(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, Lễ trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú diễn ra trang trọng vào sáng qua (27.5) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Giải thưởng Nhà nước cho 119 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình văn học nghệ thuật, và danh hiệu NSƯT cho 311 nghệ sĩ.
Thay mặt các tác giả nhận Giải thưởng Nhà nước (GTNN), nhà văn Thái Bá Lợi chia sẻ: “GTNN cao quý là ghi nhận của Đảng - Nhà nước, nhân dân đối với những đóng góp của anh chị em nghệ sỹ cho sự phát triển VHNT nước nhà. Có thể chúng ta chưa bằng lòng với những thành tựu đã đạt được nhưng thế hệ văn nghệ sỹ đi cùng với cách mạng, cùng với dân tộc là một thế hệ văn nghệ sỹ mới, rất đặc sắc, độc đáo chưa từng có trong tiến trình phát triển nghệ thuật ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác.
Điều này không phải nhận định cảm tính mà đã thử thách trước thời gian, trước công chúng trong nhiều thập kỷ qua và thực sự đóng góp xứng đáng vào giá trị văn hóa dân tộc. Những kỳ vọng ngày càng cao của công chúng đối với các tác phẩm nghệ thuật là chính đáng mà văn nghệ sỹ thời nào cũng lấy đó làm mục tiêu sáng tạo. Những kỳ vọng chân chính không bao giờ đi cùng với ảo tưởng và nôn nóng. Với nền tảng văn hóa có bản sắc, được xây dựng từ nhiều đời, với đội ngũ những người làm văn học nghệ thuật trẻ trung, có kiến thức, có bản lĩnh, đang tự hoàn thiện mình, chúng ta có quyền tin tưởng VHNT sẽ có những bước đột phá mới, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân những tác phẩm hay hơn, đặc sắc hơn”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa) chúc mừng các tân NSƯT.
Nghệ sĩ điện ảnh luôn cần được cống hiến
So với các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, “mùa giải thưởng, danh hiệu” lần này của điện ảnh chưa phải là “bội thu” với 15 GTNN (kể cả cụm kịch bản phim Canh bạc; Cha tôi và hai người đàn bà và Trăng trên đất khách của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát được xét ở lĩnh vực văn học) và 30 danh hiệu NSƯT. Tuy nhiên, với các nghệ sĩ điện ảnh, giải thưởng và danh hiệu là sự động viên vô cùng lớn trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đạo diễn Vương Đức - được trao GTNN với các bộ phim Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Của rơi - cho biết: “Năm 1994, khi được giải thưởng quốc tế cho bộ phim truyện nhựa Cỏ lau, tôi đã mất ngủ cả đêm. Khi ấy còn trẻ, cảm xúc thật mạnh mẽ. Lần này, nhận GTNN - sự đánh giá sức sống những tác phẩm của tôi - cảm xúc chắc chắn không mạnh bằng năm 1994 ấy. Tôi vui vì được Nhà nước đánh giá xứng đáng”.
Trước những khó khăn của điện ảnh nhà nước hiện nay, đạo diễn Vương Đức (hiện là GĐ Công ty TNHH một thành viên Phim truyện VN) cho rằng, một trong những việc đầu tiên là các nghệ sĩ điện ảnh phải đoàn kết và từng bước vượt qua trở ngại. “Vấn đề của điện ảnh quá nhiều. Liều thuốc cho điện ảnh hiện nay tất nhiên là từ con người. Không ai một mình có thể làm phim. Nghệ sĩ rất khó đoàn kết mà lúc này hơn hết là phải đoàn kết. Sẽ thuận lợi nếu tất cả cùng đồng lòng”.
Trong khi đó, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN - có niềm vui nhân đôi bởi: “Tôi vui và tự hào vì đóng góp cả đời cho VHNT nước nhà đã được ghi nhận. Và đặc biệt vui hơn, ông xã (nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang - PV) cũng được trao GTNN dịp này với những đóng góp cho văn học nước nhà, văn học dịch và lý luận phê bình. Chỉ một cặp của chúng tôi trong hơn 100 GTNN cũng hơi độc đáo. Lúc trao giải trên sân khấu, Chủ tịch nước nói, chúc mừng cả anh và chị đều được giải thưởng… Tôi vui quá”.
Song có lẽ với một người từng nhiều năm gắn bó và tâm huyết với điện ảnh, tác giả kịch bản của Cha tôi và hai người đàn bà không thể không trăn trở: “Nhận giải thì vui thế nhưng chắn chắn vẫn càng phải ý thức nhiều hơn nữa về sự đóng góp tiếp theo, tìm những hướng đi mới. Điện ảnh hiện cực kỳ khó khăn. Nên có cơ hội gặp các vị lãnh đạo tôi đều nói rằng: Các anh ơi, các anh hãy chú ý đến điện ảnh hơn nữa. Vì điện ảnh như đang bị… bỏ rơi vậy! Lúc các nghệ sĩ “kêu cứu”, điện ảnh được chú ý nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu.Theo tôi được biết, suốt hai năm nay không có kinh phí cho phim truyện được khởi động, rất khó khăn. Những ai có khuyết điểm gì khoanh vùng đó lại, bây giờ những người mới gánh vác thì cần tạo điều kiện tối đa để làm nhiệm vụ. Điện ảnh cần có phương tiện là nguồn vốn. Nghệ sĩ không có lỗi gì trong những sự việc đã xảy ra và chúng tôi cần được làm việc, được cống hiến”.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (bìa trái) nhận GTNN.
Tiếc cho một số ca sĩ trẻ
Khác với lĩnh vực điện ảnh, lĩnh vực âm nhạc “mùa” này có thể nói là “áp đảo” với 97 hồ sơ nhận danh hiệu NSƯT và 27 tác phẩm, công trình nhận GTNN được trao cho: nhạc sĩ Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Hoàng Long-Hoàng Lân, Dương Viết Á, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Ngọc Thiện, Đặng Hữu Phúc, Nguyễn Trọng Đài… Trong số các tân NSƯT có rất nhiều ca sĩ trẻ như: ca sĩ Tấn Minh, Minh Ánh…
Ca sĩ Tấn Minh nhận tin anh chính thức được trao danh hiệu vinh dự này khi trên đường ra Trường Sa biểu diễn phục vụ các chiến sĩ hải đảo. Bên lề lễ trao giải, anh cho biết: “Tôi rất vui vì được Nhà nước ghi nhận một cách đúng đắn 20 năm cống hiến không mệt mỏi. Danh hiệu giúp tôi củng cố niềm tin vào con đường mình đã chọn chứ không phải vì danh hiệu hay giải thưởng mà không sáng tạo đổi mới, không làm ra sản phẩm mới. Theo quan niệm của tôi, sản phẩm là dành cho khán giả và bản thân. Tôi cũng hạnh phúc hơn nhiều người, được lựa chọn dòng âm nhạc tôi thích”.
Tuy vậy, trước câu hỏi một số ca sĩ cùng thời với anh bị… “trượt” đợt này, ca sĩ của những Bức thư tình… cũng tỏ ra băn khoăn: “Theo tôi không chỉ những người được xem là cùng thời, mà thậm chí sau thời, miễn là họ xứng đáng. Tôi nghe nói cũng không biết có chính xác 100% không, nhưng hình như Đăng Dương không được xét đợt này vì thiếu hai tháng… Cũng hơi thiệt thòi cho Đăng Dương vì bạn ấy hoàn toàn xứng đáng, một mình lầm lũi theo dòng nhạc chính thống, cống hiến liên tục. Một vài người không cần đủ năm như quy định vì có thể độ phủ sóng của họ quá lớn thì cơ quan chức năng có thể xem xét việc đặc cách cho những nghệ sĩ này”.
* Đạo diễn- NSƯT Đỗ Minh Tuấn: Tôi không phải cải chính nữa! “Tôi nộp hồ sơ lần đầu năm 1997 nhưng sau đó Hãng phim phản hồi là tôi nộp chậm. Năm đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT Nguyễn Khoa Điềm nói chờ đợt sau. Tuy nhiên, sau đó do thay đổi quy định về việc bỏ phiếu bầu nên tôi… trượt vì thiếu một số phiếu ở các hội đồng. Lần này thì đạt 100%. Tuy qua 15 năm mới có được danh hiệu NSƯT vì nhiều nguyên nhân nhưng tôi cũng rất vui. Mà vui nhất là bây giờ không phải đi cải chính nữa. Báo chí trước kia cứ ưu ái quá nên hay tự phong cho tôi danh hiệu này”. Hoàng Lê(ghi) * NSƯT Đỗ Kỷ: Tôi vẫn đi tìm những kịch bản ưng ý Trong đợt xét tặng này, hai vợ chồng tôi cùng có “suất” (vợ anh là diễn viên Lan Hương cũng đã nhận danh hiệu NSND - PV). Bởi thế, gia đình cũng bận… gấp đôi so với các đồng nghiệp. Nhận danh hiệu NSƯT ở tuổi 50 với 30 năm làm diễn viên, nhiều người hỏi tôi điều này đến sớm hay muộn? Thật lòng, tôi không nghĩ nhiều về việc đó. Điều ấy cũng giống như câu hỏi mà báo giới hay đặt ra về vai diễn ưng ý nhất. Với tôi, nếu chọn được vai diễn nào khiến mình ưng ý nhất thì đó cũng là lúc mình bắt đầu đứng lại trong nghề diễn rồi. Với cách nghĩ ấy, việc nhận danh hiệu NSƯT cũng không ảnh hưởng nhiều tới tôi trong công việc hàng ngày. Hiện tại, tôi đang công tác tại Phòng Nghệ thuật của Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên khá bận rộn. Thời gian rảnh rỗi nếu có, tôi cũng vẫn sẽ tham gia một số bộ phim truyền hình. Riêng với nghề đạo diễn sân khấu, từ khi tốt nghiệp cách đây 10 năm, tôi mới chỉ có điều kiện dựng ba vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Đi tìm điều chưa mất và Linh hồn đông lạnh. Bởi vậy, ở góc độ làm nghề, tôi vẫn mong có dịp gặp một kịch bản ưng ý và phù hợp. Nếu để nói gì với những diễn viên trẻ mới vào nghề, tôi chỉ muốn chia sẻ, bên cạnh những vấn đề về diễn xuất, nghề diễn viên còn đòi hỏi sự kiên nhẫn và cần cù, để theo thời gian mà “thu gom, nhặt nhạnh” vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức cho những vai diễn của mình. Đã là diễn viên, dù nhận một vai nhỏ nhất, nếu thiếu đồng cảm với nhân vật thì sẽ không bao giờ thành công. Có niềm tin và sự chuyên tâm, mọi phần thưởng sẽ đến với nghệ sĩ dù là cách này hay cách khác. Cúc Đường(ghi) * NSƯT Tự Long: Tiếc cho “bạn nối khố” Xuân Bắc Đây là lần đầu tiên tôi làm hồ sơ xin xét duyệt sau khi đã có đủ các “chuẩn” về số huy chương vàng và thâm niên công tác. Mọi chuyện khá suôn sẻ và vừa rồi tôi nhận được thông tin chính thức về danh hiệu NSƯT của mình. Tất nhiên, tôi rất vui, nhưng cảm giác đầu tiên khi đó lại là… yên tâm tuyệt đối (cười). Trước khi có quyết định, bạn bè nghe “tin hành lang” nên chúc mừng khá nhiều, tôi chỉ dám ậm ừ rồi bụng bảo dạ: “Đừng mừng vội, nếu hụt thì đỡ… sốc”. Danh hiệu NSƯT lần này của tôi được trao tặng cho những đóng góp trên khấu chèo (chứ không phải trên hài kịch như một số người lầm tưởng). Thật lòng, tôi thấy tiếc cho Quang Thắng, Vân Dung hay “ông bạn nối khố” Xuân Bắc - những người rất chân thành chia sẻ niềm vui với tôi khi biết tin. Không có tên đợt này, tôi cũng không rõ họ thiếu vắng tiêu chí nào: về huy chương, hay thâm niên công tác. Nhưng thật sự, đó là những nghệ sĩ được công chúng ghi nhận và đã cống hiến liên tục trên mọi “mặt trận” chứ không hề chỉ biết diễn hài. Tôi có nghe rằng sắp tới việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ sẽ diễn ra 2 năm/lần. Nếu được như vậy, tôi cũng mong các nghệ sĩ trẻ nhưng có nhiều cống hiến sẽ được chiếu cố hơn, bởi thực tế không phải bất cứ diễn viên trẻ nào cũng dễ tiếp cận với cơ hội có vai tham gia Hội diễn toàn quốc và nhận huy chương vàng. Chuyện có nên đặc cách xét danh hiệu hay không có thể còn gây tranh cãi, nhưng ít nhất cũng nên có một phần thưởng gì đó cho họ để ghi nhận và động viên. Sơn Tùng(ghi) |