Duy Nhân), Ánh (Phi Thanh Vân)... Đáng lý phim phải xoáy sâu vào cuộc xóa sổ của tổ chức xã hội đen đối với Hoàng, khi anh này phản bội, để tạo nhịp cho cuộc đối kháng và xóa sổ ngược vào cuối phim. Thế nhưng, do phim quá chạy theo hành động bề ngoài của câu chuyện như đua xe, độ xe, cờ bạc, yếu tố hài hước... mà làm cho lạc đề trục chính, khiến hành động quan trọng nhất (xóa sổ ông trùm) thành nhạt nhòa ở cuối phim - một cái kết khá vô duyên.
Người xem cũng không thể phân biệt được tuyến chính câu chuyện, khi cuộc xóa sổ Hoàng và cuộc điều tra của Hải song song phát triển như nhau, vai chính “chia đều” cho cả Hoàng và Hải. Đáng lý trong trường hợp này, Hoàng và cuộc xóa sổ phải được tô đậm, Hải và cuộc điều tra thuộc tuyến thứ, chỉ có tính chất tô vẽ, bổ sung.
Vĩnh Thụy - một điểm sáng
Tại lễ ra mắt, sự xuất hiện của người mẫu Vĩnh Thụy là một bất ngờ với nhiều người, khi anh đang vướng vào đường dây buôn lậu hàng điện tử, đang giai đoạn điều tra. Người xem càng bất ngờ hơn khi vai Thụy mà anh đảm trách (có lẽ là vai duy nhất) có vài nét lạ, tạo được ấn tượng trong phim này. Với những ai quen xem lối diễn “cương pha châm biếm” trong phim mafia Nhật thì cách diễn của Vĩnh Thụy phảng phất vài nét quen thuộc. Còn với phần nhiều khán giả chưa quen với lối diễn này, cách diễn xấc xược, khùng khùng của Vĩnh Thụy đã tạo được sự nổi trội so với các nhân vật khác.
Thụy càng nổi trội hơn khi hai tuyến chính và hai nhân vật chính, dù có nhiều đất diễn, nhưng thân phận của nhân vật đã không được nhấn nhá đúng mức. Đặc biệt vai Hoàng, quá đơn điệu, ngay cả với cách đánh và nhịp điệu hành động, cảnh nào cũng như vậy. Sự hời hợt này có thể do phim bị thay đổi đạo diễn trong quá trình sản xuất (từ Đỗ Quang Minh sang Hoàng Cao Cường), nên cha chung không ai khóc, các ý đồ về diễn xuất đã không được đầu tư và lột tả. Bên cạnh đó, trong vai trò đạo diễn võ thuật, có vẻ như dấu vết của Trần Kim Hoàng khá bao phủ, nên phần hành động được chú trọng nhiều hơn phần diễn xuất và phần xây dựng thân phận nhân vật.
Hai điểm tối
Xem xong Lệnh xóa sổ, có thể thấy hai vai dư thừa, vì nếu bỏ đi, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến câu chuyện.
Vĩnh Thụy trong phim "Lệnh xóa sổ"
Đầu tiên là vai Dung (do Đinh Ngọc Diệp đóng), một điệp viên giả vờ bị mù đi bán vé số bị bọn côn đồ giở trò hiếp dâm ở đầu phim; cuối phim tham gia cùng chuyên án với Hải để bắt ông trùm. Hai tình tiết này hoàn toàn ngẫu nhiên, chẳng có ăn nhập gì với nhau, nên người xem không thể biết Dung giả mù, bị hiếp dâm để làm gì. Đó là chưa nói, vai này chẳng có tác động hay móc xích gì với các vai còn lại, nên thành ra dư.
Riêng vai Minh Nhí (do Minh Nhí đóng) lại tỏ ra thừa, vì nó có nhiều yếu tố hài hước không cần thiết, làm giảm tính căng thẳng và ngắt quãng mạch phim. Đáng lý vai chủ tiệm sửa xe này chỉ cần thoáng qua, với một hai câu thoại là đủ, đằng này lại trở thành một lát cắt dày, nhưng chẳng có móc nối gì với mạch chính.
Trong phim hành động, âm thanh nói chung chiếm giữ một vai trò quan trọng, làm nên cảm hứng và sự lôi cuốn nơi người xem. Lệnh xóa sổ đã không làm được này, một phần do câu chuyện thiếu cao trào, nên âm thanh trở nên đơn điệu, một phần do tiết tấu phân bố chưa hợp lý.
“Nếu phát triển hai mối tình của Hải và Hoàng đúng như trong kịch bản của Bùi Chí Vinh thì câu chuyện này sẽ thơ mộng, sâu sắc và nhân bản hơn. Đáng tiếc phim đã không đi theo hướng này” - một nhà chuyên môn có dịp đọc kịch bản gốc, xin giấu tên, đã nhận xét như vậy.