(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 20 năm trưng bày ở khắp các nhà triển lãm danh giá ở New York (Mỹ), London (Anh), Paris (Pháp)... hai năm gần đây Phạm Lực chỉ mở triển lãm ở Việt Nam với những trăn trở về xã hội đương đại.
Sắc Xuân của Phạm Lực khai mạc 21/11 (và kết thúc ngày 4/ 12) tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Không bao tải, thôi hoài cổ
Triển lãm trưng bày 36 bức tranh. Trong đó có 32 bức sơn dầu và 4 bức sơn mài và không có tranh vẽ trên chất liệu bao tải - chất liệu “đóng đinh” thương hiệu Phạm Lực trong giới hội họa trong và ngoài nước.
Tính Phạm Lực khá vui vẻ nhưng ông không phải người hoạt ngôn. Ông lão thất thập không quen “thuyết minh” tranh của mình, cũng không giỏi bàn chuyện thế sự. Mọi điều ông thấy, ông cảm đều đã được kể qua những bức họa.
Họa sĩ Phạm Lực nói về những bức họa trong triển lãm Sắc Xuân
Nhưng khi được hỏi về lý do “bỏ” tranh bao tải, lão họa sĩ thất thập hứng thú lạ. “Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi, nhưng tôi rất tâm đắc triển lãm đầu tiên không tranh bao tải của mình”- “Van Gogh của Việt Nam” háo hức kể- “Trong bất cứ triển lãm cá nhân hay tập thể nào, những bức tranh bao tải luôn làm tôi khác biệt. Những bức tranh vẽ trong bối cảnh thiếu toan, thiếu màu trên chất liệu bao tải “ám màu hoài niệm” khốn khó của cả dân tộc đã khiến nhiều người rung động mạnh. Nhưng tôi nghĩ, chẳng thể mãi “ăn mày dĩ vãng”, vì cuộc sống hiện tại cũng rất cần những người nghệ sĩ ghi lại bằng những nét cọ”.
Sang tuổi 72, Phạm Lực rũ bỏ tất cả để làm mới mình. Sắc Xuân của ông đã không chỉ còn những gam màu ghi sắc lạnh, màu nâu sống nóng rực mà đã xuất hiện nhiều gam màu tươi sáng. Những “quả thị thơm cô Tấm rất hiền”, những trò chơi con trẻ, những hùng binh Trường Sa kiêu hùng mà gần gũi cũng hiện hữu trong triển lãm. Tuổi 72, Phạm Lực “hoàn đồng”.
Nhưng khi được hỏi lý do xuất hiện những gam màu tươi sáng bất ngờ, Phạm Lực cười tinh nghịch: “Vẽ màu tối mãi rồi, cứ thay hộp màu liên tục mà màu sáng vẫn còn nguyên. Nghĩ tiếc rẻ, đành vẽ màu sáng vậy!”.
Xót xa những phận “người trùm chăn”
Song gam màu sáng cũng không đủ khiến triển lãm vui tươi hơn. Những tiếng thở dài, những nét mày đăm chiêu, những câu rủ rỉ than thở tạo nên không gian tại triển lãm. Những hình ảnh phản biện của xã hội đẩy tới cực điểm khiến công chúng xem mà thấm, xem mà đau.
Bức tranh Cha con trong triển lãm
“Tôi bị ám ảnh mạnh bởi bức tranh Cha con. Bức ảnh này Phạm Lực vẽ về một người thương binh gầy guộc đang chăm bẵm cho đứa con. Dưới chân cậu bé là những ô tô, nhà lầu.... Trăn trở đau đáu này cũng là nỗi niềm của những thế hệ người lính đi trước với thế hệ trẻ bây giờ. ” - TS Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), một người lâu năm nặng lòng với tranh Phạm Lực chia sẻ.
“Hội họa của Phạm Lực lan tỏa đầy chất lính,
đường nét chấm phá buông thả đến hối hả... Một lối vẽ trực cảm giàu cảm
xúc. Cái sức mạnh tiềm ẩn sau bức tranh; theo thời gian càng lộ rõ một
thiên hướng định hình và tài ba trong hội họa của Phạm Lực” (PGS-TS Nguyễn Đỗ Bảo).
TS Dũng nói tiếp: Như bao người lính khác, Phạm Lực cũng băn khoăn, những gì thế hệ mình hy sinh có đang cho một thế hệ với nhiều “đứa trẻ” có to mà không có lớn không? Vận mệnh dân tộc rồi sẽ ra sao nếu ta đặt cả lên vai những “Em Chã” này? Và việc giáo dục cũng cần hướng tới tính khai phóng cùng những giá trị đạo đức, văn hóa và chiều sâu thẩm mỹ chứ không đơn thuần là chăm bẵm những đứa trẻ.
Theo ông Dũng, bức tranh này cũng cùng nỗi niềm với bức tranh vẽ về cảnh chọi trâu Đồ Sơn. Trong tranh, Phạm Lực không vẽ cảnh máu me tàn bạo, ông “lãng mạn hóa” những con trâu chiến thành những đôi chân người trùm chăn tựa múa lân, múa rồng. Trên lưng những con trâu là những đứa trẻ.
“Những người cha, người mẹ đang như những phận người trùm chăn và dẫn dắt con trẻ vào những cuộc chiến ganh đua liên miên. Ngay từ mẫu giáo, các em đã phải “chọi” nhau vào trường tốt, rồi “chọi” nhau để có bảng điểm cao... Những cuộc đua ganh và đối đầu vô nghĩa này của lũ trẻ xuất phát từ những giấc mơ mù quáng của các bậc cha mẹ”- TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa