(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần vừa qua, tại Hà Nội đã khai mạc không gian nghệ thuật đương đại và sự kiện nghệ thuật ATUM ATUM. Cuộc ra mắt ghi nhận những tác phẩm có mức giá “khủng” được chào bán với giá: 200.000 USD (tương đương khoảng 4,5 tỷ đồng).
- Khởi động thị trường tranh đương đại mới tại Việt Nam
- Triển lãm tranh đương đại Việt Nam tại Phần Lan
Thị trường nghệ thuật đương đại đang rất sôi động
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Thành, thực tế các nhà đấu giá đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình thông qua việc mua lại và sáp nhập với những gallery nghệ thuật đương đại lớn và đã trở thành những “tay chơi ngoại hạng”. Nhiều hội chợ nghệ thuật lớn trở thành những trung tâm mua sắm hàng đầu đối với nghệ thuật đương đại.
Một con số thống kê cho biết, năm 2013, lần đầu tiên thị trường mỹ thuật đương đại thế giới vượt mức 1 tỷ euro và đạt mức 1,5 tỷ euro năm 2014 (tăng 33% so với năm 2013 và tăng gấp 10 lần trong vòng 1 thập kỷ).
"Metabolism" của họa sĩ Lê Kinh Tài được chào bán với mức giá 200.000 USD
Nói thế để thấy thị trường nghệ thuật đương đại thế giới đang cực kỳ sôi động chứ không “heo hút” như số đông công chúng hình dung. Việc mua một tác phẩm nghệ thuật đương đại cũng không hề đắt đỏ. Theo thống kê của Artprice.com năm 2014 thì gần 80% các tác phẩm nghệ thuật đương đại trên thế giới có thể mua được ở mức giá dưới 5.000 euro.
Còn tại Việt Nam thì sao?
Cô gái trẻ Đoàn Phương Liên cho biết: "Việc bán ra các tác phẩm nghệ thuật đương đại không mấy khó khăn bởi vì khách hàng nhiều người đã cảm nhận được tác phẩm có giá trị cao, hiểu biết về nghệ thuật, hiểu được tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong số người đến xem cũng có các nghệ sĩ đam mê những tác phẩm nghệ thuật đương đại, đây cũng là cơ hội để những người nghệ sĩ được cọ xát với nhau, suy và ngẫm những tác phẩm được các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam sáng tác nên.
Trong ATUM ATUM lần này, đa số tác phẩm với mức giá từ 200 USD trở xuống, ngoài ra còn có 2 tác phẩm đỉnh cao với mức giá là 200.000 USD được rao bán tại Hội chợ lần này.
“Chúng tôi gặp khó khăn ở chỗ những tác phẩm nghệ thuật đương đại có giá trị cao thì rất kén người mua vì người mua cần phải yêu và hiểu biết, hơn nữa phải quan tâm đến nghệ thuật. Các tác phẩm do các nghệ sĩ Việt Nam sáng tác ra khi được chào bán trên thị trường nước ngoài như Singapore hay Philippines được đánh giá là không thua kém là mấy. Nhiều tác phẩm còn được nhiều người đam mê nghệ thuật các nước châu Á đánh giá là rất nổi trội, mang giá trị nghệ thuật cao” - cô Đoàn Phương Liên chia sẻ.
Tranh giá “khủng” bán ở Việt Nam
Trả lời câu hỏi về tác phẩm Metabolism của Lê Kinh Tài đang được bán với giá 200.000 USD (tương đương khoảng 4,5 tỷ đồng), Đoàn Phương Liên cho biết: "Thực ra các tác phẩm nghệ thuật đương đại dễ tiếp cận hơn so với các tác phẩm nghệ thuật cổ điển bởi lẽ để hiểu được tác phẩm nghệ thuật đương đại không khó, chỉ cần người có hiểu biết, yêu nghệ thuật và thường những tác phẩm này mang tính chất nhân văn cao. Lần này chúng tôi có 2 bức tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài được đánh giá là tác phẩm với mức giá “khủng” lên tới 200.000 USD/ 1 bức.
Nhưng so với thị trường châu Á như Singapore hay Philippines thì chưa hẳn đã là cao vì họ đã đạt được mốc giá này từ rất lâu rồi, bởi lẽ nghệ sĩ Việt Nam tài năng không thiếu nhưng để phát triển được họ cần phải có môi trường như môi trường địa chính trị, môi trường văn hoá, nhiều khi các nghệ sĩ không được công chúng biết đến bởi đến bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Việt Nam cũng chưa có.
Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận dần dần, đi bước nào chắc bước đấy để bắt kịp với thị trường trong và ngoài nước.
Tác phẩm Who Am I được Lê Anh Tài vẽ liên tục trong vòng 48 tiếng, sau đó ngưng nghỉ và lại vẽ tiếp 6 tiếng mới hoàn thành, nói điều đó để thấy rằng, công vẽ ra được một tác phẩm thì không nhiều nhưng ở đây người nghệ sĩ phải chiêm nghiệm, nghiên cứu, ấp ủ trong thời gian chờ chín muồi và thời gian xuất thần ấy tác phẩm được ra đời".
Hòa Nguyễn
Thể thao & Văn hóa
Tags