Tấm vải lanh có dính máu nói trên vẫn được cho là vải liệm Chúa Jesus Christ sau khi ngài bị đóng đinh trên cây thập tự. Mang dấu vết hình ảnh một người đàn ông cao lớn, tóc dài, có râu và dường như đã phải trải qua sự đau đớn về thể xác, tấm vải này được cất giữ trong nhà nguyện của nhà thờ Saint John The Baptist ở Turin, miền Bắc Italia, từ hơn 500 năm qua.
Gương mặt Chúa Jesus Christ được tái tạo với hình ảnh 3-D
“Nếu muốn có hình ảnh chính xác về gương mặt của Chúa Jesus thì bạn chỉ có thể nhờ cậy đến một vật duy nhất, đó là tấm vải liệm” - Ray Downing, nghệ sĩ đồ họa kiêm giám đốc studio Macbeth, nói.
Các chi tiết trên tấm vải liệm là một trong những yếu tố chính giúp nhóm nghệ sĩ đồ họa dựng lại hình ảnh gương mặt Chúa. Tấm vải liệm cổ này có những dấu vết đằng trước và sau của một cơ thể người cùng với máu, bụi bẩn... Sử dụng công nghệ hiện đại, sau một năm làm việc, nhóm nghệ sĩ đồ họa đã “vẽ” được một gương mặt rõ ràng từ tấm vải đó. Downing, người từng sử dụng máy tính để phục dựng những hình ảnh về Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, cho biết: “Bằng việc mô phỏng những dấu vết trên tấm vải liệm, chúng tôi có được hình ảnh rồi phân tích xem gương mặt đó trông như thế nào... Cách làm này đã giúp chúng tôi có được một phác họa của gương mặt”.
Hình ảnh này được tạo nên dựa trên những chi tiết từ tấm vải liệm thành Turin
Hình ảnh phục dựng nói trên sẽ được giới thiệu trong chương trình truyền hình đặc biệt mang tên The Real Face Of Jesus của kênh History. Thế nhưng, kết quả đó có thể gây kinh ngạc cho nhiều khán giả bởi nó không tương đồng với những hình ảnh quen thuộc về Chúa Jesus.
Người ta không biết hình ảnh được tạo nên bằng máy tính này có thể đi vào cuộc sống hay không nhưng chắc chắn nó sẽ thu hút mối quan tâm đặc biệt từ các tín đồ Thiên Chúa giáo và cả những người hiếu kỳ.