(TT&VH) - 20h tối nay, đêm nhạc cổ điển với một câu chuyện đầy xúc cảm về tình yêu được bắt đầu từ sự đơn độc thi vị của con người cho đến những khúc ca về tình yêu sẽ được thể hiện qua tiếng đàn và tiếng hát của hai nghệ sĩ trẻ tài năng Trang Trịnh & Park Sung Min tại hội trường Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Sau lần đầu tiên ra mắt công chúng Việt Nam với Nhật ký dương cầm, Trang Trịnh tổ chức đêm diễn thứ 2 không có họp báo mà vé vẫn bán hết trước đêm diễn 2 tuần. Dường như, Trang Trịnh đang tạo được một sức hút đối với khán giả yêu nhạc cổ điển. Với chủ đề tình yêu, chương trình thứ 2 này của Trang Trịnh cũng sẽ hứa hẹn đem lại nhiều trải nghiệm thú vị dành cho khán giả.
* Sau những ý tưởng của Nhật ký dương cầm, lần này Trang Trịnh sẽ đem đến “thực đơn” gì cho khán giả?
- Mình muốn đem đến một món ăn mới cho mọi người với phần 1 của chương trình có chủ đề Sự đơn độc thi vị, đó là những tác phẩm của Debussy, phần 2 là 2 trích đoạn opera kể về những câu chuyện tình yêu, do nghệ sĩ Park Sung Min thể hiện và kết thúc chương trình sẽ là một tác phẩm của Granados mà nghe nó cũng tựa như My Heart Will Go On vậy. Chương trình sẽ có những lời dẫn, những dòng tự sự của nghệ sĩ trước tác phẩm sẽ trình diễn, nhằm hỗ trợ cho việc thưởng thức âm nhạc của Debussy, vì nó hơi khó nghe và những tác phẩm này có thể chưa được biểu diễn nhiều ở Việt Nam.
* Sau lần trình diễn đầu tiên, Trang còn ngại ngùng khán giả Việt Nam không quen thưởng thức âm nhạc cổ điển?
- Trong chương trình trước, mục đích của tôi là muốn tạo ra nhiều kênh khác nhau để khán giả có thể tiếp cận được với âm nhạc cổ điển. Và tôi theo dõi khán giả của mình qua mạng xã hội, thấy được những phản hồi tích cực của của họ, có những người nói rằng lần đầu tiên họ cảm thấy mình không bị lạc lõng hay bị coi thường khi đến nghe một chương trình nhạc cổ điển. Họ còn thấy rất thú vị khi được nghe nghệ sĩ nói về những suy nghĩ, cảm nhận của mình đối với tác phẩm trình diễn hôm đó.
Tôi cũng đã dần tìm hiểu được thị hiếu của khán giả trong nước và thấy để người nghe có thể cảm nhận và như thấy được mình trong một tác phẩm nào đó, thì điều đầu tiên là họ cần nghe nhiều. Nghe nhiều rồi sẽ muốn nghe nữa. Bên cạnh đó, về chuyên môn thì những nhà tổ chức chương trình nên thực hiện một chương trình mang tính chủ đề với những tác phẩm có sự kết nối với nhau về nội dung.
* Còn khán giả châu Âu, họ dón nhận chị như thế nào trong chuyến lưu diễn vừa rồi?
- Đây là lần thứ 2, tôi thực hiện chuyến lưu diễn của mình tại châu Âu. Ở đó, thường thì khán giả không đi nghe vì nghệ sĩ, mà đi nghe vì họ muốn được nghe nhạc sống (live) và được thưởng thức tác phẩm - tác giả mà họ yêu thích. Không như ở Việt Nam, nhiều người nói, đi nghe hòa nhạc làm gì, nghe đĩa còn sướng hơn và họ thích mua đĩa của những người nổi tiếng và nghe với dàn đĩa “xịn”.
Có lẽ vì chất lượng biểu diễn ở Việt Nam chưa được cao. Trong khi ở châu Âu, mặt bằng biểu diễn rất tốt nên khán giả có niềm tin vào người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ đến từ những nơi khác nhau trên thế giới như Việt Nam. Đấy là cơ hội để họ thưởng thức âm nhạc từ những nền văn hóa khác nhau. Vì thế, chơi ở châu Âu, tôi không bị áp lực kiểu như Trang Trịnh học ở đâu thì phải chơi đến mức nào đấy. Họ đến nghe Trang Trịnh chơi, đơn giản là vì họ muốn nghe Beethoven... Tôi cũng rất mong khán giả Việt Nam của mình sẽ như vậy.
Trang và Min
* Theo đuổi dòng nhạc cổ điển có ảnh hưởng nhiều đến tính cách, quan điểm sống của chị không?
- (Cười). Trước hết, tôi là một người khá cổ điển nhưng không phải vì mình chơi nhạc cổ điển đâu nhé. Nên nếu khái niệm “thoáng” trong hôn nhân thì mình nghĩ việc sống thử trước hôn nhân là không nên. Sống thử thì dễ, có thể chia sẻ về tài chính nhưng những vấn đề phức tạp hơn trong mối quan hệ gia đình thì có thể tiếp tục đồng hành cùng nhau được không?
* Trong thế giới nhạc cổ điển, có khi nào cần đến PR và có cả sự “đánh đổi” như thế giới showbiz hào nhoáng?
- Với tôi, PR là là một khái niệm “trong sạch”. Trong trường, chúng tôi có một môn học mà mỗi người đều phải tạo lập cho mình một website. Và tôi nghĩ, những nghệ sĩ cổ điển hiện nay đều cần phải có những kỹ năng như vậy thay vì dựa vào các nhà quản lý như trước đây. May mắn là làm nghệ thuật trong thế giới của tôi không quá khó khăn. Tuy nhiên, đằng sau những hào quang thì đôi khi vẫn có những chuyện không trong sáng. Đó là một sự thật. Dĩ nhiên, người nghệ sĩ là người quyết định mình có đánh đổi để có được một cái gì đó không? Ngoài ra, sẽ là một sự cạnh tranh khá khắc nghiệt từ chính những người bạn của mình. Đó đơn giản có khi chỉ là việc làm thế nào để có được chiếc đàn tập tốt nhất trước một kỳ thi, vì sẽ không có chuyện xếp hàng theo thứ tự trước cổng trường, lúc 7h sáng mùa đông ở London. Và khi đó, bạn cũng mới biết, ai là bạn thân thực sự của mình.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này !