(TT&VH) - Dù có thể tên ông ít người biết, nhưng Nguyễn Văn Phương (sinh 1930 tại Hà Nội, mất 2006 tại Đà Lạt) là một cá tính lạ của nền hội họa Việt Nam hiện đại. Ông là một ví dụ sinh động về sự tự tôn bản sắc dân tộc trong việc làm chủ kỹ thuật hội họa của phương Tây.
Triển lãm hồi cố với tên gọi Mùa Xuân vĩnh cửu đang diễn ra tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, TP.HCM), giới thiệu 45 tác phẩm sơn dầu và sơn mài. Triển lãm kéo dài đến 7/5/2012.
Cố họa sĩ Nguyễn Văn Phương sống lặng lẽ, rất ít người biết được chuyện học hành, làm việc hay đời tư của ông. Chỉ biết từ thập niên 50 của thế kỷ trước, khi còn ở Hà Nội, ông đã vẽ tranh và triển lãm đây đó. Cả đời ông gần như chỉ dành cho hội họa và thơ, miệt mài và nhất quán về phong cách.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng từng nhận xét: “Mỗi tác phẩm của ông dường như đều có chuyện, có tích với cơ cấu hình ảnh được chắt lọc từ trong thực tế mà ông tỏ ra thông thuộc, đắm lòng. Trong tranh ông, tính tự sự của tác phẩm quyết định bố cục - người, vật và cảnh được sắp xếp theo quan hệ “đối đáp” để làm sáng tỏ ý tứ. Ông có bút pháp vừa gần với các họa sĩ hậu ấn tượng (châu Âu) vừa gần hơn với tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam. Tranh ông Phương không sâu xa nhưng duyên dáng, gợi cảm, gợi tình và có khi dí dỏm. Tất cả đều toát lên một tinh thần chân chất mà yêu đời...”.
Nhìn đường tiếp mí của mảng miếng được tô với nét lớn, đậm, nhiều người rất khó chịu, nhưng nhiều người khác lại rất lý thú, nó như khẳng định nguồn gốc từ kỹ thuật tạo hình của Việt Nam.
“Màu sắc cũng chính là một trong những đặc trưng nổi bật trong tranh Nguyễn Văn Phương. Ông sử dụng rất lão luyện năm màu sắc cơ bản mà triết học phương Đông gọi là ngũ sắc (bao gồm: trắng, xanh, đỏ, đen, vàng) - một khái niệm rất gần gũi với triết lý về ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Các yếu tố của ngũ hành có mối quan hệ tương hỗ và biện chứng với nhau, theo đó, mỗi yếu tố không ngừng biến đổi. Cơ chế của sự biến chuyển này chính là sự tương sinh (sự hòa hợp hay quá trình phát sinh) và tương khắc (sự đối nghịch hay quá trình triệt tiêu). Chỉ khi nắm vững triết lý này, ta mới khám phá được thế giới màu sắc của Nguyễn Văn Phương”, nhà nghiên cứu Long Nghi phân tích.
Tác phẩm Bài chúc Tết thầy, sơn dầu trên bố, 120x160cm
Nguyễn Văn Phương khá am hiểu và có lòng rộng mở với hội họa Việt Nam. Trước 1975, ông từng viết nhiều bài phê bình trên báo và tạp chí ở Sài Gòn; từng xuất bản cuốn Nghệ thuật Việt Nam hiện đại (năm 1962), được xem là “có mắt xanh” với các họa sĩ trẻ. Bây giờ nhìn lại, phần lớn các chọn lựa của ông đều chính xác, họ là những họa sĩ thực thụ, vài người đã xác lập được dấu ấn và phong cách riêng.
Chính vì những yếu tố vừa nêu, triển lãm hồi cố Mùa Xuân vĩnh cửu vừa là nén tâm nhang tưởng niệm ngày mất (19/4), vừa là cách để vinh danh một họa sĩ tài hoa, có dấu ấn riêng và sống khá lặng lẽ.
Văn Bảy