(Thethaovanhoa.vn) - Ý tưởng biến Nhà hát Lớn trở thành điểm đến đặc biệt trong lộ trình thăm Hà Nội của du khách đã tiến thêm một bước. Cụ thể, vào chiều qua 10/5, tour thăm quan tại địa điểm này đã "chạy thử" lần đầu tiên.
- 'Công viên mở' Nhà hát Lớn: Cần một quy hoạch xứng tầm
- Bộ VH,TT&DL: Dư luận bức xúc hơi vội vã trong việc sơn lại Nhà Hát Lớn
Cụ thể, đây là buổi tham quan thí điểm dành cho báo giới và đại diện của hơn 20 hãng lữ hành tại Hà Nội. Nếu thuận lợi, tour tham quan này có thể được tổ chức từ tháng 6 tới đây.
Xứng đáng là "điểm đến"
Tour tham quan Nhà hát Lớn có thời gian khoảng 30 phút, theo lộ trình lần lượt từ khu vực tiền sảnh tới cầu thang lớn, tầng 2, phòng gương, ban công, tầng 3... của Nhà hát.
Lần lượt, du khách được giới thiệu về diện tích, chiều cao, thông số xây dựng, đặc điểm thiết kế... của Di tích Kiến trúc Quốc gia đặc biệt này. Đó không phải là những con số hay khái niệm khô cứng, mà kèm theo các mẩu chuyện thú vị về "tuổi thọ" hơn 100 năm tồn tại của Nhà hát.
Chẳng hạn, đó là chuyện về kinh phí vượt mức" khi người Pháp xây dựng Nhà hát, chuyện về những tấm phông màn có in hình tháp Rùa trong quá khứ (trước khi được thay bằng màn nhung). Hoặc gần nhất, chuyện các chuyên gia Việt Nam đã tìm được mẫu đá phiến từ Lai Châu để trang trí mái vòm Nhà hát khi trùng tu năm 1995 (thay vì nhập đá Ardoise từ Pháp với giá siêu đắt) cũng khiến người xem hào hứng.
Bên cạnh đó, tour tham quan cũng đưa du khách đến với những sự kiện lịch sử gắn với không gian quanh Nhà hát Lớn. Không chỉ là những lời thuyết minh vềi buổi chiều 19/8/2915 hay kì họp Quốc hội đầu tiên tại đây năm 1946, người xem còn được thấy những "nhân chứng" tồn tại theo thời gian như chiếc gương tại phòng khánh tiết bị vỡ do đạn bắn vào trong ngày Toàn quốc Kháng chiến, hay phần ban công nhô ra Quảng trường, nơi Bác Hồ phát động Tuần lễ Vàng trong lịch sử.
Sự thực, dù đã tới Nhà hát Lớn xem biểu diễn nhiều lần, đại diện nhiều hãng lữ hành vẫn khẳng định: tour tham quan và giới thiệu địa điểm này rất độc đáo và hấp dẫn bởi những nội hàm văn hóa – lịch sử đi kèm trong suốt 2 thế kỷ.
"Với thiết kế Pháp chịu ảnh hưởng từ Nhà hát Opéra Garnier ở Paris, và lịch sử tồn tại hơn trăm năm, Nhà hát Lớn Hà Nội là điểm đến đặc biệt của Việt Nam và cả khu vực" – ông Nguyễn Quý Phương, vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết. "Thậm chí, ngoài du khách châu Á, tôi tin du khách Châu Âu cũng hào hứng nếu có dịp tới đây".
Nhưng không dễ... bán vé
Thế nhưng, phần tham quan kiến trúc Nhà hát Lớn là điểm sáng duy nhất của tour du lịch này. Theo nhiều chuyên gia, để hoàn thiện hơn và đi vào hoạt động sẽ còn rất nhiều vấn đề đặt ra trong khâu tổ chức.
Cụ thể, theo dự kiến, các tour tham quan trong tương lai sẽ gồm 2 "gói": chỉ thăm Nhà hát hoặc có kèm thêm phần xem biểu diễn nghệ thuật. "Gói" đầu tiên dự kiến tổ chức 3 buổi/ngày vào thứ Ba, thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần với mức giá 120 ngàn đồng/người (áp dụng cho cả trong và ngoài nước). Gói thứ hai dự kiến diễn ra vào hai buổi sáng thứ Hai và thứ Năm mỗi tuần, với mức giá 400 ngàn đồng/người.
Thế nhưng, phần biểu diễn nghệ thuật trong chương trình "chạy thử" này bị đánh giá là chưa đủ hấp dẫn với khách du lịch, khi vẫn là những tiết mục truyền thống về tuồng, múa, biểu diễn sáo, diễn xướng chầu văn, biểu diễn đàn T' rưng.
"Chương trình dàn trải, thiên về việc "khoe" với du khách những nghệ thuật truyền thống chúng ta có mà chưa quan tâm tới nhu cầu thật sự của họ" – anh Nguyễn Hồng Nguyên, đại diện Công ty Hà Nội Tourist, nhận xét." Mức giá 120 ngàn đồng và 400 ngàn đồng thì nói thẳng là đắt – khi mà chương trình mới tổ chức và chưa có thương hiệu".
Tương tự với ý kiến này, bà Đỗ Bích Ngọc (Công ty Khiri Travel Việt Nam) đặt ra sự so sánh về mức giá, khi chương trình đang hút khách như Rối nước Thăng Long, Tứ phủ.... chỉ có giá tối đá 100 ngàn đồng/người. Còn bà Thúy Hà (Giám đốc Công ty Threeland Travel) thẳng thắn cho rằng ở giai đoạn này, tour chỉ nên thu ở mức 50 ngàn đồng/người, thậm chí là miễn phí với những du khách chỉ muốn tham quan Nhà hát.
Ở một góc độ khác, lịch tổ chức các tour tham quan cũng được nhiều chuyên gia cho là chưa hợp lý.Bởi, các tour du lịch tham Hà Nội thường tận dụng thời gian ban ngày dành cho các hoạt động ở ngoài trời, và dành thời gian buổi chiều hoặc tối cho phần hoạt động trong nhà. Đặc biệt, trong thời điểm tour du lịch này hướng tới du khách nước ngoài ở giai đoạn mới hoạt động – như lời khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu - việc lựa chọn thời điểm tham quan lại càng quan trọng.
"Mở được tour du lịch này là điều tích cực, nhưng chúng ta hãy gắng xây dựng và cùng hoàn thiện nó một cách chuyên tâm" – anh Nguyễn Hồng Nguyên chia sẻ thêm. "Bởi, chỉ khi khẳng định được là sản phẩm du lịch chất lượng tốt, phía tổ chức mới có ưu thế để áp đăt mức giá cũng như thời gian tham quan đối với du khách".
Theo dự kiến, trong tương lai, tour thăm quan Nhà hát Lớn có thể sẽ được kết nối với lịch trình tham quan Phố cổ hoặc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trong buổi vận hành thí điểm ngày 11/5, các du khách cũng được tạo điều kiện trải nghiệm tham quan tại các điểm này. |
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags