(Thethaovanhoa.vn) - Bức tượng Trần Hưng Đạo, người anh hùng dân tộc với 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông đã được dựng ở quần đảo Trường Sa. Vị danh tướng, tay phải cầm Hịch tướng sĩ, tay trái đặt lên đốc kiếm, oai nghiêm nhìn thẳng ra phía biển.
Hẳn không nhiều người biết, nguyên mẫu bức tượng đã được tạc 20 năm về trước, và tác giả của tượng chính là hoạ sĩ Vương Duy Biên, nay là Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL.
Một tượng đài bằng đá xanh đặt tại đảo Song Tử Tây do nhân dân tỉnh Nam Định đóng góp, một bức tượng bằng gốm Chu Đậu đặt tại đảo Trường Sa lớn do nhân dân tỉnh Hải Dương tặng. Cả hai bức tượng đều lấy nguyên mẫu từ tượng đài Trần Hưng Đạo ở Quảng trường Mùng 3 tháng 2 tại thành phố Nam Định, quê hương Hưng Đạo Đại Vương.
Hoạ sĩ Vương Duy Biên. Ảnh HNM |
Khăn vấn, áo vải
Ngược trở lại hơn 20 năm trước, những năm 89, 90, tỉnh Nam Định phát động cuộc thi mẫu tượng Trần Hưng Đạo, họa sĩ Vương Duy Biên là một trong các nghệ sĩ tham gia cuộc thi. Sau hai vòng tuyển chọn, cuối cùng bức tượng của Vương Duy Biên được Hội đồng nghệ thuật chấm giải Nhất, và quyết định dùng mẫu tượng này để xây dựng tượng đặt tại Nam Định.
Khi sáng tác, họa sĩ Vương Duy Biên tâm niệm: “Phải hình dung, Trần Hưng Đạo không phải là tướng nhảy lên ngựa để phi, đâm chém mà ông là tướng về chiến lược, ông có Hịch tướng sĩ, có Binh thư yếu lược… Tôi quyết định tạc ông tay phải ông cầm Hịch tướng sĩ, tay trái cầm gươm”.
Tạo dựng lại một nhân vật lịch sử tầm vóc, từ thế kỷ 12, 13 mà hoàn toàn không có tư liệu về mỹ thuật, hình ảnh nên anh đã tìm cách trao đổi, tham khảo kĩ lưỡng ý kiến các nhà sử học.
Hoạ sĩ Vương Duy Biên phác toàn bộ mẫu tượng bằng giấy, và chọn mẫu phóng lên đất rồi tham khảo ý kiến GS Hà Văn Tấn, là một trong “tứ trụ” của giới sử học, người nghiên cứu rất kỹ về đời Trần, người đã viết ba tập sách về ba lần đánh quân Nguyên Mông.
Lễ khánh thành tượng đài Trần Hưng Đạo tại Nam Định năm 2000
GS Hà Văn Tấn xem xét phác thảo và nói rằng: “Về chứng cứ thì chúng ta cũng không thể nói rằng cụ cao hay thấp, béo hay gầy. Nhưng theo nghiên cứu của tôi về đời Trần, theo kiến thức của tôi thì tôi cảm nhận đây là Trần Hưng Đạo”. Được nghe cảm nhận về người làm sử hàng đầu, lại vốn nghiên cứu rất kỹ về đời Trần nên họa sĩ trẻ Vương Duy Biên rất tự tin.
Anh tiếp tục hoàn chỉnh tượng và phóng lên chiều cao 1,2 mét. Và với bức 1,2 mét, anh tranh thủ hỏi ý kiến của một trong “tứ trụ” khác, GS Phan Huy Lê. GS Lê cũng có ý kiến gần như GS Hà Văn Tấn. GS Phan Huy Lê nói: “Tôi không thể nói được giống hay không giống Trần Hưng Đạo, mũi cao hay thấp, mặt dài hay tròn, nhưng cảm nhận của tôi là ra một vị tướng Việt Nam rất là trí dũng. Bức tượng toát ra được cái thần của một vị tướng Việt Nam, không bị lẫn với nước ngoài. Trang phục Việt Nam, thần thái Việt Nam và toát lên được ở ông là văn võ song toàn”.
Hơn 20 năm trước, trong khi phần lớn các mẫu tượng tạc Trần Hưng Đạo tay nắm vào chuôi kiếm, rồi tay tuốt kiếm, nhưng với Vương Duy Biên, người luôn quan niệm, trong con người Trần Hưng Đạo, cái văn là chính, văn chính là chiến lược, văn chỉ đạo võ, nên tay phải ông cầm Hịch tướng sĩ đặt lên tâm, còn tay trái đặt lên kiếm. Trần Hưng Đạo không cầm kiếm mà tay tì lên đốc kiếm. Hình ảnh ấy lí giải rằng dân tộc ta yêu hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh, không bao giờ chủ động chiến tranh, chúng ta cũng luôn vững tin vào việc là không bao giờ phải rút kiếm ra nhưng chúng ta luôn cảnh giác, luôn sẵn sàng. Quan điểm ấy được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao.
Điều họa sĩ muốn gửi gắm là bức tượng phải khẳng định được đây là vị tướng của Việt Nam. Thời Trần từ vua đến quan rất là bình dị, anh tạc Trần Hưng Đạo vấn khăn, áo vải mà không mang mũ mão, giáp trụ. Phong thái ấy tự nhiên đạt được độ giản dị của vị tướng nước Nam.
|
Năm 1997, Nam Định quyết định đúc bức tượng đồng Trần Hưng Đạo cao hơn chục mét. Đó là bức tượng đồng lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó, tuy nhiên, rất ít cơ sở đúc đồng có thể đúc được những tượng lớn như vậy. Tỉnh Nam Định cử cán bộ đi khảo sát các làng đúc đồng Ngũ Xá (Hà Nội), Ý Yên (Nam Định), và một số nơi nữa. Nhưng những khả năng và giải pháp đúc tượng đưa ra khiến lãnh đạo tỉnh cũng không thật yên tâm. Lãnh đạo Nam Định rất đắn đo, chưa ai đúc tượng đồng to như vậy.
Trong khi đó có thông tin giới thiệu trong Đồng Nai có một cụ nghệ nhân đúc đồng rất nổi tiếng. Và khi nghệ nhân này trình bày các giải pháp về mặt kỹ thuật thì mọi người đều tin tưởng, đánh giá là khả thi. Lúc đó, tỉnh mới quyết định đúc tượng trong Đồng Nai, sau đó vận chuyển về Nam Định.
Nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất Hưng Đạo Đại Vương, tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ giỗ và khánh thành tượng. Từ 11h đêm 16/9 đến sáng ngày 17/9/2000 hơn 3 vạn người ngồi im phăng phắc tại quảng trường Mùng 3 tháng 2 chứng kiến lễ hô thần nhập tượng, không khí im lặng và linh thiêng. Họa sĩ Vương Duy Biên cũng có mặt trong đoàn người, trong không khí ấy anh biết rằng, có một tín điều rất mạnh nên hơn 3 vạn con người đều tin sau lễ ấy cụ đã về nhập tượng. Đó cũng là niềm tin về anh linh các vị tiền nhân dựng nước và giữ nước luôn đồng hành cùng dân tộc.
Để có một tượng đài đẹp, không gian đặt tượng đài quyết định phần quan trọng. Khi đưa nguyên mẫu bức tượng ra Trường Sa, một không gian khác, họa sĩ Vương Duy Biên không chỉ đồng tình mà còn rất tự tin vào uy phong mẫu tượng. Khi làm tượng, anh tinh ý điều chỉnh dáng tượng. Nếu tượng vĩ nhân thường chân đứng thẳng, vai thẳng, đầu thẳng nhìn cứng nhắc. Nhưng tượng của anh, thế chân bước lên bước xuống, người hơi xoay, đầu hơi ngoảnh nên tượng có bước chuyển không bị tĩnh.
Bức tượng đặt ở Trường Sa có ý nghĩa lớn lao về chủ quyền biển đảo. Bởi chính vị tướng ấy đã đi vào lịch sử cùng chiến công trong cuộc chiến chống nguyên Mông với chiến thắng vĩ trên sông nước Bạch Đằng. Đây là một yếu tố tinh thần để chúng ta khẳng định chủ quyền, động viên chiến sĩ, đồng bào giữ vững chủ quyền dân tộc. Và cũng nhấn mạnh, chúng ta giữ chủ quyền bằng tinh thần hòa bình, không muốn chiến tranh, nhưng mình luôn cảnh giác để giữ nguyên bờ cõi. Bức tượng là hình ảnh một dân tộc hòa hiếu nhưng luôn sẵn sàng.
Mạnh Cường