(Thethaovanhoa.vn) - Thất bại của Fan cuồng thực sự là một cú sốc. Vì ít nhất 5 bộ phim trước đó của bộ đôi Charlie Nguyễn – Thái Hòa đã giúp thị trường Việt Nam biết thế nào là phim doanh thu triệu đô. Thất bại này khiến những ai tin ở Thái Hòa đặt câu hỏi phải chăng "ông vua phòng vé" Thái Hòa đã hết "thiêng"? Điều gì đang xảy ra?
Cho đến thời điểm này, chỉ Thái Hòa xứng danh "ông vua phòng vé" tại Việt Nam. Anh đã vượt qua Hoài Linh vốn là "át chủ bài" của các bộ phim hài mùa phim Tết. Thái Hòa bứt phá vì từ một diễn viên, đạo diễn sân khấu anh đã thích nghi hoàn toàn với điện ảnh, chứ không nửa sân khấu, nửa truyền hình như Hoài Linh.Charlie Nguyễn, Thái Hòa - vì ta cần nhau
Về mặt tạo doanh thu cho phim, Thái Hòa vẫn là số Một. Lần lượt Long ruồi, Để Mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ có Thái Hòa tham gia đại thắng ở rạp Việt. Thái Hòa chính thức xác lập danh hiệu "ông vua phòng vé" nhờ Tèo Em (2013) và Để Mai tính 2 (2014) với doanh thu lần lượt là 80 tỉ đồng, 100 tỉ đồng. Cho đến nay mới có Em là bà nội của anh vượt doanh thu Để Mai tính 2 với 102 tỉ đồng.
Dù đóng vai phụ hay vai chính, Thái Hòa đều tỏa sáng. Xem Để Mai tính, gần như khán giả chỉ còn nhớ đến "chị Hội" dù đó là vai phụ của Thái Hòa. Khán giả thích vai này đến nỗi, kéo nhau đi xem Thái Hòa giả gái trong Cưới ngay kẻo lỡ, dù đây là một vai giả gái nhạt nhẽo, với hóa trang sơ sài.
Để có được một Thái Hòa như ngày hôm nay là nhờ công của đạo diễn Charlie Nguyễn. Anh đã khai thác được chất hài bẩm sinh của Thái Hòa, giúp diễn viên này xây dựng thành công hình tượng một nhân vật ngốc nghếch, khù khờ, nhiều chuyện (Long Ruồi, Tèo Em) và hình tượng chàng "bóng" đỏng đảnh, đầy mẫn cảm Phạm Hương Hội (Để Mai tính, Để Mai tính 2).
Nhưng ngược lại, Thái Hòa là một diễn viên tài năng. Cái "duyên" của Thái Hòa lớn đến mức, khán giả có thể bỏ qua những nhạt nhẽo trong kịch bản phim của Charlie Nguyễn, có thể bỏ qua những chi tiết nhảm không thể thảm hơn của bộ phim sau này như Để Mai tính 2. Cho dù Fan cuồng bại về doanh thu, nhưng Thái Hòa vẫn sẽ là một thương hiệu.
Chọn đúng điểm rơi
Sự kết hợp của Thái Hòa và Charlie Nguyễn thành công vì rơi đúng thời điểm thiên thời địa lợi nhân hòa, khi Việt Nam đang "khát" phim giải trí thương mại.
Những ngón nghề học hỏi được ở Mỹ của Charlie Nguyễn chỉ là "muỗi" so với Hollywood, nhưng lại đắc dụng tại Việt Nam. Charlie Nguyễn như một "đầu bếp" thực hành Fusion Food (ẩm thực pha trộn). Anh nắm được công thức, đặc trưng thể loại phim của Hollywood, kết hợp với một câu chuyện Việt Nam, diễn viên Việt Nam, tạo nên bộ phim thỏa mãn nhu cầu của khán giả nội địa.
Nhưng vì sao tớiFan cuồng khán giả không bỏ qua để tới rạp xem Thái Hòa? Dù Fan cuồng chưa thật trọn vẹn, nhưng trước kia Cưới ngay kẻo lỡ, Để Mai tính 2 dở mà vẫn đắt khách đấy thôi. Phải có lý do nào khác chứ.
Có vô số lý do được đưa ra mổ xẻ: Fan cuồng không hài, không Rock như khán giả mong đợi; Thất bại vì kịch bản nhạt nhẽo, diễn xuất của diễn viên Johnny Trí Nguyễn gượng gạo; Khán giả và thị trường đã đổi thay...
Tất cả đều có lý, tuy nhiên phải tính thêm lý do: truyền thông. Đánh giá của truyền thông cũng khó đoán như sở thích của khán giả vậy. Cưới ngay kẻo lỡ, Để Mai tính 2 là phim dở của Charlie Nguyễn, nhưng đã nhận được những phản hồi khá tích cực khi phim ra mắt, rất ít bài báo chê.
Fan cuồng không được "may mắn" như thế. Sau khi một vài bài lẻ tẻ chê Fan cuồng, thì hàng loạt bài chê khác xuất hiện. Điều này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu.
Ngoài ra phải tính tới thời điểm ra mắt phim. Để Mai tính 2 sở dĩ thành công lớn vì ra rạp vào thời điểm cận kề mùa Noel 2014, không phải cạnh tranh với những bom tấn Mỹ. Mặt khác khán giả đã quá yêu thích nhân vật "chị Hội" trong phần 1 nên rất muốn xem phần 2.
Tới năm nay, việc xếp lịch phim ở các rạp căng thẳng hơn rất nhiều khi mỗi tuần có 3-4 phim mới vào rạp, mà toàn phim bom tấn. Thời điểm Fan cuồng ra rạp, phải đấu với những đối thủ như: Tẩu thoát ngoạn mục, Đẳng cấp thú cưng, Ác mộng bóng đêm, sau đó là bom tấn Mỹ nối nhau vào rạp như Star Treck, Siêu điệp viên Jason Bourne. Chẳng nhà phát hành, và chủ rạp nào có thể bỏ qua mối lợi này.
Sự thất bại của Fan cuồng, không đơn thuần là thất bại của một ê-kíp. Một phim do một ê-kíp tạo phim "triệu đô" thực hiện mà còn thất bại, thì các phim khác sẽ sống thế nào trong giữa một thị trường tràn ngập phim ngoại, khó đoán định như hiện nay? Có một nỗi lo không hề nhẹ.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags