PPL đã soạn danh sách này sau khi nghiên cứu cơ sở dữ liệu của khoảng 1.800 bản thu âm mang chủ đề Giáng sinh..
Từ một giai điệu dance...
Là một ca khúc Giáng sinh nổi tiếng nhất thế giới, song Silent Night lại có “nguồn gốc” rất khiêm tốn. Ca khúc ra đời tại ngôi làng nhỏ Oberndorf ở Salzburg, Áo. Ca từ của nó xuất phát từ một bài thơ được linh mục Joseph Mohr viết vào năm 1816 với tiêu đề tiếng Đức là Stille Nacht, Heilige Nacht (Đêm yên tĩnh, đêm linh thiêng). 2 năm sau, ông đã đề nghị thầy giáo Franz Xaver Gruber phổ nhạc cho bài thơ này và Silent Night lần đầu tiên được trình diễn trong nhà thờ St.Nicholas ở Oberndorf, Áo, vào ngày 24/12/1818. Nhưng không giống với giai điệu du dương, kỳ ảo như hiện nay, khởi nguồn của ca khúc này có giai điệu dance.
Hai tác giả của Silent Night: linh mục Joseph Mohr và thầy giáo Franz Xaver Grube |
Trong những năm 1900, nhà thờ Nikolaus-Kirche đã bị đổ do lụt và bản thảo gốc của nhạc phẩm này đã bị thất lạc. Tuy nhiên, năm 1995, người ta phát hiện ra một bản thảo viết tay của Mohr và các chuyên gia xác định là năm 1820. Bản thảo này ghi rõ linh mục Morh viết phần ca từ năm 1816 khi ông được bổ nhiệm tới một nhà thờ ở Mariapfarr, Áo và năm 1818 được Gruber soạn nhạc. Đây là bản thảo lâu đời nhất và là bản thảo viết tay duy nhất của Mohr còn tồn tại. Phần nhạc của Gruber chịu ảnh hưởng âm nhạc truyền thống của quê hương ông, mang nhiều âm hưởng dân gian Áo.
Tràn ngập khắp thế giới
Năm 1859, Silent Night được linh mục John Freeman Young ở Forida dịch sang tiếng Anh và nhanh chóng trở thành một nhạc phẩm Giáng sinh tiêu biểu cho các buổi lễ tôn giáo.
Năm 1914, trong Thế chiến I, nhạc phẩm này được các quân nhân hát nhiều bằng tiếng Anh, Pháp và Đức và đây là ca khúc duy nhất mà lính chiến ở hai bờ Đại Tây Dương yêu thích.
“Silent Night là ca khúc Giáng sinh tóm lược được cảm xúc của cả mùa Giáng sinh. Nhiều nghệ sĩ ở mọi dòng nhạc đã thu âm ca khúc này” - Mike Dalby, nhà phân tích hàng đầu của PPL - cho biết.
Trải qua nhiều thập kỷ, Silent Night đã được dịch sang 44 thứ tiếng và được nhiều ca sĩ thu âm, như The Temptations, Mahalia Jackson, Elvis Presley, The Dickies và ca sĩ Sinead O’Connor. Họ đều có những cách thể hiện riêng và bản cover mang âm hưởng jazz của Mahalia Jackson vẫn là một trong những đĩa đơn ăn khách nhất mọi thời đại ở Na Uy, còn bản cover năm 1991 của nữ ca sĩ O’Connor thể hiện là bản nổi tiếng nhất ở Anh.