Vở kịch là câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của Lam - người phụ nữ đã chịu nhiều bất hạnh: hy sinh tình yêu, làm vợ của kẻ thù để cứu cha khỏi bị giam cầm, rồi cha chết, chồng chết, một mình nuôi con… Dường như những câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vận vào cuộc đời Lam và quả thực, những câu thơ theo sát cuộc đời Lam. Vào những khoảnh khắc đau đớn hay mừng vui trong cuộc đời, Lam đều nhớ đến những câu Kiều và ru hồn mình vào đó. Nguyễn Du, rồi Thúy Kiều, Kim Trọng… lấp ló hiện lên sau trang sách hay bước ra giữa cuộc đời để an ủi, động viên và chia sẻ với Lam. Lam tự vấn mình hay đem những tâm sự, băn khoăn, trăn trở giãi bày cùng Nguyễn Du, Thúy Kiều…
Những câu Kiều vang lên ăm ắp tâm sự của người đàn bà Việt trong suốt vở kịch, cùng với những làn điệu dân ca xứ Nghệ, ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh) và tiếng hát phiêu diêu của ca sĩ Mai Hoa (âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Đài) cộng hưởng với nhau góp phần khắc họa số phận nhân vật và làm đậm đặc thêm không gian của một vùng văn hóa xứ Nghệ. Những tràng pháo tay vang lên mỗi khi NSƯT Hồng Lựu (vai Lam), NS Thành Vinh (vai Trọng), NS Hồng Dương (vai Thúc)… cất lên tiếng ca đầy âm sắc xứ Nghệ. Có những khán giả không cầm được mắt khi bi kịch dồn dập đến với Lam nhưng sau đó cũng không nhịn được cười và vỗ tay không ngớt trước màn đối đáp hóm hỉnh của trai gái trong làng theo lối hát phường vải - một đặc sản văn hóa xứ Nghệ…
Tuy nhiên, có cảm giác vở diễn còm rườm rà, tham chi tiết, lời thoại có lúc còn lên gân.
Với vở diễn thử nghiệm này, khán giả vẫn cảm nhận được cái hay, cái đẹp của sân khấu kịch hát dân tộc… Đúng như một vị trong Hội đồng giám khảo LH đã nói: thử nghiệm không phải đi tìm đâu xa mà ở bên cạnh mình, với những gì mình có để làm cho vở diễn hay hơn, hấp dẫn hơn. Và quả thật, vở diễn này không phải là “cuộc chơi” của đạo diễn với vài trăm triệu đồng đầu tư… mà có thể bước ra đời sống và đến với khán giả hàng đêm.
Hải Đông