(TT&VH) - Không “nổi” như bố (nhạc sĩ Phúc Quang) và chồng (violist Bùi Công Duy), bản thân cũng không mặn mà với ánh đèn sân khấu, pianist Trinh Hương đã lựa chọn công việc giảng dạy cho sự nghiệp của mình.
14 tuổi sang Nga học chuyên ngành biểu diễn piano từ hệ trung cấp, đại học đến thạc sĩ, rồi Hương lại bỏ dở luận văn tiến sĩ để trở về Việt Nam cùng chồng là Bùi Công Duy.
Không đam mê ánh đèn sân khấu
Về nước, sự nghiệp Hương theo đuổi lại không phải là chuyên ngành mà chị học. Chị chọn lựa việc giảng dạy thay vì biểu diễn. Hương thú nhận là chị thật sự không đam mê ánh hào quang của việc lên sân khấu. Ngay từ khi còn đi học chị đã trải qua những bài tập, những bài thi theo kiểu “đến hẹn lại lên”, đến lúc phải trả bài thì trả bài, đến khi “bị” phải lên sân khấu thì mới chịu lên. Với chị, đôi khi đấy là nghĩa vụ và trách nhiệm chứ không phải say mê.
Một điều khá quan trọng nữa là Hương nhận mình không có bản lĩnh sân khấu như những nghệ sĩ khác. Có nhiều người, khi lên sân khấu họ trở thành một người khác hẳn. Đó là sự xuất thần. Còn Hương lại chơi tốt hơn khi không phải ở trên sân khấu. Đó là lúc chị chơi cho bạn bè hay bản thân mình. Còn khi lên sân khấu, đến thầy giáo người Nga của chị cũng phải thốt lên: “Cô làm cái gì trên đó mà tôi chẳng hiểu gì cả?”.
Trinh Hương e ấp bên chồng
Tuy nhiên, năng khiếu học của Hương rất tốt, nên chị đã học tập trong 17 năm mà không khó khăn gì. Hơn nữa, mong muốn của Hương là trở thành một giảng viên giỏi nên việc học vẫn vô cùng quan trọng. Chị nói vui: “Mình thích chỉ cho người ta chơi đàn hơn là đàn cho người ta nghe. Ngay từ khi đi học, mình đã xác định sẽ theo nghiệp giảng dạy rồi. Mình rất yêu thích công việc này. Mỗi ngày được giao lưu, giảng dạy với học sinh mình thấy rất hào hứng. Mỗi khi các em học tiến bộ là mình cũng vui lây. Thực sự, nghiệp diễn đến một giai đoạn nào đó cũng phải dừng lại hoặc phải truyền đạt lại những kinh nghiệm cho thế hệ sau. Ở trường, các thầy cô hầu hết cũng tốt nghiệp từ chuyên ngành biểu diễn, rất ít người học từ sư phạm. Vì thế, việc mình học chuyên ngành biểu diễn rồi đi giảng dạy cũng là điều bình thường. Thậm chí là rất ổn bởi chính kinh nghiệm biểu diễn sẽ giúp mình giảng dạy tốt hơn”.
Không thuộc cả ca từ của bố - nhạc sĩ Phú Quang
20h ngày 7/7 tới, Trinh Hương và Bùi Công Duy sẽ có buổi biểu diễn cùng nhóm nhạc Thính phòng đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
17 năm đi học xa nhà. Những năm đầu, Hương cũng nhớ nhà đến phát khóc. Nhưng khi vào guồng quay của việc học, của những sinh hoạt cộng đồng bên đó, Hương đã dần thích nghi. Cũng vì điều kiện cuộc sống lúc đó không được như bây giờ nên Hương ít có cơ hội tiếp xúc với văn hóa Việt. Xung quanh chị, một là âm nhạc học trong trường, hai là nghe nhạc nhẹ của châu Âu, vì vậy, hầu như chị không nghe nhạc Việt Nam, kể cả nhạc của bố. Có một kỉ niệm mà chị nhớ và vẫn thấy vui cho đến tận bây giờ. “Đó là lần bố gửi sang cho con gái một cuốn băng vừa thu âm một số tác phẩm của ông nhưng vì không có máy nghe nhạc nên mình cứ để đó. Vô tình, một người bạn mượn cái băng đó và bật lên. Mình cũng không nhận ra đấy là nhạc của bố và bảo bạn: “Nhạc Việt Nam à? Nghe cũng được đấy nhỉ?”. Bạn mình trố mắt nhìn mình, nói: “Ơ thế cậu không biết à? Nhạc của bố cậu đấy”. Đến lúc đó cả hai nhìn nhau cười lăn ra.
Và cho đến giờ, dù đã về hẳn Việt Nam nhưng thói quen nghe nhạc của Hương vẫn không có gì thay đổi bởi nó đã được định hình từ những năm tháng đi học. Hương không thần tượng bố vì với chị, bố là bố thôi. Âm nhạc của bố nghe thì thấy hay nhưng Hương chỉ có thể nhớ được giai điệu và nốt nhạc chứ lời thì thật khó nhớ. Hương khoe giờ nghe nhạc của bố còn “tiến bộ” hơn hồi ở bên Nga nhiều. Nhưng riêng khoản lời ca thì chịu, không thể nào nhớ hay thuộc được” - Trinh Hương kể.
Chỉ “đệm” cho chồng
Còn với violist Bùi Công Duy, anh vừa là chồng, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn thân. Hương vẫn hay tự so sánh mình với chồng. Chồng thì đam mê biểu diễn nên mỗi lần lên sân khấu là mỗi lần anh mong muốn phải diễn tốt hơn lần trước. Ngày hôm nay phải diễn tốt hơn ngày hôm qua, tay đàn theo thời gian và sự tôi luyện là phải đi lên. Nhưng Hương thì khác, Hương lên sân khấu chỉ vì “bị”, “phải”.
Chị bảo lần cuối cùng có một show riêng là trước khi về nước - có nghĩa là diễn ở bên Nga. Không thực sự hào hứng với không gian của sân khấu nên từ khi về Việt Nam, Hương không mấy khi tham gia biểu diễn. Còn nếu có thì lần nào chị cũng sánh đôi cùng chồng. Nhưng sánh đôi không phải để diễn song tấu mà chỉ là đệm cho chồng thôi. Hương bảo chị là “cây nhà lá vườn”, là “của nhà trồng được” nên đem ra “dùng”.
Thấy chồng rất đa năng, hăng say trong công việc, đam mê với nghiệp diễn chị rất tự hào. Còn chị, dù không theo đuổi sự nghiệp theo hướng của chồng nhưng chị thấy ấm áp và hạnh phúc với việc “gõ đầu trẻ” của mình. Việc giảng dạy và chăm sóc gia đình đã chiếm hết thời gian của chị nên ngay cả cửa hàng thời trang cách đây mấy năm chị mở ra giờ cũng đã đóng cửa. Chị bảo cuộc sống lúc này khá đầy đủ và chỉ còn thiếu đúng một thứ, thứ ấy thì trời cho lúc nào.... thì cho - đó chính là tiếng cười của trẻ thơ trong một ngôi nhà luôn tràn ngập tình yêu!
Ngọc Minh