(Thethaovanhoa.vn) - Trong đầu tôi chợt vang về câu ca dao rất hay của người xưa: “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?”. Tôi chợt muốn “lẩy” rằng: "Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Người bao nhiêu tuổi mới là trẻ con" khi đứng trước loạt tranh xuân vẽ dịp Tết Giáp Ngọ 2014 của họa sĩ - nhà lý luận mỹ thuật Nguyễn Quân.
Tất cả gồm 12 tranh ngựa vẽ bằng sáp, mực (khổ 12x18cm); một bức tranh sơn dầu chủ đề phật giáo mang tên “Ba vẻ đẹp, ba nụ cười” (khổ 10x150cm); tranh “Chân dung con gái út” (sơn dầu 70x50cm)...
Khó có thể nói hết trong vài dòng cuộc đời zic-zắc và phong phú của Nguyễn Quân, người hiện nay được coi như là bậc “tiên chỉ” của làng lý luận - bình thưởng mỹ thuật và nghệ thuật tạo hình. Năm nay, niên kỷ của ông đã qua “một vòng hoa giáp” được năm năm (65 tuổi). Có thể nói, loạt tranh Tết vừa kể trên đọng đầy những chiêm nghiệm đầy khoái thú của cả cuộc đời nghệ thuật, cũng như cuộc đời thường của họa sĩ.
Trong Tiết Tháng Ba
Loạt tranh ngựa Tết Ngọ này, họa sĩ vẽ con giáp không theo kiểu cũ nữa mà vẽ... như trẻ con vẽ bằng mực và sáp (tranh). Mười hai bức tranh ngựa, những bức khổ dọc có tên chung là “Vầng trăng trên ngựa”, khổ ngang có tên chung là “Trong tiết tháng ba”. Nhìn loạt tranh này, tôi lại nhớ đến một câu nói của Picasso (lúc danh họa này cũng bằng tầm tuổi Nguyễn Quân bây giờ) khi ông đi xem một triển lãm tranh thiếu nhi: “Lúc bằng tuổi chúng bây giờ, tôi vẽ như Rafael, còn bây giờ, tôi lại vẽ như chúng, và muốn vẽ được như chúng”. Phải nói rằng, nếu Nguyễn Quân vẽ được “như trẻ con” như thế, thì đó là một điều đáng chúc mừng…
Ví dụ so ngay với loạt tranh Rắn vẽ năm ngoái Quý Tỵ bằng pastel trên giấy dó, ta sẽ hiểu ngay rằng tôi nói việc họa sĩ Nguyễn Quân trở lại vẽ “như trẻ con” ấy tại sao lại là một điều đáng chúc mừng đối với riêng họa sĩ. Loạt tranh Rắn năm ngoái ông vẽ với rất nhiều biểu tượng tượng trưng kết hợp trên hình rắn Naga nhiều đầu: Biển - sóng nước, hoa sen - tôn giáo, chiếc thuyền - văn hóa biển đảo ở khắp Đông Nam Á, đàn bà - biểu tượng ẩn ức, khát khao mỹ cảm.
Chân dung con gái út
Kiểu vẽ con giáp với nhiều tính biểu tượng là một kiểu có tính truyền thống, được các họa sĩ nói chung hay vẽ mỗi dịp Xuân về. Bởi 12 con giáp trong tư duy phương đông không phải là 12 con thực, mà là 12 con vật có tính biểu tượng văn hóa - tâm linh cô đặc. Đặc trưng lối vẽ này ta thấy xuất hiện ở rất nhiều tranh con giáp thường thấy, ví dụ tiêu biểu như tranh con giáp của họa sĩ lão thành Nguyễn Tư Nghiêm.
Trước đây, họa sĩ Nguyễn Quân cũng vẽ khá nhiều tranh sơn dầu theo phong cách biểu hiện - trừu tượng lấy cảm hứng từ truyện Kiều, với nhân vật Từ Hải. Người anh hùng này ngoài việc “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” thì không thể thiếu mỹ nhân sánh đôi đã đành, và đặc biệt là anh hùng ngày xưa thì không thể thiếu... chiến mã luôn bên cạnh. Nhưng con ngựa trong tranh “người lớn” ấy nó khác. Nó hùng dũng và... dài thượt, được kéo dài suốt khổ tranh, làm nền cho nhân vật, tượng trưng cho những cuộc trường chinh của anh hùng.
Hình ảnh chiến binh một người một ngựa rong ruổi dưới trăng, ấy là hình ảnh lãng mạn đầy dương tính, vừa cô độc, vừa hào hùng thi vị, trải qua khắp các nền văn hóa đều có. Nào là hào khách Trung Hoa, hiệp sĩ thập tự chiến Âu châu, cho gần đây là… cao bồi viễn Tây. (Chứ người hùng hiện đại, đứng bên mô tô Harley hay xe hơi Rollroyce hay Hummer đi chăng nữa, e cũng kém nhiều phần thi hứng). Cái hình ảnh “con ngựa - vầng trăng’ ấy, xuất hiện trong đầu bất kỳ một chú nhóc nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới khi chú bắt đầu có ước mơ chinh phục năm châu bốn biển.
Vầng trăng trên ngựa
Nhìn những bức tranh vẽ ngựa của Nguyễn Quân năm nay, thoạt nhìn cứ như của một chú nhóc nào đó. Nhưng kỳ thực “chú nhóc” ấy 65 tuổi. Vẫn là con ngựa vầng trăng ấy thôi, vẫn là đồi núi trăng sao ấy, nhưng nó hiện lên tươi tắn, trẻ thơ bằng những nét mộc mạc và chính cái nhìn ngây ngô con trẻ. Không có một chủ nhân hùng dũng và hăm hở chinh phục thế giới, chưa có một biểu tượng văn hóa hay tri thức đầy ắp nào vừa là tài sản, nhưng cũng lại là cái ách hành trang trĩu nặng của “người nhớn”. Con ngựa ấy đương là con ngựa non, tắm suối, ăn cỏ non, chạy nhảy tự do trên thảo nguyên, ngủ dưới trăng, và không chịu bất kỳ câu thúc nào trong không gian tươi nguyên nhuần nhị.
Liệu ở đây có một sự “refresh” (làm tươi, làm mới) nào trong nhận thức của một họa sĩ đã đi nửa tuổi lục thập? Và điều đó báo hiệu gì đây cho những sáng tác kể từ đây tiếp tới? Và với bất kỳ ai, sự trở lại “như không có tuổi” từ nhận thức sâu thẳm mình từ trong tâm khảm, có phải là những điều luôn đáng chúc mừng như ta luôn ngưỡng mộ “trăng già, núi non” là những vật thể không bao giờ có tuổi?
Bức tranh cuối, vẫn như một người cha tận tụy, những nét ấm cúng và yêu thương giản dị nhất, họa sĩ dành để vẽ cô con gái nhỏ tuổi đương thì măng non của mình. Nhìn bức tranh này, ta không khỏi xúc động khi chạnh nghĩ đến những người yêu thương của ta, khi xuân sắp về. Và ta thực sự đã thành người lớn mất rồi khi Tết đến, lòng ta “ai xẻ làm đôi”, nửa thì mừng cho những cha con, vợ chồng, anh chị em, đoàn tụ. Một nửa kia lại bùi ngùi, quặn thắt khi nghĩ đến không ít số phận mà ta biết đến, trải qua, vẫn còn đang long đong, lạc loài, thiệt thòi, lẻ bóng...
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ