(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 19h45 ngày 22/10 tại Gem Center (TP.HCM) sẽ diễn ra phiên đấu giá nghệ thuật “Thiện Nhân và những người bạn”, với 2/11 tác phẩm có giá khởi điểm tiền tỷ.
- Tranh Bùi Xuân Phái lên sàn đấu giá: Kiệt tác của 'thời kỳ nâu'
- Ngắm thư pháp họa sĩ Bùi Xuân Phái trong 'phố không Phái'
- Xuất hiện tranh hiếm của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm giữa 'chợ tranh Tết 2016'
Phiên đấu này do Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam (Live To Love Việt Nam) tổ chức, nhằm tìm kiếm kinh phí cho Quỹ Thiện Nhân trong việc phẫu thuật dị tật đường tiểu cho trẻ em.
Sở dĩ phiên đấu thiện nguyện mà có khởi điểm tiền tỷ, vì phía tổ chức nỗ lực tuyển chọn tác phẩm để người tham gia đấu giá không chỉ “vì lòng thiện tâm” mà bỏ tiền cho những vật phẩm không xứng đáng. Nói cách khác, đồng tiền họ bỏ ra và tác phẩm thu về có sự tương thích thỏa đáng, phù hợp với mặt bằng chung của thị trường.
Tiền tỷ đầu tiên là bức Phố cổ Hà Nội (sơn dầu trên bố, 55 cm x 72 cm, vẽ khoảng 1968 - 1972) của danh họa Bùi Xuân Phái, với khởi điểm 77.000 USD (hơn 1,7 tỷ đồng). Tác phẩm đúng nghĩa là kiệt tác, vì nó tiêu biểu cho kỹ thuật Phái và tâm hồn Phái thời kỳ nâu, nó cũng làm nên khái niệm “phố Phái”.
Tiền tỷ thứ hai Tôi - diều gió (sơn dầu và heavy acrylic trên bố, 150 cm x 180cm, 2009) của họa sĩ thời danh Lê Kinh Tài (sinh 1967 tại Đà Nẵng), với khởi điểm 60.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng).
Rời Đà Nẵng vào TP.HCM học mỹ thuật từ đầu thập niên 1990, rồi chọn nơi này để định cư dài lâu. Lê Kinh Tài đã làm nhiều nghề để tồn tại, đã mất hơn 20 năm để tìm kiếm lối đi cho riêng mình. Từ khoảng 2005 - 2007, khi những tác phẩm “nghệch họa” của anh bắt đầu mới được một số nhà sưu tập chuyên nghiệp chú ý. Con đường mà Lê Kinh Tài đi qua và đến thành công bước đầu như hôm nay, chỉ có thể nói bằng một ý ngắn: Kiên trì một cách tự tin, và tự tin một cách kiên trì.
Phiên đấu còn giới thiệu Tượng Phật Dược Sư (tạo tác bằng ngọc lưu ly và vàng 24K, 20cm x 14 cm x 9 cm) với giá khởi điểm là 5.000 USD. Tượng được đảnh lễ, gia trì bởi Đức pháp vương Gyalwang Drukpa, Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa, Nhiếp chính vương Thuksey Rinpoche, và ni sư Jetsunma Tenzin Palmo.
Phiên đấu này còn có các tác phẩm thú vị của thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998), Đinh Thị Thắm Poong, Lim Khim Katy, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Văn Đức, Lê Hào, Đào Xuân Tình, Nguyễn Ngọc Vũ…
Một số tác phẩm khác tại phiên đấu này:
Văn Bảy
Tags