Tập tục tảo hôn

Chủ nhật, 04/12/2011 13:25 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng/ Chị em cho mượn cái gàu sòng/ Đi đến chỗ lội múc chồng tôi lên (Ca dao)

Cho con cái kết hôn ngay từ tuổi vị thành niên là một tập tục cổ xưa ở phương Đông. Tập tục này thấy được ở Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ và Việt Nam.

Tuy nhiên mỗi nước có cách thức, quan niệm và đối xử với vợ chồng trẻ khác nhau. Riêng ở Việt Nam, tục tảo hôn chính thức được chấm dứt từ năm 1945, dù ở vài vùng khác nhau người ta vẫn tiếp tục cho tảo hôn, đến ngày nay, là ở vài sắc tộc và được coi là cưới chui.

Với người phương Đông xưa, trong hôn nhân và gia đình, tình yêu đóng vai trò thứ yếu. Nam nữ kết hôn phần nhiều không phải vì yêu nhau, và cũng có yêu nhau cũng chưa chắc đã lấy được nhau, tất cả do bố mẹ sắp đặt. Người ta quan niệm rằng tình yêu đến sau, trong quá trình ở với nhau bền vững hơn những tình cảm ngẫu nhiên ban đầu. Việc cho con cái lấy vợ lấy chồng trước tuổi thanh niên, chưa biết yêu là gì, cũng nhằm đưa tình yêu đến sau vậy. Họ sẽ ràng buộc với nhau bởi các trách nhiệm với đại gia đình và dòng họ, rồi với gia đình riêng của họ.



Một gia đình nhà giàu ở Sài Gòn, chồng, vợ cả, vợ lẽ và một đàn con. Bưu ảnh Đông Dương đầu TK 20. Nguồn: NXB Thế giới.

Việc tảo hôn có thể từ lý do kinh tế. Cô con gái nhà nghèo, có nhan sắc, và sắp lớn, được sắp đặt lấy thằng cu nhà giàu, cô ta phải bế ẵm chồng mình như chăm đứa con trai bé. Câu ca dao sau cho biết điều đó:

Em tham giàu, em lấy thằng bé tỉ ti

Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ

Em đem thân cho thằng bé nó dày vò

Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng

Cũng đã mang là gái có chồng,

Chín đêm trực tiết nằm không cả mười

Nói ra sợ chị em cười,

Má hồng bỏ quá một thời xuân xanh…

Việc tảo hôn có thể từ lời hứa hẹn của hai gia đình, muốn môn đăng hậu đối, lại có thể cần thêm người lao động về nhà. Cho nên trong tảo hôn, phụ nữ thường lớn tuổi hơn nam giới, bởi vì trong lao động nông nghiệp và nội trợ xưa phụ nữ đóng một vai trò chính yếu, trừ đi cày, còn hầu như tất cả các việc đồng áng và bếp núc họ phải đảm nhiệm cả.

Lấy chồng từ thuở mười lăm

Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi

Đến năm mười tám, đôi mươi

Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường

Một rằng thương, hai rằng thương

Có bốn chân giường gãy một còn ba

Ai về nhắn mẹ cùng cha

Chồng tôi nay đã giao hòa với tôi

Hoặc:

Lấy chồng từ thuở mười ba

Năm nay mười tám thiếp đà năm con

Ra đường thiếp hãy còn son

Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.

Hai bài ca dao trên cho thấy người phụ nữ trong tảo hôn có thể đã là 13, hoặc 15 tuổi Âm lịch. Theo quan niệm nữ thập tam nam thập lục, tức là nữ 13 tuổi, nam 16 tuổi là tuổi dậy thì, có thể sinh hoạt tình dục được.

Trên thực tế tuổi tảo hôn của phụ nữ có thể là từ 9 đến 15 tuổi Âm lịch, còn nam thì sớm hơn từ 5 đến 7 tuổi. Người con gái thường lớn hơn con trai từ 4 đến 10 tuổi. Tình trạng đó, người ta phải quản lý anh con trai, ngoài 10 tuổi thì thi thoảng được vào nằm với vợ, và đến 15 tuổi thì cho tự do. Việc cho nằm chung của hai đứa trẻ con cũng là một vấn đề, đôi khi chúng không chịu và đánh nhau chí tử, cho đến khi biết thích người khác giới thì tự ổn thỏa.

Tục tảo hôn, thực ra không phổ biến ở những người nông dân nghèo, mà thường chỉ ở những nhà tương đối khá giả. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đa thê sau này. Người phụ nữ thường già nhanh - Trai ba mươi tuổi đương xoan / Gái ba mươi tuổi đã toan về già. Ông chồng nhà giầu, tiếp tục tìm một cô vợ bé trẻ trung khác, và để yên ổn gia đình, tốt nhất là người vợ già tự đi tìm vợ để cưới cho chồng. Tục tảo hôn cũng để lại nhiều bi hài và dù sao cũng là một thời của loài người.

  Phan Cẩm Thượng



Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›