(TT&VH) - Bức tường bao của lâu đài Kelburn ở Scotland đã được phủ bằng những hình vẽ graffiti từ năm 2007. Từ đó đến nay, nó liên tục trở thành đề tài gây tranh cãi. Các nhà bảo tồn và những người “nệ cổ” cho rằng những hình vẽ đó nên được tẩy đi để trả lại nguyên vẹn cho tòa nhà lịch sử này.
>> Chuyên đề về graffiti: Hãy vẽ lên tường!?
Lâu đài Kelburn cũng giống như hàng trăm lâu đài cổ khác ở Scotland, có những ngọn tháp nhô lên đầy quyến rũ. Lâu đài này nằm gần thành phố biển Largs, thuộc vùng biển phía Tây của Scotland. Gia đình Bá tước Glasgow đã sở hữu nó từ 800 năm qua.
Chủ lâu đài muốn giữ
Năm 2007, gia đình này đã mời 4 nghệ sĩ graffiti của Brazil tới để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật trên một trong những bức tường của lâu đài. Để trang trí được toàn bộ bức tường đó, các nghệ sĩ đã phải dùng 1.500 bình sơn phun. Họ không ngờ được rằng bức tranh tường đó đã đưa lâu đài Kelburn vào danh sách Top 10 tác phẩm nghệ thuật đường phố nổi tiếng nhất thế giới, bên cạnh các tác phẩm của Banksy ở Los Angeles và Favela Morro da Providencia của Rio de Janeiro.
Bức tranh tường này đã trở thành điểm thu hút khách tham quan và do vậy Historic Scotland - tổ chức chuyên tư vấn về các các công trình lịch sử văn hóa ở Scotland - đã cho phép gia đình Bá tước giữ lại bức tranh trong 3 năm. Giờ thời hạn đó đã hết, Bá tước Patrick Boyle (72 tuổi) đã viết thư tới Historic Scotland xin giữ lại tác phẩm nghệ thuật này.
Lâu đài Kelburn có niên đại từ thế kỷ 13 ở Scotland đang gây tranh cãi
khi một phần tường của lâu đài được trang trí bằng hình vẽ graffiti
Bá tước Boyle kể, ban đầu con trai ông - David, và con gái - Alice đã đưa ra ý tưởng này khiến ông rất lo ngại. “Chúng tôi định sơn lại toàn bộ các bức tường của tòa lâu đài và các con tôi đã đưa ra ý tưởng vẽ graffiti lên tường. Sau một hồi suy đi tính lại, chúng tôi nhận thấy đó là thời điểm thích hợp để làm việc đó.
Tác phẩm này đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi, và hiện là một trong những tác phẩm nghệ thuật đường phố quan trọng nhất thế giới. Tôi nghĩ thật điên khùng nếu tẩy bức tranh đi. Vì vậy, tôi đã viết thứ cho Historic Scotland đề nghị giữ bức tranh lại, không phải vĩnh viễn, nhưng ít nhất là đừng đưa ra một hạn định về thời gian”.
Nhưng người phát ngôn của Historic Scotland cho biết vấn đề này thuộc quyền xử lý của giới chức trách bản địa - Hội đồng North Ayrshire. Còn người phát ngôn của Hội đồng North Ayrshire khẳng định họ sẽ có câu trả lời chính thức về vấn đề này sau khi có các cuộc bàn bạc giữa Hội đồng và chủ lâu đài Kelburn.
Ông Neil Baxter, Thư ký Hội Kiến trúc Hoàng gia Scotland (RIAS) nói rằng người Scotland giữ gìn các tài sản lịch sử của họ rất nghiêm túc, nhưng theo ông cũng nên cân nhắc kỹ trước khi xử lý những tòa nhà cổ như lâu đài Kelburn. “Các nhà bảo thủ hẳn nhiên “dị ứng” khi nhìn thấy các hình vẽ graffiti như vậy ở một lâu đài cổ. Nhưng nếu tòa nhà còn vững chắc thì tôi nghĩ vẽ graffiti lên đó cũng chẳng gây hại gì. Đừng nên nhìn nhận các tòa nhà cổ như bảo tàng” - ông Baxter nói.
Những tranh cãi bất tận về bảo tồn ở Scotland
Năm 2004, công chúng từng phản đối kịch liệt khi tòa nhà Quốc hội mới được khánh thành bởi công trình này bị kéo dài thêm tới 3 năm và kinh phí xây dựng “đội” lên tới 668 triệu euro, gấp 10 lần so với dự kiến. Nhưng mấu chốt gây tranh cãi là bản thiết kế của kiến trúc sư Catalan đã quá cố - Enric Miralles. Một tạp chí kiến trúc mô tả nó là “một mớ lộn xộn những hình dạng không thể giải đoán được”.
Một câu chuyện nữa liên quan đến công trình của vị kiến trúc sư nổi tiếng nhất của Scotland - Charles Rennie Mackintosh (1868-1928). Ông đã để lại cho thành phố quê hương Glasgow của mình một di sản kiến trúc phong phú. Nhưng năm ngoái, các kế hoạch ứng xử với kiệt tác của ông - Trường Nghệ thuật Glasgow - đã gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt trên thế giới.
Ngôi trường nghệ thuật nổi tiếng toàn cầu này từng được các kiến trúc sư bình chọn là công trình được yêu thích nhất trong 200 năm qua và là tòa nhà được ưa chuộng nhất ở Anh trong 175 năm qua. Theo kế hoạch, nó sẽ được bổ sung một cấu trúc hiện đại, tốn kém 50 triệu bảng, do công ty Kiến trúc Steven Holl Architects (ở New York) và công ty JM Architects (ở Scotland) thiết kế.
Giáo sư Seona Reid, Hiệu trưởng trường Nghệ thuật Glasgow, cho biết: “Quá trình thực hiện sẽ diễn ra rất nghiêm ngặt, từ việc lựa chọn chất liệu, việc tận dụng ánh sáng và mối liên hệ với ngôi trường nghệ thuật”. Nhưng sử gia kiến trúc hàng đầu William J R Curtis đã chỉ trích dự án này trên tờ The Architects’ Journal khi cho rằng “thế đứng thống trị và hình dáng đồ sộ” của tòa nhà mới sẽ “áp đảo” ngôi trường nghệ thuật.
Sự “va chạm” giữa cổ và kim Từ chuyện bức graffiti của lâu đài Kelburn, người ta lại nhớ đến những cuộc tranh cãi bất tận về những công trình kết hợp “kim, cổ” trên thế giới. Chẳng hạn rất nhiều ý kiến đã chỉ trích những cấu trúc bằng kính và kim loại của Bảo tàng Louvre Pyramid, được khánh thành ở khuôn viên Louvre Palace tại Paris hồi năm 1989. Hay ở thủ đô của nước Đức vẫn đang có nhiều ý kiến về kế hoạch tái xây dựng Berlin Palace trên khu đất của tòa nhà cũ đã bị phá dỡ. Kế hoạch này đã bị ngưng lại đến năm 2014 do những khó khăn về kinh tế, và người ta đặt câu hỏi liệu công trình này bao nhiêu phần trăm khả năng sẽ thành hiện thực?
Việt Lâm